Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà, 3 em bé tử vong

Ngành y tế Phú Yên hôm nay xác nhận bệnh nhi 8 tuổi ở xã An Dân qua đời vì sốt xuất huyết. Đây là trường hợp thứ 3 ở địa phương chết vì căn bệnh này và đều là trẻ em.


Trước đó một cháu bé 8 tuổi ở thành phố Tuy Hòa và một bé mới 4 tuổi sống tại huyện Đông Hòa (Phú Yên) tử vong vì sốt xuất huyết. Điểm chung của các trường hợp không may này đều do bố mẹ tự điều trị sốt xuất huyết cho con tại nhà, mà không kịp thời đưa bé đến bệnh viện.

Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hưởng cho biết: “Sở dĩ các ca sốt xuất huyết dẫn đến tử vong là do người nhà chủ quan, thấy dấu hiệu bệnh nhưng không đến bệnh viện ngay mà tự mua thuốc để điều trị, đến lúc phải nhập viện thì bệnh nhân trong tình trạng choáng nặng, trụy mạch, không thể cứu chữa được nữa”.

Kiểm tra các lu, thùng chứa nước để diệt loăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết ở Phú Yên. Ảnh: Thiên Lý

Theo Sở Y tế Phú Yên, sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình hình bệnh sốt xuất huyết ở địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuần qua, toàn tỉnh đã phát hiện gần 200 ca mắc bệnh sốt xuất huyết mới, nâng tổng số người bệnh lên đến 3.380 ca.

Ngoài những ổ dịch cũ, mới đây đã xuất hiện thêm hai ổ dịch nữa tại 2 huyện Sông Hinh và Tây Hòa.

Phú Yên là một trong những tỉnh có dịch sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, nhưng năm nay diễn biến phức tạp nhất. Theo nhận định của Sở Y tế, do thời tiết, dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 11.

Sở Y tế Phú Yên tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương dập dịch bằng cách đổ bọ gậy (loăng quăng), phun hóa chất, duy trì giám sát đồng bộ ca bệnh, huyết thanh, côn trùng, xử lý dịch đúng quy trình theo quy định của Bộ Y tế và tuyên truyền cách phòng chống dịch trong cộng đồng.

VNE

Sự sống kỳ diệu của bé gái bị 'đóng băng' hộp sọ

Bé Phoebe Grimes, 3 tuổi, người Anh mắc chứng bệnh hiếm gặp khiến hộp sọ không to lên trong khi não vẫn phát triển. Cách duy nhất để cứu sống bé là cắt hộp sọ thành hai phần riêng và sau đó ghép lại như cũ.

Theo The Sun, Phoebe được chẩn đoán mắc căn bệnh có tên là craniosynostosis, khiến hộp sọ bị "đóng băng", không phát triển. Nó sẽ không bao giờ lớn được đến kích thước bình thường, trong khi não vẫn tiếp tục phát triển. Vì thế, đến một ngày nào đó nó sẽ chèn ép và gây ra những tổn thương ở não, khiến trẻ chậm phát triển.

Theo các bác sĩ, cách duy nhất để cứu sống bé là phẫu thuật cắt hộp sọ thành phần riêng và sau đó ghép lại.

Bé Phoebe Grimes, hơn 2 năm sau ca phẫu thuật cùng mẹ. Ảnh: The Sun.

Mẹ bé, chị Claire, 34 tuổi cho biết: "Tôi phát ốm khi bác sĩ thông báo rằng họ sẽ cắt đầu con mình ra. Lúc đầu tôi không tin, tôi nghĩ họ đã nói quá lên. Cả tôi và chồng tôi đều không muốn họ làm thế với bé nhưng trong sâu thẳm chúng tôi biết rằng mình không còn sự lựa chọn nào khác".

"Họ nói với tôi rằng nếu không tiến hành phẫu thuật, não của bé sẽ bị tổn thương 10% trước khi bé đến tuổi đi học", chị cho biết thêm.

Chị Claire đã phát hiện có điều gì không ổn với hộp sọ của Phoebe ngay khi bé được 6 tuần tuổi. Nhưng phải đến 3 tháng tuổi, các bác sĩ mới chẩn đoán được chứng bệnh hiếm gặp này. Và gia định chị phải tiếp thêm 4 tháng nữa để bé đủ sức khỏe để có thể chịu được ca phẫu thuật quan trọng kéo dài suốt 6 giờ tại Bệnh viện Nhi Birmingham.

Các bác sĩ đã cắt xương sọ của Phoebe theo một đường zig-zag từ tai trái sang tai phải trước khi tạo một khe đủ khoảng trống để não phát triển. Khi mổ ra, các bác sĩ nhận thấy não cô bé đã bị chèn ép nhiều.

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là khả năng hồi phục một cách kỳ diệu của cô bé. Vết mổ theo đường zig-zag cũ trên đầu cô bé nay đã không còn vết tích nào.

"Tôi thấy mình thật may mắn vì con gái mình vẫn còn sống dù cách các bác sĩ làm thật kỳ lạ", chị Claire nói.

Bé sẽ phải đi kiểm tra định kỳ hàng năm đến khi lên 5 tuổi.

VNE

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Tăm xỉa răng xuyên thủng ruột thừa

Phẫu thuật nội soi cho một nam bệnh nhân bị tình trạng đau bụng lúc âm ỉ lúc dữ dội, các bác sĩ bất ngờ phát hiện có một cây tăm đâm xuyên ruột thừa của anh.

Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP HCM)cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc khu trú do viêm ruột thừa vỡ là không sai. Tuy nhiên ít ai ngờ thủ phạm lại là cây tăm xỉa răng.

Vị trí que tăm nằm trong ổ bụng xuyên thủng gốc ruột thừa là nguyên nhân khiến ruột thừa bị hoại tử phải cắt bỏ.

Khẳng định nếu cấp cứu trễ bệnh nhân có thể tử vong, các bác sĩ Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết đây cũng là lần đầu tiên họ tiếp nhận trường hợp như vậy.

Hai ngày sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã bình phục. Anh thừa nhận có thói quen ngậm tăm xỉa răng và có lần trót nuốt tăm, nhưng nghĩ không liên quan gì đến chứng đau bụng của mình nên không báo cho các bác sĩ.

VNE

Mất tiền vì cán bộ y tế 'rởm'

Tưởng người của trạm y tế xã đi phun thuốc diệt muỗi, ông Thanh, 65 tuổi, ở xóm 1, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội mở cửa, mời cả 3 thanh niên lạ mặt vào nhà. Khách về, ông mới ngã ngửa vì bị nẫng mất hơn 2 triệu đồng.

Chuyện xảy ra cách đây một tuần nhưng đến giờ ông Thanh vẫn không hết bức xúc. Sáng hôm đó cả nhà ông đều đi vắng, chỉ có mình ông ở nhà trông cháu thì có một nhóm 5 thanh niên bấm chuông cửa, bảo là đi phun thuốc muỗi. Những người này nói là phun theo chương trình của xã, 6 tháng một lần. Thấy nhà bên cạnh đã mở cửa cho vào, ông Thanh cũng làm theo, mở cổng để họ vào phun. 3 người vào nhà ông, còn 2 người vào hàng xóm.

"Tôi cũng đã rất cảnh giác, họ phun chỗ nào là tôi bế cháu đi theo. Nhưng khi phun gần xong ở tầng 2, là nơi sinh hoạt của gia đình người con trai thì họ bảo tôi bế cháu xuống dưới nhà không độc, nghe nói thế tưởng thật, tôi liền bế cháu xuống", ông Thanh kể lại.

Sau đó, người này còn xuống phun qua loa tầng một rồi hỏi xin tiền công thì ông bảo: "Tôi ở nhà trông cháu thì lấy đâu ra tiền". Họ không nói gì thêm rồi đi luôn. Đến đầu giờ chiều ông mới tá hỏa khi người con trai kêu mất hơn 2 triệu đồng để trong ví.

Người dân nên cảnh giác không để bị những đối tượng giả mạo nhân viên y tế lừa tiền. Ảnh có tính minh họa: N.H.

"Hỏi ông trưởng thôn tôi mới biết mình bị lừa, xã không có chương trình phun thuốc muỗi nào. Thế mà tự tôi mở cửa, mời trộm vào nhà mà không hay. Nhưng điều bực mình nhất là sợ con cái nghi kỵ bảo mình lấy tiền lại đổ cho là bị lừa", ông Thanh kể lại.

"Nghĩ lại lúc đầu, bảo mấy thanh niên ấy đem xe máy vào sân để cho an toàn thì chúng từ chối, hóa ra là chuẩn bị sẵn đường để chuồn", ông cho biết thêm.

May mắn hơn ông Thanh, chị Liên, 38 tuổi, hàng xóm cũng là nạn nhân bị lừa của nhóm thanh niên này, nhưng chỉ mất 250.000 tiền công phun. Nghĩ là chương trình của trạm y tế xã nên chị mời vào.

"Khi mình hỏi thuốc có độc không, bọn nó còn bảo 'nghiên cứu tế bào và gene thì thấy chỉ ảnh hưởng đến động vật không xương sống, chứ động vật có xương sống như con người thì không chết'. Nghe có vẻ rất khoa học nên cũng chả để ý gì", chị Liên nói.

Sau khi phun xong 3 tầng, họ đòi chị 240.000 đồng (40.000 đồng một lít, phun hết 6 lít). Không có tiền lẻ, chị đưa 250.000 đồng, đợi mãi để trả lại tiền mà không thấy, mấy thanh niên kia lên xe máy phóng đi luôn.

"Lúc sau, thấy ông Thanh bảo không mất đồng nào trong khi mình lại mất tiền, nghĩ bụng 'thế là mình bị lừa rồi'. Cả buổi trưa nghĩ tức không ngủ được, đến chiều nghe tin nhà bên đấy bị mất tiền mới chột dạ. Hóa ra mình vẫn còn may chán", chị Liên chia sẻ nói.

Về nhà, chị có kể cho chồng nghe mới biết, trước đó cũng có mấy thanh niên từng đến nhà bảo đi phun thuốc muỗi nhưng anh không cho vào. "Lúc phun, họ còn bảo đến gián cũng chết nhưng một tuần rồi chả có con nào chết cả. Thôi thì từ sau có ai hỏi thì bảo bị nhốt ở nhà, không có chìa khóa", chị cười nói.

Ngoài gia đình ông Thanh và chị Liên, nhiều hộ khác tại xóm 1, xã Cổ Nhuế cũng bị những nhân viên y tế giả danh này "hỏi thăm" nhưng rất may không ai bị lừa.

Theo bà Tới, cộng tác viên y tế của xã tại xóm 1, nếu là chương trình phun của xã thì người dân sẽ không mất bất kỳ khoản tiền nào.

Bác sĩ Nguyễn Thị Long Hoa, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cổ Nhuế, cho biết, khi trạm y tế tổ chức phun hóa chất sẽ thông báo rộng rãi cho người dân được biết và sẽ có đại diện của chính quyền và cán bộ của trạm đi cùng. Vì thế người dân không nên tin vào những người lạ mặt, giả danh tránh bị lừa, mất tiền.

VNE

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Những cái chết bất ngờ trời giáng

Sấm sét kèm theo mưa giông ở miền Trung giáng xuống nhiều người dân đang làm việc ngoài đồng hoặc đi trên đường, làm 13 người chết, 14 người bị thương. Các chuyên gia khuyên phải cất điện thoại di động để tránh sét.

Khi mưa giông kèm sấm sét, nên tháo pin điện thoại di động để đảm bảo an toàn. Ảnh:khoahoc.com.vn

Mới đây nhất, trong cơn mưa giông tối 12/9, sét đã đánh trúng ông Huỳnh Ngọc Quả (49 tuổi) ở thôn Tú Bình, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam), khiến ông chết tại chỗ. Người đàn ông này đang trên đường lùa đàn vịt về nhà.

Cùng ngày, tại cánh đồng thôn Đông Lâm, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, sét cũng đã đánh chết tại chỗ 2 người và một người khác bị thương khi đang gặt lúa trên đồng. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Quý (35 tuổi) và anh Trần Đình Cường (24 tuổi). Trước đó cô giáo Nguyễn Thị Phượng ở xã Điện Hồng đang đi trên đường cũng bị sét đánh...

Chỉ trong vòng một tháng qua, tại các tỉnh miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, có đến 13 người chết, 14 người bị thương do bị sét đánh. Thống kê cho thấy hầu hết trường hợp bị sét đánh trong lúc gặt lúa, chăn vịt trên đồng, hoặc đang đi trên đường có mang theo điện thoại di động.

Để tránh hiểm họa do sét đánh, trao đổi với VnExpress.net, ông Nhâm Xuân Sỹ, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng Quảng Ngãi đưa ra lời khuyên: “Khi xuất hiện mưa giông kèm theo sấm sét, người dân nên rời xa những dụng cụ lao động bằng kim loại, tắt ngay nguồn máy điện thoại di động, tìm nơi trú ẩn an toàn".

Theo ông, tuyệt đối không trú tránh mưa giông trong những chòi hoặc dưới tán cây giữa đồng, vì sét bao giờ cũng hướng về những nơi có điện trở nhỏ để đánh vào. Thông thường trong những cơn mưa giông, sét đánh vào những điểm cao nhất, đặc biệt là những nơi có kim loại, cột ăngten, điện thoại di động…

Trong gia đình, ông Sỹ khuyên khi có mưa giông sét nên tắt nguồn các thiết bị điện tử, tivi để đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng.

VNE

Ăn xôi gà bán dạo, 21 người đi cấp cứu


Ngày 16/9, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 21 người trú tại tổ 48 và 49 phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) nhập viện với các triệu chứng ngộ độc. Sáng qua, họ cùng mua xôi gà của một bà bán dạo.

Sau khi ăn, bệnh nhân này đều có triệu chứng như mệt lả, nôn mửa, đi ngoài, thậm chí có trường hợp tụt huyết áp. Trong số các bệnh nhân có một em bé mới 17 tháng tuổi và nhiều người trên 70 tuổi.

Người bán xôi dạo - bà Huỳnh Thị Sáu - cho biết, số xôi gà này do con gái bà là Nguyễn Thị Tài (40 tuổi) nấu và chở đi bán trước một trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, do rơi vào ngày thứ 5, học sinh nghỉ nhiều, xôi bán không hết nên mang về cho bà Sáu đi bán, trong đó ngay cả bản thân bà Sáu cũng ăn và bị ngộ độc.

Hiện Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng, đang điều trị cho 6 trường hợp bệnh nặng với triệu chứng tụt huyết áp, sốt cao như bà Huỳnh Thị Sưa (70 tuổi), ông Lê Văn Hòa (75 tuổi), Khoa Nhi điều trị 10 trường hợp. 5 trường hợp còn lại vẫn đang ở trong khu vực cấp cứu.

VNE

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

Mì gói: không nên ăn ba bữa/ngày

Mì gói có hàm lượng chất béo cao, thiếu chất xơ, vitamin và công bố thành phần năng lượng trên nhãn mác sơ sài, khó cho người tiêu dùng lựa chọn là những điểm được đưa ra bàn thảo tại cuộc tọa đàm “Hiểu đúng về mì tôm”, được báo Khoa Học Đời Sống tổ chức hôm qua 30-8 tại Hà Nội.

Chất béo chiếm 25-30% năng lượng

PGS.TS Phan Thị Sửu, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN), cho hay gần đây Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM kiểm tra và phát hiện 38% mẫu mì gói chứa chất béo trans. Đây là chất góp phần làm tăng cholesterol xấu, gây xơ vữa động mạch, giảm sự lưu thông máu và tăng nguy cơ đột quỵ. Bà Sửu cho biết: “Mì gói được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao dễ bị oxy hóa, còn dầu được chiên đi chiên lại có khả năng tạo ra chất béo dạng trans nhiều hơn. Một số loại mì trên thị trường có hàm lượng axit béo no không có lợi cho sức khỏe chiếm tới 20%”.

Còn theo PGS.TS Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, hầu hết mì gói trên thị trường có hàm lượng chất béo 11,6-16 gam, tương đương 30% tổng năng lượng gói mì cung cấp, trong khi tối đa chất béo chỉ nên chiếm dưới 20% năng lượng khẩu phần.

Ông Hoàng Đức Như (Hội Dinh dưỡng TP.HCM) đặt vấn đề: từ năm 2007 vấn đề chất béo có hại trans trong thực phẩm chiên, rán đã được nói đến, nhưng đến nay VN vẫn chưa có quy định về việc công bố hàm lượng trans trên nhãn mác, hoặc yêu cầu thay đổi công nghệ sản xuất và kiểm tra xem sản phẩm có chất trans không.

Cần công bố cụ thể thành phần năng lượng

Theo bà Phan Thị Sửu, năm 2008 hơn 50 nhà sản xuất mì gói ở VN đã sản xuất ra 5 tỉ gói mì.

Tuy nhiên, lấy hàng loạt loại mì gói thông dụng trên thị trường, bà Lê Bạch Mai cho rằng công bố hàm lượng dinh dưỡng, các chất có hại, có lợi cho sức khỏe trên bao bì mì gói rất sơ sài. Bà Mai đề xuất cần công bố tổng năng lượng, năng lượng thành phần cấu tạo bởi chất béo, tinh bột, đạm, đường, hàm lượng chất béo không có lợi cho sức khỏe... Khi công bố, nhà sản xuất cần kiểm tra rõ thành phần năng lượng trong thành phẩm, chứ không cộng dồn từ nguyên liệu đầu vào.

Thạc sĩ Phan Hồng Dương (trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nội tiết T.Ư) khuyến cáo chế độ ăn rất quan trọng với bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, vì thế các nhà sản xuất mì gói nên nghiên cứu bổ sung chất xơ vào sản phẩm. Ông Dương cũng đặt vấn đề hiện trên thị trường đã có vài sản phẩm mì gói quảng cáo không có chất béo có hại trans, nhưng cơ quan chức năng cần kiểm tra lại tính xác thực của quảng cáo, tránh nhầm lẫn cho người dân.

LAN ANH

Bà Lê Thị Hải, giám đốc Trung tâm Khám dinh dưỡng và điều trị béo phì (Viện Dinh dưỡng), lưu ý những người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường... nên nấu mì gói theo cách chần mì trước khi ăn và đổ bỏ nước chần mì, đồng thời bổ sung rau xanh, chất đạm để tăng dinh dưỡng cho món ăn.

Không nên ăn ba bữa mì gói/ngày vì sẽ dễ dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu máu. Ăn một gói/ngày cũng không có gì quá nguy hiểm cho sức khỏe nếu nấu bằng cách chần mì trước khi ăn và bổ sung rau xanh.

TTO

Tái chế thuốc quá đát bán cho người bệnh

Sáng 9-9, thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra các hồ sơ liên quan đến nguyên liệu xuất nhập, quy trình tái chế và biện pháp thu hồi hai loại thuốc Bisinthvon 8mg (thuốc long đờm) và Salbutamol 2mg (điều trị hen suyễn) tại Công ty cổ phần Dược Đồng Nai (Donapharm).

Đây là hai loại thuốc hết hạn mà Donapharm đã tự ý tái chế và đưa ra thị trường, bán cho người bệnh.

Hai loại thuốc Bisinthvon và Salbutamol bị thu hồi - Ảnh: Hà Mi

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Dũng - quyền chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai - cho biết tháng 6-2010 qua kiểm tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã kết luận ban giám đốc Công ty Donapharm đồng ý cho nhân viên tổ chức tái chế thuốc Bisinthvon và Salbutamol hết hạn (hoặc gần hết hạn).

Theo cơ quan điều tra, tháng 10-2007 Donapharm đã sản xuất gần 500.000 viên nén bao phim Bisinthvon 8mg có hạn sử dụng đến tháng 10-2009. Sau khi bán không hết hàng, còn gần 180.000 viên thì công ty đã cho tái chế thành hai lô, ép vỉ toàn bộ, nâng hạn sử dụng đến tháng 9-2011 và tháng 2-2012.

Hiện số thuốc Bisinthvon 8mg tái chế đã bán ra thị trường 145.147 viên. Riêng Salbutamol 2mg lọ 100 viên, hạn sử dụng hai năm được Donapharm sản xuất một lô hơn 2 triệu viên vào tháng 6-2008, có hạn sử dụng đến 6-2010.

Sau khi bán hơn 1 triệu viên Salbutamol, còn tồn kho trên 1 triệu viên, Donarpham cho nhân viên thay nhãn mới 100.000 viên cận đát và xuất bán ra thị trường 21.400 viên. Công an xác định đã có 5.500 viên Salbutamol tái chế được người bệnh sử dụng. Tổng cộng có trên 150.000 viên thuốc Bisinthvon và Salbutamol được bán và người bệnh đã mua sử dụng.

Theo bác sĩ Dũng, việc tái chế thuốc của Donapharm đã vi phạm quy chế quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế. Tuy nhiên, công an kết luận đây là sai phạm lần đầu, ban giám đốc cũng nhận thức được sai trái nên đề nghị thu hồi thuốc tái chế và chuyển Sở Y tế Đồng Nai xử lý theo thẩm quyền. Ông Dũng nói theo quy định hiện nay, trường hợp sai phạm như Donapharm chỉ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Theo tài liệu, trước khi Công an Đồng Nai làm rõ vụ tái chế thuốc ở Donapharm thì trước đó Bộ Y tế đã có hai đoàn vào thanh tra, kiểm tra công ty này. Cụ thể, ngày 18-5-2010 đoàn kiểm tra GMP của Cục Quản lý dược Bộ Y tế có đến kiểm tra, phát hiện Donapharm tái chế thuốc không xin phép là sai nhưng theo dược sĩ Nguyễn Văn Phước - giám đốc Donapharm, “trưởng đoàn kiểm tra nhắc nhở khắc phục, không ghi vào biên bản”.

Tiếp đó, ngày 27-5 thanh tra Bộ Y tế tiếp tục vào Donapharm. Khi kiểm tra công tác bảo đảm chất lượng thuốc, trưởng đoàn thanh tra do ông Dương Xuân An - phó chánh thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn - đã kết luận “tại thời điểm thanh tra, kiểm tra không phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc không được phép lưu hành...”.

Khi Công an Đồng Nai chuyển hồ sơ vụ việc sang Sở Y tế, ngày 16-7-2010 Cục Quản lý dược vẫn cấp giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc”, ngày 9-8-2010 cấp tiếp giấy chứng nhận “Thực hành tốt bảo quản thuốc” cho Donapharm.

TTO

Ăn bánh trung thu "xịn" vẫn bị "tào tháo rượt"?

Q.A., 6 tuổi, ở TP.HCM. Hôm qua cháu ăn một lúc hai cái bánh trung thu, hôm nay cháu bị tiêu chảy phải nghỉ học ở nhà. Ba mẹ cháu rất phân vân không hiểu tại sao bởi bánh mà cháu ăn là bánh của thương hiệu lớn, còn hạn sử dụng.

Ăn quá nhiều bánh trung thu có thể bị tiêu chảy - Ảnh: Như Hùng

Mỗi ngày có khoảng 1.500ml nhũ trấp (thức ăn sau khi đã được cắt nhỏ và nhào trộn với dịch tiêu hóa) đi qua van hồi manh tràng vào ruột già.

Cơ chế gây tiêu chảy

Tại đây, hầu hết nước và các chất điện giải được tái hấp thu và chỉ còn chưa tới 100ml dịch đi ra ở phân. Khi ruột già bị những kích thích khó chịu của sự nhiễm trùng, những tế bào niêm mạc ruột già theo phản xạ tự vệ sẽ tiết ra rất nhiều nước, chất điện giải và chất nhầy nhằm làm pha loãng tác nhân gây khó chịu. Động thái này sẽ làm cho phân di chuyển nhanh về phía hậu môn và gây ra tiêu chảy.

Đó là cơ chế gây ra tiêu chảy do nhiễm trùng, phần lớn các trường hợp tiêu chảy được gây ra theo cơ chế này. Bên cạnh đó còn có một cơ chế gây ra tiêu chảy khác nữa, đó là tiêu chảy không do nhiễm trùng.

Bình thường hầu hết nước trong phân được tái hấp thu qua những tế bào niêm mạc ở thành ruột và phân luôn có tính đẳng trương. Nhưng vì một lý do nào đó làm cho phân không còn mang tính đẳng trương nữa mà trở nên ưu trương, kéo theo là nước không được tái hấp thu mà bị giữ lại trong lòng ruột với một lượng nhiều bất thường và gây ra tiêu chảy.

Những nguyên nhân gây tiêu chảy theo kiểu này có thể kể ra là bệnh tiêu chảy bẩm sinh khi uống sữa có chứa đường lactose, do cơ thể thiếu men lactase nên đường lactose có trong sữa uống vào không được hấp thu mà được bài tiết vào trong phân, kéo theo một lượng lớn nước bị thải ra trong phân gây nên tình trạng tiêu chảy.

Ngoài ra, khi ăn vào một lượng lớn các loại đường và chất béo vượt quá khả năng hấp thu của cơ thể cũng dẫn đến tiêu chảy theo cơ chế tương tự. Vì các loại đường và acid béo bài tiết ra trong phân với lượng nhiều một cách bất thường, làm phân trở nên ưu trương và giữ nước ở lại trong lòng ruột già gây ra tiêu chảy (đường và các acid béo sẽ đóng vai trò những chất keo tạo ra một hấp lực đối với nước, dẫn đến làm tăng bất thường lượng nước trong phân).

Lợi dụng tính chất này của các loại đường, các loại dịch truyền chứa dextrose (gọi là dịch truyền cao phân tử) được bào chế và truyền cho những bệnh nhân bị mất nước và mất máu nặng với hi vọng sẽ giữ được nước lâu hơn trong mạch máu.

Sao ăn nhiều bánh trung thu lại bị tiêu chảy?

Ở đây, bác sĩ không bàn đến chuyện bánh có chất lượng không đảm bảo (bánh bị nhiễm khuẩn, quá hạn ăn vào tiêu chảy là tất nhiên). Bánh trung thu như chúng ta đã biết chứa hàm lượng đường rất cao, hàm lượng đường cao sẽ giúp ngăn không cho vi khuẩn phát triển nên làm tăng thời hạn sử dụng của bánh.

Nếu ăn một lượng bánh trung thu nhiều vượt quá khả năng hấp thu của cơ thể sẽ làm xuất hiện nhiều đường trong phân, kéo theo một lượng nước lớn tháp tùng theo nó vào trong lòng ruột già, gây nên hậu quả là “Tào Tháo rượt” cho thân chủ. Nhưng vấn đề ở chỗ: bao nhiêu là nhiều? Câu trả lời là: tùy từng người, mỗi người có khả năng dung nạp đường khác nhau.

Tuy nhiên, lời khuyên của cổ nhân về đạo ăn uống “đừng ăn đến ngán mới thôi mà nên dừng khi bạn vẫn còn cảm giác thèm và muốn ăn nữa” vẫn còn giá trị trong hoàn cảnh này.

BS TRẦN HOÀI NHÂN - TTO

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010

Tập thể dục ngoài trời sao cho đúng?

Hình ảnh các cụ già đi bộ, tập dưỡng sinh; thanh niên đánh cầu lông, chạy bộ trong công viên, trên lề đường từ tờ mờ sáng hoặc sẩm tối... không còn xa lạ với chúng ta.

Công viên là nơi có không khí trong lành để mọi người có thể tìm đến tập thể dục (ảnh chụp tại công viên Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM sáng 8-9-2010) - Ảnh: N.C.T.

Các phòng tập trong nhà ngày càng nở rộ khắp nơi, từ các câu lạc bộ bình dân với căn phòng nhỏ mở cửa sổ đến các trung tâm sang trọng, phòng kín trang bị máy lạnh, trải thảm. Cho dù môi trường trong nhà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, máy móc tập luyện đầy đủ, chuyên nghiệp so với ngoài trời nhưng các lớp tập này tốn phí, không có những ưu điểm của hoạt động ngoài trời. Song nếu tập thể dục ngoài trời không đúng chỗ, người tập có thể... mắc thêm bệnh!

“Giữa muôn trùng vây”

Đó là sự bao vây của tiếng ồn, của ô nhiễm không khí... Tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, cụ thể là Hà Nội và TP.HCM, đang ở mức đáng lo ngại. Các loại khí thải gây ô nhiễm không khí ở những nơi dân cư đông đúc này phần lớn do phương tiện giao thông gây ra, nhất là xe gắn máy. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dành cho khu vực ven đường và khu dân cư kế cận, gồm cả một số khu căn hộ cao cấp, cũng chưa cao.

Lợi ích của hoạt động thể lực ngoài trời có thể kể đến như: người tập luyện hòa hợp với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, tăng khả năng thích nghi với các khác biệt và thay đổi phong phú về địa hình và hoàn cảnh, giúp tập luyện cả tinh thần lẫn thể chất, làm giảm stress, hấp thụ vitamin D tự nhiên giúp xương chắc khỏe, giảm béo phì và có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc thích hợp mà không phải đóng phí.

Trong khi đó, tất cả hoạt động thể lực của cơ thể gắn liền với hoạt động hô hấp, đặc biệt là nhịp thở. Mức hoạt động thể lực càng cao, nhịp thở càng tăng để hấp thu không khí. Ở người đàn ông khỏe mạnh khi hoạt động nặng, số lần thở trong 1 giờ sẽ bằng 7 giờ nghỉ ngơi. Ở trẻ em từ 6-13 tuổi hoạt động nặng, số lần hít vào gấp năm lần lúc ngồi nghỉ.

Khối lượng chất ô nhiễm hít vô phụ thuộc vào mức độ hoạt động thể lực, nhịp thở, kiểu thở và nồng độ chất ô nhiễm vào từng thời điểm và môi trường. Hoạt động thể lực càng cao sẽ làm tăng nhịp thở và thay đổi kiểu thở từ qua mũi sang miệng, cơ chế lọc chất ô nhiễm của mũi mất tác dụng. Trẻ em sẽ hít nhiều chất ô nhiễm hơn người lớn gấp năm lần khi vận động nặng do nhịp thở tăng nhiều hơn. Khi chạy, tần suất hít vào tăng gấp hai lần khi đi bộ, do đó khối lượng chất ô nhiễm cũng sẽ vào gấp đôi. Người không khỏe mạnh hoặc người lớn tuổi phải hít thở nhiều hơn người khỏe bình thường khi cùng một mức vận động nên dễ bị hít không khí ô nhiễm nhiều hơn.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lớn và trẻ em, làm giảm chức năng phổi, gây viêm phế quản cấp và mãn, gây hen cấp tính, tăng nguy cơ ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và cao huyết áp... Tiếp xúc trong khoảng thời gian dài với ô nhiễm không khí sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa, gây suy giảm chức năng phổi và làm giảm tuổi thọ. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn tác động xấu đến phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người đang mang bệnh...

Để tránh “lợi bất cập hại”

Nếu yêu thích tập thể thao ngoài trời, chúng ta vẫn có thể hạn chế các tác động xấu của môi trường đến sức khỏe khi thực hiện những chỉ dẫn sau:

1. Tránh tập luyện thể thao tại các nơi ô nhiễm không khí cao như: ven các tuyến đường giao thông nhộn nhịp trong thời gian cao điểm của khói bụi (từ 8g-19g), các khu sản xuất công nghiệp. Chú ý AQI tại khu vực chúng ta hoạt động thể lực nhằm hạn chế hoặc không nên tập luyện ngoài trời khi AQI kém.

2. Nên luyện tập tại những nơi có nhiều cây xanh, sông, hồ nước sạch như công viên, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc khu dân cư yên tĩnh, môi trường trong lành.

3. Thời gian tập luyện ngoài trời tốt nhất là trước 7g và sau 20g. Đây là thời điểm nồng độ chất ô nhiễm xuống thấp nhất và nhiệt độ môi trường cũng giảm. Nếu không thể luyện tập trong thời gian “lý tưởng”, nên tránh những giờ cao điểm giao thông; chú ý lắng nghe cơ thể khi có những triệu chứng cảnh báo như: ho, đau thắt ngực, khò khè, đau khi hít sâu, khó thở và mau mệt... để ngưng tập luyện và đến bác sĩ, giảm thời lượng và cường độ tập luyện, tăng các khoảng nghỉ ngơi, uống nước đầy đủ khi môi trường nóng và ẩm.

4. Nếu sống ở những nơi ô nhiễm cao hoặc không có điều kiện tập luyện ngoài trời, bạn có thể luyện tập ở môi trường trong nhà. Nhưng trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm, cần phải vệ sinh máy móc, máy điều hòa không khí, hút bụi thảm, tiêu diệt nấm mốc, tránh khói thuốc lá...

5. Những người lớn, trẻ em có bệnh tim mạch, bệnh về đường hô hấp nhạy cảm với ô nhiễm không khí cần đến các bác sĩ tư vấn để chọn chế độ tập luyện ngoài trời hay trong nhà phù hợp nhất.

BS NGUYỄN TRỌNG ANH
(tổng thư ký Hội Y học thể thao TP.HCM)

Cơ sở bánh trung thu bị tạm ngừng sản xuất

Công ty cổ phần Yasaka- Sài gòn- Nha Trang đã bị Đoàn kiểm tra Vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng sản xuất vì di dời khu vực sản xuất mà không thông báo với cơ quan chức năng, không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Ông Lê Văn Thành, Chánh thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm của Sở cho biết: "Khi kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở bánh trung thu của Công ty cổ phần Yasaka- Sài gòn- Nha Trang đã thay đổi địa điểm sản xuất. Địa điểm này được đặt dưới tầng hầm kín, sát khu vực xử lý nước và đường thoát nước; nhiều chỗ không đảm bảo điều kiện vệ sinh như: xung quanh vách gồ ghề, khu vực nướng có mùi khó chịu, trang thiết bị để không tập trung..."

Đoàn đã lập biên bản, yêu cầu cơ sở tạm ngưng sản xuất, rút giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đoàn cũng lấy mẫu để kiểm nghiệm, sau 7-10 ngày có kết quả xét nghiệm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian chờ xét nghiệm, nếu Công ty cổ phần Yasaka- Sài gòn- Nha Trang sửa chữa cơ sở đúng theo yêu cầu vệ sinh an toàn thì được cấp giấy chứng nhận khác và tiếp tục cho hoạt động.

Bánh trung thu Yasaka được đưa ra thị trường từ 2008, năm nay dự kiến tung ra thị trường khoảng 80 đến 100 nghìn chiếc.

VNE

Nguyên bộ trưởng Y tế bác kết luận vụ Tamiflu

Nguyên bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến. Ảnh: website Bệnh viện Nôi tiết Trung ương.

"Dự thảo kết luận của Thanh tra chính phủ hoàn toàn không nêu được các dấu hiệu hoặc chứng cứ tham nhũng, vi phạm pháp luật của đơn vị hoặc cá nhân thuộc Bộ Y tế trong quá trình mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc", bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên bộ trưởng Y tế cho biết.

Đầu tuần qua, Thanh tra Chính phủ có báo cáo đưa ra những sai sót của Bộ Y tế trong việc mua thuốc Tamiflu và nguyên liệu để sản xuất thuốc năm 2005. Theo đó, Chính phủ phải bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để sản xuất 20 triệu viên thuốc Tamiflu phòng dịch H5N1 cho người, nhưng thực tế gần một nửa số thuốc này bị bỏ lãng phí, không hề được dùng đến và đến nay đã hết hạn sử dụng. Việt Nam đã mua trữ thuốc Tamiflu vượt quá nhu cầu và phải mua với giá đắt.

Trước thông tin trên, bà Chiến đã có văn bản gửi các cấp lãnh đạo và báo giới. Theo bà, kết luận của Thanh tra Chính phủ không nêu được các dấu hiệu hoặc chứng cứ tham nhũng móc ngoặc, vi phạm pháp luật của lãnh đạo, cá nhân, đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài chính trong toàn bộ quá trình mua thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phòng chống cúm A/H5N1 giai đoạn 2005-2006.

Cũng theo bà Chiến, "những nhận xét, kết luận của Thanh tra Chính phủ về các vấn đề (như quyết định cơ số thuốc dự trữ, thời gian nhập, phê duyệt giá trần, giá mua của thành phẩm...) đều có liên quan đến một số lãnh đạo cao cấp". Do vậy Thanh tra Chính phủ nên xin ý kiến các lãnh đạo đó trước khi ký kết luận chính thức.

"Việc mua thuốc dự trữ do liên bộ: Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Ngoại giao phối hợp triển khai. Tuy nhiên, kết luận chỉ đề cập tới vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế là đánh giá chưa toàn diện của Thanh tra Chính phủ", bà Chiến nhấn mạnh.

Nguyên bộ trưởng Y tế cũng cho rằng, việc Thanh tra đề nghị chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ việc là "hình sự hóa một vấn đề kinh tế".

Bà Chiến đề xuất Thủ tướng chỉ định các cơ quan chuyên môn như Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước vào cuộc. Bà cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc họp và mời tất cả lãnh đạo cao cấp tiền nhiệm và đương nhiệm có liên quan đến kế hoạch dự trữ nói trên, để có quan điểm chung trước khi kết luận chính thức.

VNE