Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Ước nguyện chụp ảnh cưới trước khi chết của cô gái

Được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối, thời gian còn lại của chị Chen Cuilan, 24 tuổi (Trung Quốc) chỉ là 6 tháng. Và chị đã được nhận điều ước cuối cùng của mình trước khi chết là làm một album ảnh cưới.

"Chúng tôi chỉ là công nhân, nên chưa bao giờ có nhiều tiền nhưng chúng tôi có nhau, điều đó là đủ. Chúng tôi cưới vào năm 2008 và năm sau thì có một bé gái tên là Zeng Xingyue", anh Zeng Sai, 27 tuổi, chồng của Chen Cuilan kể.
Ảnh:
Vì không có tiền nên khi làm đám cưới hai vợ chồng Chen đã không thể có được một album ảnh. Ảnh: Journalismwithoutborders.

Theo Journalismwithoutborders, mới đầu vợ anh bị đau bụng một vài lần nhưng vì quá nghèo nên anh không thể đưa chị đi khám. Đến khi đi được thì đã quá muộn, chị đã bị ung thư gan giai đoạn cuối.

"Cả thế giới của tôi dường như sụp đổ khi tôi nghe điều đó. Vì thế, khi cô ấy nói ước gì chúng tôi đã chụp ảnh cưới trước đó thì tôi biết rằng tôi cần làm gì cho vợ mình và tôi đã chạy đi vay tiền", anh Zeng nói.

Ảnh:
Chen Cuilan chỉ còn lại 6 tháng để sống nếu tuân thủ điều trị. Ảnh: Journalismwithoutborders.

Để làm một album ảnh cần 200 euro (gần 6 triệu đồng), tương đương với một tháng lương của anh. Những hóa đơn viện phí và chi phí điều trị tiếp tục sau đó đã là cả một cố gắng phi thường của cả nhà. Nhưng anh biết mình có thể vay mượn tiền của bạn bè.

"Tôi đã tìm thấy áo cưới của vợ và tôi đã mang nó đến bệnh viện. Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy nụ cười của cô ấy", anh Zeng kể lại.

Anh đã đưa vợ đến phòng chụp bằng xe lăn. Và khi người chụp ảnh nhìn thấy hai vợ chồng chụp ảnh cưới nhưng lại khóc nhiều hơn là cười thì anh ta đã hỏi tại sao. Khi biết được câu chuyện, người thợ ảnh đã quyết định chụp miễn phí, thậm chí còn đến thăm hai người tại nhà để chụp ảnh của cả gia đình.

"Chúng tôi đã không có đủ tiền để chụp ảnh cưới, đó là điều tôi luôn thấy hối tiếc. Nhưng giờ đây nhờ vào tình yêu của chồng và con gái tôi đã có thể thực hiện được mong ước này. Tôi hy vọng họ sẽ nhớ đến tôi khi nhìn những bức hình", Chen nói.

Ảnh:
Mẹ cô dâu đã không cầm được nước mắt khi nhìn con gái. Ảnh: Journalismwithoutborders.

Còn anh Zeng thì cho biết: "Đó thực sự là một ngày đáng nhớ với tất cả chúng tôi. Cô ấy trông thật đáng yêu như ngày chúng tôi làm đám cưới, dù thật khó để có thể cười".

Mẹ của cô dâu cũng có mặt trong buổi chụp hình lần thứ 2, nhưng bà phải nấp sau chiếc gương để con gái không thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thậm chí ngay cả khi ở trong bệnh viện, nhìn thấy cháu gái ôm lấy mẹ mình và nài nỉ mẹ về nhà cùng, bà cũng không dám khóc.

"Tôi nghĩ bé cũng cảm nhận được có điều gì đó không bình thường. Nhưng cháu là một cô bé dũng cảm, rồi nó sẽ hiểu", Chen nói.

Các bác sĩ cho biết thời gian còn lại của chị là 6 tháng nếu tuân thủ việc điều trị, còn nếu không chị có thể ra đi bất cứ lúc nào.

TTO

Bệnh tay chân miệng hoành hành ở Quảng Ngãi, 5 trẻ chết

Sáng nay, bé Trung 26 tháng tuổi qua đời tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, nâng lượng trẻ chết vì bệnh tay chân miệng của tỉnh lên con số 5. Dịch đang lan rộng khắp 13/14 huyện thành, tập trung chủ yếu ở bé 1-3 tuổi.

Theo các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, bé Trung mắc bệnh tay chân miệng độ 4. Bé trai này quê ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật nhẹ và khó thở. Sau 4 ngày điều trị bằng thuốc hỗ trợ Gamaglolin nhưng diễn biến của bệnh vẫn không thuyên giảm.

Hiện tại, khoa Nhi tiếp nhận và điều trị cho trên 250 bệnh nhi mắc tay chân miệng, trong đó độ 2 - độ cận nguy hiểm là 60 trẻ, hai em ở cấp độ 3.

Một ca bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín
Một em bé bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín

Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Ngãi, ca bệnh tay chân miệng xuất hiện đầu tiên tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Tính đến chiều nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.500 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5 cháu tử vong. Bệnh lan rộng tại 125 xã, phường, thị trấn của 13/14 huyện, thành phố trong tỉnh và tập trung chủ yếu ở nhóm 1-3 tuổi.

Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh tại Quảng Ngãi từ giữa tháng 5 đến nay. Dịch có dấu hiệu ngày càng phức tạp và lan rộng với sự xuất hiện của chủng virus mới là Enterovirus 71 (EV71), gây biến chứng màng não, suy tim…

Hiện tại, hệ thống y tế dự phòng đã chủ động tư vấn, hướng dẫn và cấp 1.500 kg Cloramin B 2% cho 350 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình và hộ gia đình để xử lý môi trường, lau rửa nền nhà, vật dụng sinh hoạt, đồ chơi của trẻ. Y tế dự phòng cũng tổ chức hơn 200 đợt phun hóa chất xử lý môi trường, khử khuẩn bề mặt các nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh hoặc nguy cơ cao và các bệnh viện, phòng khám tư nhân định kỳ 2 lần một tuần…

Nhân viên y tế dự phòng đang phun thuốc khử trùng các khu vực nguy cơ bị dịch bệnh tay chân miệng. Ảnh: Trí Tín
Nhân viên y tế dự phòng đang phun thuốc khử trùng các khu vực nguy cơ bị dịch bệnh tay chân miệng. Ảnh: Trí Tín

Trước tình hình này, ông Phạm Hồng Phương, giám đốc Sở Y tế lo lắng: “Mặc dù ngành y tế đã dốc hết sức để phòng chống nhưng bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp trong tiết trời nắng nóng, số bệnh nhân vẫn đang tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu giảm”.

TTO

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Tìm “thủ phạm” gây dịch tay chân miệng

Ngày 9-6, Viện Pasteur TP.HCM cho biết “thủ phạm” gây dịch tay chân miệng tại TP.HCM là virut EV71 phân nhóm C4.

Do quá tải, nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nằm ngoài hành lang Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: T.Dương

Theo TS.BS Trần Ngọc Hữu - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chỉ trong năm tháng đầu năm 2011 tại 20 tỉnh, thành phố phía Nam đã có gần 7.000 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, với 24 ca tử vong. Trong khi cả năm 2010 số mắc khoảng 10.000 ca, tử vong sáu ca. Riêng TP.HCM, từ đầu năm đến tháng 5-2011 có gần 2.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 13 ca tử vong.

Type gây dịch

TS Trần Ngọc Hữu cho biết theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm năm gần đây một số type EV71 có khả năng gây ra thành dịch bệnh tay chân miệng lớn ở một số nước châu Á là B3, B4, C2 và C4. Trong đó, năm 2008-2009, ở Trung Quốc dịch tay chân miệng bùng phát do type C4 hoành hành.

Năm 2011 Viện Pasteur TP đã xét nghiệm bệnh phẩm của 174 bệnh nhân có triệu chứng tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 ở TP.HCM và nhiều tỉnh khu vực phía Nam như Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An... gửi đến. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 43/174 ca nhiễm EV71, chiếm tỉ lệ 25% tổng số bệnh nhân có triệu chứng. Trong số những ca dương tính với virut EV71, có năm ca tử vong.

Ngoài ra, còn xác định thêm trên chín bệnh nhi bị mắc bệnh tay chân miệng cho thấy có tám bệnh nhi (trong đó hai ca tử vong) tại TP.HCM nhiễm virut EV71 type C4 và một bệnh nhi ở Đồng Tháp nhiễm virut EV71 type C5.

Trước đây, dịch tay chân miệng tại VN đều do virut EV71 type C1, C4 và C5 gây ra.

Cách đây khoảng nửa tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết kết quả xét nghiệm năm mẫu bệnh phẩm từ các ca tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác định 2/5 mẫu là EV71 type B2. Và cho rằng B2 lần đầu tiên xuất hiện ở VN.

Quan trọng là hồi sức cấp cứu tốt

Giám sát các trường hợp đến từ vùng dịch bệnh do E.coli

Liên quan đến căn bệnh do E.coli đang hoành hành ở châu Âu, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát các trường hợp đến từ vùng dịch, giám sát thực phẩm và các trường hợp nghi nhiễm bệnh tại các bệnh viện ở Hà Nội.

L.ANH

“Dù dịch tay chân miệng do type EV71 nào gây ra thì việc điều trị, hồi sức cấp cứu cũng như các biện pháp phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng là như nhau” - TS Trần Ngọc Hữu khẳng định như vậy.

Song mức độ cảnh báo của type C4 sẽ nhiều hơn, vấn đề hậu cần trong phòng chống dịch như thuốc men, hóa chất, dịch truyền phải chuẩn bị chu đáo hơn, chủ động hơn. Nếu không chuẩn bị chu đáo có thể dẫn đến tình trạng thiếu thuốc điều trị, vấn đề này Viện Pasteur cũng đã lưu ý các địa phương để chuẩn bị dự trữ.

Trước tình hình dịch tay chân miệng diễn biến bất thường hơn năm trước, ngày 8-6 Cục Y tế dự phòng VN (Bộ Y tế) đã vào làm việc với Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế TP xung quanh tình hình dịch bệnh này và đã có những chỉ đạo để có các biện pháp kịp thời hạ thấp số ca tử vong.

Theo ông Hữu, vừa qua Sở Y tế TP đã thành lập sáu đoàn kiểm tra tình hình phòng chống dịch tay chân miệng. Đồng thời thành lập một hội đồng chuyên môn gồm những chuyên viên có kinh nghiệm rà soát toàn bộ các ca tử vong tại TP để xem lại cách tổ chức điều trị, hồi sức cấp cứu có vấn đề gì không.

Riêng Viện Pasteur TP cũng đã có văn bản gửi trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành phía Nam, các bệnh viện đa khoa đề nghị tăng cường giám sát, kết hợp chặt chẽ cùng nhau để giám sát ca mắc; phối hợp cùng ngành giáo dục ở địa phương để giám sát dịch...

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh công bố type C4 gây dịch tay chân miệng do Viện Pasteur TP công bố, chiều 9-6 bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết các mẫu bệnh phẩm của Viện Pasteur TP và Bệnh viện Nhi Đồng 1 gửi qua Đài Loan xét nghiệm của những bệnh nhân khác nhau. Việc xác định type nào không quan trọng, không ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch cũng như chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhi.

TTO

Hong Kong: phát hiện kháng sinh chứa chất phụ gia làm dẻo

Bộ Y tế Hong Kong (DH) ngày 10-6 yêu cầu Hãng dược GlaxoSmithKline thu hồi bột pha hỗn dịch uống Augmentin, một loại kháng sinh cho trẻ em được sản xuất tại Anh và Pháp, do phát hiện hai loại chất phụ gia làm dẻo: Diisodecyl phthalate (DIDP) và Diisononyl phthalate (DINP) cao gấp hai lần giới hạn cho phép của châu Âu, theo AFP ngày 10-6.

Bột pha hỗn dịch uống Augmentin 156mg/5ml HK-24658 bị yêu cầu thu hồi - Ảnh: DH

Trên website của DH, phát ngôn viên cơ quan này cho biết: “Theo sau những vụ phát hiện chất làm dẻo trong Augmentin ở Đài Loan, DH tiến hành thu thập mẫu Augmentin lưu hành ở Hong Kong để phân tích. Phòng thí nghiệm chính phủ phát hiện Augmentin sản xuất tại Anh (loại 156mg/5ml HK-24658) có chứa DIDP với hàm lượng 88ppm (ppm là đơn vị đo mật độ, có nghĩa 1 phần triệu) và DINP (1.4ppm). Trong khi đó, Augmentin sản xuất tại Pháp có chứa DIDP với hàm lượng cao nhất là 75ppm”.

Dựa trên các kết quả phân tích, DH yêu cầu GlaxoSmithKline thu hồi bột pha hỗn dịch uống Augmentin được sản xuất tại Anh và Pháp.

Theo AFP, độ an toàn của DIDP ở người vẫn chưa được thiết lập. Tuy nhiên, số liệu trong các nghiên cứu ở động vật cho thấy sử dụng DIDP trong thời gian dài với hàm lượng cao có thể tác động đến gan và thận, trong khi đó trẻ em sử dụng Augmentin lại có sức đề kháng cơ thể rất yếu.

DH cũng cảnh báo bệnh nhân hiện đang dùng loại thuốc này nếu có những triệu chứng bất thường nên tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt và không nên dừng dùng loại thuốc này đột ngột.

Nữ phát ngôn viên của GlaxoSmithKline cho biết công ty này cũng đồng ý hợp tác với chính quyền để thu hồi số sản phẩm này.

Hiện DH tiếp tục điều tra làm rõ mức độ ảnh hưởng của Augmentin lên sức khỏe cộng đồng trước khi trình lên bộ tư pháp để nhận ý kiến chỉ đạo về vụ việc này.

TTO

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Điện thoại di động có thể gây ung thư

Một nhóm chuyên gia của WHO vừa xếp điện thoại di động vào danh sách các tác nhân có thể gây ung thư, ngang hàng với thuốc trừ sâu DDT và khói thải từ các phương tiện giao thông.

Ảnh minh họa - Ảnh: AFP

Có thể nói thông tin này gây nhiều chú ý vì đây là kết luận của một nhóm 31 chuyên gia từ 14 quốc gia đưa ra ngày 31-5 sau cuộc họp tám ngày ở Lyon, Pháp dưới sự chủ trì của Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc WHO. Theo kết luận này, việc sử dụng điện thoại di động trong một thời gian dài (vẫn chưa xác định rõ số năm) có thể gây ung thư cho người do tác động của sóng điện thoại.

Khuyến cáo đầu tiên của WHO

Hiện có khoảng 5 tỉ điện thoại di động đang được sử dụng trên toàn cầu và đây là lần đầu tiên WHO lên tiếng cảnh báo đối với việc sử dụng thiết bị này. Ông Jonathan Samet - người đứng đầu nhóm chuyên gia quốc tế này - nói: “Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng có cơ sở vững chắc để củng cố cho kết luận này”.

“Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận này dựa trên những khảo sát dịch tễ học cho thấy nguy cơ gia tăng ung thư não (gliome) gắn liền với việc sử dụng điện thoại không dây” - ông Jonathan Samet tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại.

Nhóm nghiên cứu quốc tế không xác định là có nguy cơ, nhưng lưu ý đến một khảo sát về việc sử dụng điện thoại di động vào năm 2004. Khảo sát này cho thấy có sự gia tăng nguy cơ ung thư não nơi những người sử dụng điện thoại di động nhiều (vào lúc ấy, sử dụng nhiều được xác định là sử dụng trung bình 30 phút/ngày trong 10 năm).

Các chuyên gia đã phân tích tất cả các cuộc khảo sát từng được công bố về vấn đề này trước đó. Họ cho rằng nếu như có mối liên hệ giữa gliome và các u thần kinh đệm ngoại biên (neurinomes) thính giác thì vẫn không thể rút ra những kết luận tương tự cho tất cả các loại ung thư khác nhau. Theo giám đốc Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế Christopher Wild, “về lâu dài cần tiến hành các nghiên cứu bổ sung, nhưng trước khi có được những thông tin ấy cũng cần có những biện pháp thực tiễn để hạn chế việc tiếp xúc với sóng điện thoại”.

Sau khi điện thoại di động ra đời vào cuối thập niên 1970, các nhà khoa học luôn đặt ra câu hỏi liệu có hay không sóng điện thoại di động gây ung thư. Khoảng 30 nghiên cứu cho tới nay đều thất bại vì không thể chứng minh được mối liên hệ này.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nghiên cứu về những nguy cơ của các loại từ trường khác như rađa, vi sóng, truyền thanh hay truyền hình không dây và cho rằng không có đủ bằng chứng để kết luận chúng có thể gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng hay gây bệnh ung thư.

Cả thế giới phản ứng?

Các chuyên gia sức khỏe và dư luận thế giới cho rằng mọi người không nên quá lo lắng trước cảnh báo của WHO vì dữ liệu nghiên cứu mối liên hệ giữa điện thoại di động và ung thư não vẫn chưa thuyết phục.

Ông Ed Yong, giám đốc Cơ quan thông tin sức khỏe thuộc Tổ chức Nghiên cứu ung thư ở Anh, cho biết đa số nghiên cứu trước đây thất bại vì thực tế tỉ lệ ung thư não của con người vẫn giữ nguyên trong khi mức độ sử dụng điện thoại di động tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học xác thực chứng minh con người có nguy cơ mắc bệnh ung thư nếu tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại di động.

Theo ông, trước đây WHO chưa bao giờ để mắt tới điện thoại di động và từng tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy điện thoại di động và bệnh ung thư có mối liên quan với nhau. Tuy nhiên, giờ đây các chuyên gia WHO lại xếp điện thoại di động vào nhóm “có khả năng gây ung thư” và đây đúng là một kết luận kiểu “vơ đũa cả nắm” với bằng chứng không mấy thuyết phục.

“Điều duy nhất chúng ta cần làm để bảo vệ sức khỏe của mình với điện thoại di động là tránh sử dụng khi đang lái xe bởi tai nạn xe hơi chắc chắn có liên hệ rõ ràng với việc sử dụng điện thoại di động” - ông Ed Yong khuyến cáo.

Hiệp hội Viễn thông không dây quốc tế (CTIA) và các hãng sản xuất điện thoại di động lên tiếng chỉ trích kết luận của WHO gây hoang mang cho người sử dụng điện thoại di động và cho rằng các chuyên gia WHO không đưa ra được bằng chứng thuyết phục mà chỉ dựa trên những nghiên cứu trước đây như CTIA cạnh khóe là “các nghiên cứu trước đây của WHO còn xếp cả rau củ muối và cà phê vào nhóm thực phẩm gây ung thư”.

Trong khi đó, Diễn đàn các nhà sản xuất điện thoại di động (MMF) lại phản ứng khá bình tĩnh. Ông Michael Milligan - tổng thư ký của MMF - không phản bác kết quả nghiên cứu vừa công bố nhưng cho rằng nghiên cứu đó “chỉ đánh giá khả năng của nguy cơ gây ung thư chứ không phải mức độ nguy cơ trong việc sử dụng bình thường”. Theo ông, hiện tại ai có quan ngại thì cứ việc áp dụng những lời khuyên của WHO để giảm thiểu tác động của sóng di động như nghe điện thoại di động bằng tai nghe, tránh nói chuyện qua điện thoại di động quá lâu, nghe điện thoại di động ở những nơi có sóng tốt...

DUY PHÚC tổng hợp

Việt Nam chưa nghiên cứu ảnh hưởng của điện thoại tới sức khỏe

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-6, viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường Nguyễn Duy Bảo cho hay tại VN chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của điện thoại di động đến sức khỏe, nhưng VN đã có một số nghiên cứu về ảnh hưởng của sóng từ trường từ các trạm tiếp sóng, phát sóng điện thoại đến sức khỏe người dân ở khu vực lân cận trạm. Kết quả cho thấy các trạm tiếp sóng, phát sóng điện thoại không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân sống xung quanh do dòng từ trường giảm theo khoảng cách, mức độ từ trường ở nhà dân xung quanh khu vực trạm chưa đạt đến ngưỡng có thể bị ảnh hưởng sức khỏe.

Theo ông Bảo, trước thông tin của WHO, viện có thể đề xuất với Bộ Y tế nghiên cứu nhằm có khuyến cáo phù hợp.

Một chuyên gia khác ở Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường cho rằng khó xác định được ngưỡng gây hại của điện thoại di động do rất khó xác định một ngày nghe/dùng điện thoại trong bao lâu. Chuyên gia này cũng cho rằng trong sóng điện thoại có sóng từ trường, ở tần số cao không tốt với sức khỏe, vì vậy nên sử dụng trong giới hạn cho phép (có trường hợp nghe điện thoại nhiều giờ liên tục), không nên để điện thoại thời gian dài ở những vị trí nhạy cảm như đầu, túi quần...

TTO

Vẫn chưa xác định được nguồn gốc dịch E.coli

Dịch khuẩn E.coli vẫn tiếp tục lan rộng ở châu Âu, nhất là ở Đức. Deutsche Welle đưa tin hôm 1-6 đã có thêm 365 người bị nhiễm khuẩn, khoảng 25% đã mắc triệu chứng HUS gây tiêu chảy nặng và suy gan.

Tổng cộng hơn 1.500 người ở Đức nhiễm bệnh, 17 người đã thiệt mạng. Ở Thụy Điển có 36 người nhiễm bệnh và 1 người chết. Các trường hợp nhiễm E.coli cũng xuất hiện ở Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển và mới đây nhất là hai người ở Mỹ, trước đó từng đến Hamburg (Đức).

Nhân viên y tế Cộng hòa Czech xét nghiệm một mẫu ớt để tìm vi khuẩn E.coli - Ảnh: Reuters

Tính chung đến ngày 2-6, toàn châu Âu đã có 18 người thiệt mạng và 1.559 người nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học thuộc Viện Gen Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 2-6 cho biết khuẩn E.coli phát hiện ở châu Âu là một chủng khuẩn mới chưa từng được ghi nhận. Với những đặc tính kết hợp giữa hai chủng khuẩn khác nhau khiến dịch ở khu vực này lan rất rộng và nguy hiểm, theo AP.

Ông Reinhard Burger, chủ tịch Viện Robert Koch trực thuộc Bộ Y tế Đức, dự báo dịch E.coli có thể sẽ còn hoành hành trong nhiều tháng nữa trước khi bị dập tắt.

Hiện tại các cơ quan y tế Đức vẫn “mù tịt” về nguồn gốc đại dịch E.coli. Ông Burger thừa nhận nhà chức trách có thể sẽ không bao giờ xác định được nguồn gốc dịch. Đức đã phải minh oan cho dưa chuột Tây Ban Nha khi khẳng định các xét nghiệm cho thấy mặt hàng này không chứa vi khuẩn E.coli.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng dỡ bỏ cảnh báo về dưa chuột Tây Ban Nha. Phía Tây Ban Nha đang đe dọa sẽ thay mặt nông dân nước này kiện nhà chức trách Đức vì đổ tội cho dưa chuột Tây Ban Nha nhiễm khuẩn làm nông dân Tây Ban Nha thiệt hại khoảng 200 triệu euro (290 triệu USD) mỗi tuần.

Chính quyền các nước châu Âu đã kêu gọi người dân nên rửa thật sạch các loại rau củ cũng như rửa tay trước khi ăn để ngăn chặn đại dịch lây lan. Trong khi đó, Nga vừa ra lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ mặt hàng rau củ từ Liên minh châu Âu (EU) do đại dịch vi khuẩn E.coli ở Đức.

TTO