Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

17 tuổi đã bị mất ngủ?

Tôi năm nay 17 tuổi. Mấy tuần nay tối nào tôi cũng không ngủ được, ngược lại cứ vào buổi trưa là tôi hết sức buồn ngủ, không thể cưỡng lại được. Nếu ngủ buổi trưa coi như buổi tối hôm đó tôi thức đến 1-2g sáng. Tôi cũng đã thử không ngủ buổi trưa, đến tối vẫn không ngủ được. Tình hình mất ngủ vào buổi tối của tôi ngày càng nghiêm trọng. Không biết tôi có bị bệnh gì không?

Một bạn đọc

- Ở người trưởng thành có tổng thời gian ngủ trung bình 7-8 giờ/ngày và có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh, 4-10 giờ/ngày. Thời gian và cấu trúc giấc ngủ cũng biến đổi theo tuổi, trẻ nhỏ ngủ nhiều, giảm dần ở tuổi trưởng thành, đến tuổi già ngủ ngắn lại có khi chỉ còn 4 giờ/ngày. Chỉ xét về kinh nghiệm và hoạt động thể chất, giấc ngủ phải vừa hiệu suất, tức là ít thức dậy ban đêm và ít buồn ngủ ban ngày, đồng thời hoạt động ban ngày có hiệu quả.

Với những gì bạn mô tả tôi nghĩ bạn có thể rơi vào trạng thái rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác bạn cần đi khám chuyên khoa tâm thần. Bởi vì rối loạn giấc ngủ có thể là triệu chứng hoặc kèm theo các rối loạn thần kinh chức năng khác như trầm cảm, lo âu, rối loạn dạng cơ thể... Phải khám xét lâm sàng kỹ mới có thể đưa ra kết luận chính xác và phương án điều trị phù hợp.

Trong bài báo này, tôi xin chia sẻ một số phương pháp mà bạn có thể thực hiện được để phần nào giúp giấc ngủ tốt hơn.

1. Thư giãn tâm lý: sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu thỉnh thoảng không ngủ đủ 8 giờ. Vì vậy không nên quá lo lắng. Càng lo sợ không ngủ được giấc ngủ càng khó đến.

Khi lên giường ngủ không nên làm gì. Nếu không ngủ được, sau 10-15 phút hãy đứng dậy làm một việc khác.

2. Vệ sinh giấc ngủ: sau đây là các biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc.

- Thức dậy đúng giờ mỗi ngày.

-Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu...) vào buổi chiều.

- Tránh ngủ nhiều ban ngày.

- Tập thể dục buổi sáng đều đặn (có thể tập những bài nặng).

- Tránh những kích thích làm khó ngủ như nghe radio quá to, đọc sách quá hay, xem những phim đòi hỏi phải chú ý theo dõi sát sao...

- Trước khi đi ngủ khoảng 20 phút nên tắm nước ấm.

- Tránh những bữa ăn quá thịnh soạn hay khó tiêu gần giờ đi ngủ.

- Tập những bài thể dục nhẹ có tính chất thư giãn trước khi ngủ.

- Phòng ngủ thoáng khí, ít ánh sáng, không quá nóng hay quá lạnh.

BS LÊ MINH CÔNG (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2)

Máy MRI khảo sát dị tật thai nhi, ung thư phụ khoa

Sáng 22-4, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã đưa vào hoạt động máy MRI (cộng hưởng từ) Espree 1.5Tesla thế hệ mới trị giá 27,6 tỉ đồng (mua từ nguồn vốn vay kích cầu của TP).

Khảo sát dị tật thai nhi cho một thai phụ tại BV Từ Dũ sáng 22-4 - Ảnh: Thanh Hà

Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy - phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - cho biết đây là thiết bị hiện đại lần đầu tiên có mặt ở VN, ngoài chức năng khảo sát hình ảnh đa khoa thông thường còn có chức năng khảo sát dị tật thai nhi trong bụng mẹ, chẩn đoán các loại bệnh ung bướu phụ khoa và ung thư vú.

Hệ thống máy MRI này hỗ trợ phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác các dị dạng tử cung, đánh giá chính xác giai đoạn ung thư cổ tử cung, cũng như chẩn đoán chính xác hàng chục loại dị tật thai nhi - đặc biệt là dị tật ở hệ thần kinh trung ương…

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Ảnh hưởng của thực phẩm nhiễm phóng xạ

Sự hiện diện của chất phóng xạ ở nồng độ cao hơn giới hạn quy định của Nhật Bản trong một số rau quả và sữa vừa qua tại tỉnh Fukushima và vùng lân cận của các nhà máy điện hạt nhân bị nổ đã dấy lên mối quan tâm quốc tế ngày càng cao về sự an toàn của thực phẩm xuất xứ từ vùng nhiễm phóng xạ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông (FAO) đã đưa ra nhận định và khuyến cáo dưới hình thức hỏi - đáp như sau:

Người dân Nhật ngần ngại khi chọn mua thực phẩm tươi sống - Ảnh: AP

* Khả năng ảnh hưởng sức khỏe con người ra sao khi thực phẩm bị ô nhiễm chất phóng xạ?

- Tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm chất phóng xạ sẽ tăng số lượng phóng xạ đối với người tiếp xúc. Hậu quả về sức khỏe sẽ phụ thuộc chất phóng xạ đã được sử dụng và liều lượng thâm nhiễm.

Theo số liệu báo cáo, cho đến nay iốt phóng xạ là các chất gây ô nhiễm chính và nồng độ trong một số mẫu thực phẩm được phát hiện cao hơn giới hạn quy định của Nhật Bản.

Iốt phóng xạ có chu kỳ bán rã tám ngày và sẽ được phân hủy tự nhiên trong vài tuần. Nếu ăn phải liều cao có thể tích lũy trong cơ thể, tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp, đặc biệt ở trẻ em (uống iốt kali là một phương pháp chủ động ngăn chặn sự tích tụ của iốt phóng xạ tại tuyến giáp); cesium phóng xạ cũng được phát hiện với nồng độ thấp hơn trong vài loại thực phẩm và nguồn nước máy, khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm phóng xạ dạng này cũng có thể ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài do liều tích lũy.

* Có phải tất cả thực phẩm ở Nhật Bản đều bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ?

- Không, không phải tất cả loại thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Thực phẩm đã được xuất khẩu trước đây hoặc sản phẩm dạng đóng gói trước khi sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số thực phẩm dạng tươi sống sản xuất tại các khu vực ảnh hưởng bởi phóng xạ có khả năng bị ô nhiễm. Đây là lý do tại sao Chính phủ Nhật Bản đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề một cách khẩn trương (cấm dùng một số thực phẩm ăn ngay tại địa phương; khuyến cáo trẻ em dưới 3 tuổi không nên uống nguồn nước máy).

* Thực phẩm bị nhiễm phóng xạ theo cơ chế nào?

- Thực phẩm có thể bị nhiễm chất phóng xạ khi chúng được phát tán trong không khí do nhà máy hạt nhân bị nổ hoặc do rò rỉ phóng xạ. Trong những trường hợp này, chất phóng xạ rơi xuống từ trên không hoặc kết hợp trong nước mưa hay tuyết, có thể phân tán trên bề mặt của các loại thực phẩm như rau quả, đồng cỏ. Phóng xạ cũng có thể len lỏi vào các dòng sông, ao hồ và biển - nơi mà cá và hải sản có thể gián tiếp bị nhiễm phóng xạ.

Lưu ý là chất phóng xạ không thể làm ô nhiễm thực phẩm đã được đóng hộp hoặc bao gói kín, kể cả thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ (food irradiation).

* Có quy định về tiêu chuẩn phóng xạ trong thực phẩm thuộc lĩnh vực thương mại quốc tế?

- Tiêu chuẩn phóng xạ trong thực phẩm đã được các tổ chức quốc tế như FAO/WHO Codex Alimentarius Commission quy định; ngoài ra bộ y tế các quốc gia có thể xây dựng tiêu chuẩn riêng theo đặc thù từng nước.

Đối với thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ thì FDA của Mỹ và Cộng đồng châu Âu cũng có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và liều lượng giới hạn phóng xạ (cobalt 60). Cũng nên biết tiêu chuẩn về liều phóng xạ giới hạn (acceptable limits) trong thực phẩm, nguồn nước được đưa ra ở mức độ thấp hơn nhiều so với liều nguy hiểm (lethal dose) để bảo vệ an toàn tối đa cho người tiêu thụ. Khi vượt quá mức quy định, chính phủ sẽ quyết định đưa ra biện pháp phòng chống thích hợp.

* WHO cần đưa ra khuyến cáo gì đối với người dân trong trường hợp khẩn cấp hạt nhân?

- Trường hợp khẩn cấp liên quan đến phóng xạ, trong giai đoạn đầu cần có những hành động ngay lập tức để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ô nhiễm phóng xạ. Các biện pháp cơ bản như sau:

+ Di tản người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng.

+ Tập trung gia súc vào chuồng trại kín đáo, nguồn thức ăn thú vật lưu trữ trong kho, che chắn bụi bặm, chống thấm nước.

+ Sản phẩm đã thu hoạch trước được bảo quản kỹ, tránh bụi phóng xạ từ không khí.

+ Không thu hoạch sau khi bụi phóng xạ đã phát tán trong vùng và nên chờ đợi để được hướng dẫn của chính quyền địa phương.

- Trong khu vực xác nhận là bị ô nhiễm nặng: tránh tiêu thụ sữa tươi, các loại rau, quả, tảo, nấm, thủy sản đánh bắt tại địa phương; tránh giết mổ động vật.

ĐÀM HỒNG HẢI
Chi cục phó Chi cục An toàn VSTP/ TP Cần Thơ

Nhật Bản một tháng sau thảm họa

Hôm nay 11-4, tròn một tháng sau thảm họa kép động đất, sóng thần, Nhật Bản đã mất đi 13.000 công dân, hàng trăm tỉ USD, còn lại những đống đổ nát ngổn ngang và cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân nhưng họ không mất đi ý chí.

Người dân trong các khu sơ tán tin tưởng họ sẽ có nhà mới để ổn định cuộc sống sau thảm họa - Ảnh: Kyodo

“Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi những người sống sót”, Thủ tướng Naoto Kan tuyên bố trong ngày hôm qua trên đài phát thanh ở thành phố Ishinomaki của tỉnh Miyagi.

Lúc 14g46 chiều nay (12g46 theo giờ Việt Nam), người dân Nhật Bản sẽ tạm dừng mọi hoạt động để tưởng nhớ 13.000 người đã thiệt mạng và 14.000 người đang còn mất tích.

Hãng tin Kyodo cho hay hiện có 151.000 người đang sống trong 2.300 khu sơ tán, nhưng một số đã bắt đầu được chuyển sang những căn nhà lắp ghép tiện lợi hơn do chính quyền địa phương xây cất.

Những căn nhà đầu tiên được xây trên một trường học ở thành phố Rikuzentakata của tỉnh Iwate - một trong những nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất.

Chính quyền tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima đã bắt tay vào thực hiện dự án xây tổng cộng 62.000 căn nhà và đến nay hoàn thành được 4.337 căn. Họ dự tính chi phí khoảng 50 tỉ yen (590 triệu USD) để xây dựng 70.000 căn nhà trong ngân sách bổ sung của năm tài khóa 2011. Như vậy, mỗi căn rộng 30-40m2 sẽ dành cho 2-3 người ở.

Theo một khảo sát của Kyodo, có 1/6 người sống ở các khu sơ tán tỏ ý “không thể chịu nổi” sinh hoạt tù túng và bất tiện tại đây, nhưng số còn lại vẫn tin họ sẽ có điều kiện sống tốt hơn.

Trong khi đó, tại tỉnh Fukushima, các công nhân Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 bắt đầu chuẩn bị cho việc bơm nước nhiễm xạ cao ra các bồn chứa lớn và hệ thống “cô đặc nước”, khi chiếc máy bơm nước vào loại lớn nhất thế giới mà Công ty Điện lực Tokyo đặt hàng từ Mỹ đã đến hiện trường.

Người Nhật Bản biểu tình phản đối các nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: Kyodo

Hôm qua, Hãng tin Kyodo cho hay đã có khoảng 17.500 người Nhật tập trung tại thủ đô Tokyo tuần hành phản đối các nhà máy điện hạt nhân.

“Chúng tôi biết các nhà máy điện hạt nhân không thể điều khiển được bằng sức người mà bằng hệ thống tự động - Gentaro Todaka, 34 tuổi, nói - Chúng tôi muốn Nhà máy Hamaoka ở tỉnh Shizuoka dừng hoạt động vì đây là nhà máy nguy hiểm nhất”.

Hamaoka nằm ngay trên địa điểm mà các chuyên gia dự đoán sẽ là tâm chấn của một trận động đất lớn sắp xảy ra. Hiện Công ty Điện lực Chubu đã hoãn khởi động lại lò phản ứng số 3 của Hamaoka nhưng vẫn chạy lò số 4 và 5.

Trong khi đó, người dân vùng gặp nạn còn đối mặt với mối lo khác khi Đài truyền hình NHK hôm qua tiết lộ tại thành phố Kesennuma của tỉnh Miyagi, các quan chức đã phát hiện mẫu nước chứa thạch tín từ giếng và suối gần một mỏ khai khoáng bỏ hoang. Họ cho rằng bùn chứa thạch tín và các chất độc khác đã chảy từ mỏ Oya sau vụ động đất ngày 11-3 làm ô nhiễm nguồn nước và đất ở đây.

Các mẫu nước này chứa 0,24 miligram thạch tín/ lít, gấp 24 lần giới hạn cho phép. Quan chức y tế khuyến cáo người dân tại đây không được uống nước từ các con suối chảy ở khe núi. Công ty JX Nippon Mining & Metals cho biết sẽ loại bỏ nước nhiễm độc này nhanh chóng.

TTO

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Cách phòng tránh phóng xạ

Chính phủ Nhật Bản hướng dẫn người dân cách xử trí khi vùng họ sống gặp sự cố hạt nhân. Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học - công nghệ) dịch ra tiếng Việt. Tuổi Trẻ giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

1: Sự cố hạt nhân là gì?

Trả lời: Là sự cố rò rỉ phóng xạ từ cơ sở hạt nhân.

2: Phóng xạ ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào?

Trả lời: Tùy thuộc vào số lượng, phóng xạ có thể gây hại cho sức khỏe của con người.

3: Nếu xảy ra sự cố hạt nhân, điều gì sẽ xảy ra, chúng ta phải làm gì?

Trả lời: Người dân sẽ được cảnh báo thông qua các phương tiện thông tin.

4: Chúng ta nên làm gì khi biết tin xảy ra sự cố hạt nhân?

Trả lời: Giữ bình tĩnh và làm theo các chỉ dẫn được thông báo của các cơ quan có thẩm quyền.

5: Bạn nên làm gì khi tiếp xúc với gia đình hoặc con cái?

Trả lời: Bạn nên làm theo các chỉ dẫn tại các địa điểm và đợi cho đến khi mọi thứ ổn định lại.

6: Chúng ta cần phải lưu ý những gì?

Trả lời: Dựa trên thông tin chính xác, bạn phải hành động một cách bình tĩnh.

7: Nếu được yêu cầu sử dụng che chắn trong nhà, bạn phải làm gì?

Trả lời: Bạn phải đi vào trong nhà - đi vào tòa nhà, công sở gần nhất.

8: Khi được yêu cầu phải sơ tán, chúng ta phải làm gì?

Trả lời: Bình tĩnh chuẩn bị cho việc sơ tán và làm theo các chỉ dẫn.

9: Những gì diễn ra trong nơi che chắn hoặc trung tâm trợ giúp đầu tiên?

Trả lời: Đầu tiên bạn phải tiến hành đăng ký.

Để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm xạ ngoài:

1. Bảo vệ bằng khoảng cách (tránh càng xa nguồn phóng xạ càng tốt)

2. Bảo vệ bằng thời gian (thời gian bị ảnh hưởng bởi phóng xạ càng ngắn càng tốt)

3. Bảo vệ bằng che chắn (trú ẩn vào các tòa nhà bằng bêtông)

Để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm xạ trong:

1. Phòng tránh việc hít phải các chất phóng xạ (đeo mặt nạ, khẩu trang hoặc găng tay)

2. Phòng tránh việc hấp thụ các chất phóng xạ (không uống nước hoặc ăn thức ăn bị nhiễm xạ)

Giun chui lên mắt do ăn ốc sống

Chiều 30-3, các bác sĩ ở bệnh viện Mắt TP.HCM đã phẫu thuật cắt pha lê thể để gắp một con giun từ trong mắt ra cho bệnh nhân N.V.T, 33 tuổi, ngụ ở Phú Tân, An Giang.

Giun trong mắt

Ngày 28-3, anh T. đến bệnh viện mắt trong tình trạng mắt mờ. Anh T. kể, trước khi nhập viện nửa tháng, anh T. đã ăn món ốc bươu vàng tái chanh, sau đó anh thấy mắt mờ hẳn đi. Kết quả chụp hình đáy mắt tại bệnh viện Mắt cho thấy bệnh nhân có ký sinh trùng trong pha lê thể, trước hoàng điểm.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Hồng, khoa Đáy mắt Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết có thể khi bệnh nhân ăn ốc sống đã ăn phải trứng của ký sinh trùng, khi trứng thành ấu trùng sẽ theo đường máu của cơ thể lên mắt.

Dù các bác sĩ đã gắp ký sinh trùng này ra cho bệnh nhân, nhưng do ký sinh trùng nằm ở ngay vùng hoàng điểm nên phải theo dõi một thời gian nữa mới biết được thị lực của bệnh nhân có bị ảnh hưởng hay không.

Bác sĩ Thanh Hồng cho biết trứng của ký sinh trùng, ký sinh trùng thường có trong những món ăn sống hoặc chưa được nấu kỹ như tôm, cua, ốc, lươn, thịt, các loại rau…

TTO