Lứa tuổi thiếu niên rất dễ đắm mình trong thế giới của mạng Internet và nhiều bạn trẻ sử dụng Internet như yếu tố làm thỏa mãn cảm xúc, nhận thức mới.
|
Trẻ dễ bị lôi cuốn vào các trò chơi trực tuyến có màu sắc bạo lực nếu không được người lớn quan tâm, theo sát - Ảnh: T.T.D. |
Phạm Thanh H., một học sinh cấp II tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, được mẹ đưa đi khám tâm lý với lý do hay căng thẳng, mệt mỏi, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, suy nhược, luôn cảm thấy buồn rầu chán nản, nhiều lần trốn học...
Giải tỏa trong thế giới ảo
Khi bạn trẻ “chơi vơi” trong đời thực Sự thiếu hụt kỹ năng xã hội, thiếu giá trị tự định hướng thường dễ dẫn tới sử dụng và nghiện Internet. Bên cạnh đó, cả hai yếu tố thiếu hụt kỹ năng xã hội, thiếu định hướng bản thân cũng là dấu hiệu báo trước cho một trường hợp trầm cảm, đặc biệt rất dễ xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Cảm giác cô đơn, lo lắng bị bỏ rơi là yếu tố dự báo dẫn tới nghiện Internet và trầm cảm. Mặt khác, yếu tố khí chất và tính cách cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của nghiện Internet, từ đó có thể dẫn tới trầm cảm. Các bất hòa trong quan hệ gia đình, bạo lực gia đình... có xu hướng dẫn tới nghiện Internet hoặc các rối loạn tâm thần khác nhau. Các nghiên cứu đều dẫn chứng những trường hợp nghiện Internet là bởi ít được sự quan tâm của gia đình, hay bị đánh đập, gia đình không hòa thuận... Những khó khăn thực tế đó làm họ chỉ muốn rút vào cuộc sống trên mạng, từ đó rất dễ dẫn tới cảm xúc trầm cảm. |
Thanh H. cho biết thường xuyên thủ dâm hằng ngày, điều này làm mệt mỏi, rất lo lắng và căng thẳng. Khi được tìm hiểu sâu hơn qua các buổi chia sẻ, H. kể mình hay sử dụng Internet quá mức.
H. bắt đầu sử dụng Internet hơn một năm trước và lúc đầu chỉ theo nhóm bạn chơi trò chơi trực tuyến (game online). Tuy nhiên, game online ngày càng cuốn hút H. với các hình ảnh gợi dục. Khi chơi game online, H. còn được thỏa mãn mong muốn tán gẫu với bạn bè...
Từ đó H. bắt đầu trốn học.
Cách đây nửa năm, ba mẹ H. muốn con có điều kiện học nên đã lắp đặt mạng Internet tại nhà. Chính vì vậy thời lượng sử dụng Internet của H. ngày càng tăng. Gần sáu tháng nay, mỗi ngày H. sử dụng Internet lên đến năm tiếng, từ chơi game online đến tham gia các phòng tán gẫu, xem các trang mạng khiêu dâm mà cha mẹ hoàn toàn không biết...
Triệu chứng bệnh lý của H. không dừng lại ở trầm cảm và lo âu, còn có các rối loạn hành vi, nghiện tình dục và nghiện Internet.
Mối quan hệ hai chiều
Trong một chương trình nghiên cứu ba năm dưới sự tài trợ của chính phủ, bác sĩ tâm thần nhi Ahn Dong Hyun tại Đại học Hanyang, Seoul cho rằng khoảng 2,4 triệu người Hàn Quốc dưới 18 tuổi bị nghiện Internet. Có lẽ áp lực học hành khiến nhiều học sinh bị stress và tìm lối thoát trong chơi game.
Trong khi đó, tỉ lệ nghiện Internet ở sinh viên Trung Quốc khoảng 10,6%.
Tại Việt Nam, báo cáo của Trung tâm Tham vấn tâm lý (thuộc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) cho thấy hằng năm có 5-7% trên tổng số người đến khám và điều trị rơi vào trạng thái sử dụng Internet quá mức, đa số là thanh thiếu niên. Nhiều năm qua, các nhà thực hành lâm sàng và các nhà nghiên cứu đã phác thảo một bức tranh khá đầy đủ về nghiện Internet.
Một vấn đề được bàn luận nhiều là quan hệ giữa nghiện Internet và các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, tăng động giảm chú ý... trong đó trầm cảm được quan tâm hơn cả.
Nhiều nhà nghiên cứu của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Úc, Trung Quốc... đều cho rằng nghiện Internet và trầm cảm có mối quan hệ với nhau. Bệnh nhân trầm cảm thường gia tăng cấp bậc nghiện Internet và ngược lại.
Một nghiên cứu của TS Lawrence Lam (Úc) và Zi Wen Peng (Trung Quốc) đã tiến hành điều tra hơn 1.000 thanh thiếu niên, độ tuổi trung bình 15 với các câu hỏi về việc sử dụng Internet.
Ở thời điểm bắt đầu tiến hành nghiên cứu, chỉ 6% trong số hơn 1.000 người có dấu hiệu khó khăn cảm xúc, có thể dẫn tới bệnh lý trầm cảm của người sử dụng Internet: thường xuyên chán chường, mệt mỏi, lo lắng...
Và những điều đó dẫn đến việc họ lại tiếp tục lang thang trên mạng. Song, không ai trong số hơn 1.000 người bị trầm cảm vào thời điểm bắt đầu tiến hành nghiên cứu.
Tuy nhiên, chín tháng sau, hơn 1.000 thanh thiếu niên này được đánh giá một lần nữa về những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, kết quả hơn 80 người (8%) mắc hội chứng trầm cảm. Kiểm tra thời gian sử dụng Internet của họ thì thấy cao hơn hẳn so với những người khác.
Làm gì để chống nghiện?
Để bạn trẻ không rơi vào các tệ nạn và các vấn đề sức khỏe tâm thần thì gia đình phải là môi trường an toàn, hạnh phúc. Cha mẹ cần tạo cho con cái sự thoải mái, tự lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, cha mẹ luôn là bạn, là người chia sẻ và giúp con cái phát triển một cách đồng đều.
Kế tiếp, nghiên cứu các trường hợp nghiện Internet cho thấy nguyên nhân do thiếu kỹ năng sống, giá trị sống nổi lên hàng đầu. Chính vì thế, ngoài việc quan tâm của gia đình thì ngành giáo dục và các tổ chức xã hội cần định hướng xây dựng chương trình giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe thể chất, bồi dưỡng kiến thức và vun bồi đời sống tinh thần cho các bạn trẻ rất quan trọng. Muốn làm được điều này, đòi hỏi cần xây dựng các phòng tư vấn tâm lý học đường, giảm tải chương trình học tập và đưa chương trình ngoại khóa vào trường học một cách sinh động, có hiệu quả.
Và nếu không may khi các bạn trẻ rơi vào chứng trầm cảm và các rối loạn cảm xúc liên quan đến nghiện Internet, gia đình cần đưa họ đến các trung tâm chuyên môn để xác định tình trạng và mối quan hệ giữa nghiện Internet và chứng trầm cảm. Từ đó mới có chương trình phục hồi tốt và nhanh hơn.
Điều trị cần phối hợp giữa hóa dược, liệu pháp tâm lý và sự giúp đỡ của gia đình, có khi cả nhà trường nơi các bạn trẻ đang học tập.
LÊ MINH CÔNG (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) - TTO