Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Người lớn vô ý, trẻ gặp nạn

Chỉ vì trò chơi không an toàn, vì cha mẹ bất cẩn mà một số trẻ bị cụt tay, cụt chân khi còn rất nhỏ.

Khi chở trẻ đi xe máy, phụ huynh phải cẩn thận để tránh chân của trẻ bị cuốn vào căm xe - Ảnh : N.C.T.

Mấy ngày vừa qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM liên tục tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhi bị tai nạn vì lý do này. Các bác sĩ của bệnh viện phải lên tiếng cảnh báo để ngăn chặn sớm những tai nạn khác cho trẻ có thể tiếp tục xảy ra.

Chơi lắc vịt, cụt bàn tay

Sáng 26-10, nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, bé T.N.A.T. (5 tuổi, Đức Hòa, Long An) khóc nấc từng hồi vì đau. Bé có khuôn mặt rất xinh, đôi mắt đen tròn vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi. Toàn bộ cánh tay phải của bé từ khuỷu tay trở xuống băng trắng toát, không còn bàn tay.

Bác sĩ Mai Trọng Tường - trưởng khoa vi phẫu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP - cho biết bé T. được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ngày 23-10. Bé được bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP phẫu thuật hai lần để nối ghép động mạch bàn tay bị đứt, nhưng do mạch máu giập quá nhiều nên sau khi nối đã tắc lại. Sau đó bé có biểu hiện nhiễm trùng nên bệnh viện tiến hành hội chẩn và quyết định tháo bỏ bàn tay ở vị trí khớp cổ tay để bảo toàn tính mạng cho bé.

Chấn thương gót chân có thể để lại tật

Tại khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bác sĩ Hồ Ngọc Cẩn cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị lóc da gót chân, mất da gót chân do cha mẹ sơ ý để con đút chân vào căm bánh xe máy. Những tai nạn lóc da, mất da gót chân này thường xảy ra với trẻ được chở trên các xe máy đời cũ, không có tấm chắn an toàn bánh sau.

Mới nhất là trường hợp bé A.M.H.T. (6 tuổi, Đồng Nai) nhập viện ngày 20-10. Trước khi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP, bé đã được điều trị ở bệnh viện địa phương nhưng vết thương không lành. Khi nhập viện, gót chân phải của bé có vết thương 20cm, mưng mủ vàng. Bé được cắt lọc vết thương, sau đó có thể tiến hành xoay da, ghép da để điều trị tiếp.

Theo các bác sĩ, việc điều trị một ca bị lóc da, mất da gót chân rất khó, có khi kéo dài 1-2 tháng và tốn kém nếu phải phẫu thuật nhiều lần. Trong trường hợp nếu trẻ bị mất da gót chân kèm thêm đứt gân gót thì không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ sau này mà có khi còn để lại tật khi đi, đứng.

Chị N.M.T. - mẹ bé T. - cho biết khoảng 20g ngày 22-10 chị cho bé T. đến chơi trò lắc vịt tại khu đất trống trước một nhà sách ở huyện Đức Hòa, Long An. Khu trò chơi này có nhiều trò như đu quay, tàu bay, đi ngựa, lắc vịt... Chị kể trò chơi con vịt khi ngồi lên, nhấn nút hoạt động sẽ lắc qua lắc lại, có hình dáng hơi giống chiếc xe máy, có chỗ để chân và hai tay cầm.

Phía sau con vịt là một môtơ vận hành, không có gì che chắn. Khi bé T. ngồi lên con vịt, ngả dựa người ra sau và để tay ra ngoài thì bị môtơ cuốn ngay lấy bàn tay rồi cánh tay. Rất may người nhà bé kịp thời dùng dép chặn môtơ cho ngừng lại. Lúc gỡ bé ra khỏi môtơ con vịt thì bàn tay gần như đứt lìa hoàn toàn, chỉ còn một tí da và gân dính với cổ tay, cánh tay bé bị giập nát, mặt bị xây xát.

Nói chuyện với chúng tôi, chị T. cứ ân hận vì không biết đưa bé lên thẳng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để điều trị, khâu nối bàn tay kịp thời, nên khi đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bàn tay của bé T. đã tím và bác sĩ tại đây nói quá trễ.

Đi xe máy, mất ngón chân

Trong khi đó, ngày 23-10 khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP cũng tiếp nhận điều trị bé T.P.H. (6 tháng tuổi, Bình Phước) bị vết thương mặt lòng bàn chân phải, mất ngón 1 và ngón 2 bàn chân đó.

Mẹ bé H. là chị N.T.K. kể 14g ngày 23-10 khi chồng chị đang chở ba mẹ con đi bằng xe máy thì nghe tiếng bé H. khóc thét lên đau đớn. Chồng chị thắng gấp lại thì đã muộn vì một phần chiếc khăn lớn chị dùng quấn cho bé H. đã bị cuốn vào bánh xe máy. Bánh xe lôi tuột chiếc khăn và chân phải của bé vào căm bánh xe. Khi mở khăn ra, hai ngón chân nhỏ xíu của bé H. bị đứt lìa.

Do bé quá nhỏ và mạch máu cũng quá nhỏ nên các bác sĩ không thể nối lại hai ngón chân bị đứt. Ngoài việc con bị cụt mất hai ngón chân, chị K. còn không có sẵn tiền để đóng viện phí cho con. Một số bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện phải giúp đỡ để chị K. có được gần 2 triệu đồng đóng viện phí ban đầu cho con.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp - trưởng khoa chỉnh hình nhi - cho biết trước đây cũng có trường hợp bé sơ sinh mới vài ngày tuổi tử vong do bất cẩn của người mẹ. Đó là một sản phụ sau khi sinh được người nhà chở về bằng xe máy. Khi choàng khăn cuốn bé đưa về nhà, người mẹ đã không cuốn khăn cho gọn gàng, chặt chẽ nên chiếc khăn tuột ra và cuốn vào căm bánh sau xe máy, kéo theo bé rơi xuống đất và bị tử vong.

Các bác sĩ khuyên khi bồng trẻ nhỏ có cuốn khăn, chở trẻ đi xe máy, phụ huynh phải hết sức chú ý, cẩn thận để tránh chân của trẻ bị cuốn vào căm xe. Với phụ huynh khi thấy trò chơi không an toàn, có thể gây nguy hiểm cho trẻ thì không nên cho chơi. Ngoài ra, việc các cá nhân, đơn vị đứng ra tổ chức các khu trò chơi cũng cần được cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý để đảm bảo cho trẻ khi tham gia trò chơi được an toàn.

Ca ghép gan bằng robot đầu tiên ở Ấn Độ

Các bác sĩ Ấn Độ đã thực hiện thành công ca ghép gan sử dụng robot đầu tiên ở nước này cho một em bé 4 tuổi, người hiến là cậu của bé. Đây là ca phẫu thuật ghép gan bằng robot thứ 3 trên thế giới.

Phẫu thuật ghép gan bằng robot - Ảnh: BDK

Nhóm các bác sĩ tại Bệnh viện Medanta Medicity ở Gurgaon, cách thủ đô New Delhi 30km, cho biết ca phẫu thuật được tiến hành vào tháng trước. Họ đã sử dụng robot Da-Vinci để thực hiện ghép gan của anh Rahmatullah, 36 tuổi, cho cháu trai Ziad.

Cậu bé bị chẩn đoán mắc chứng tyrosinemia khi 3 tuổi, chứng bệnh gan không thể sản xuất enzyme để tiêu hóa protein và từ đó phát triển thành ung thư gan. Chứng bệnh này chỉ xảy ra 1/10.000 trẻ em.

Sử dụng robot sẽ cung cấp hình ảnh 3 chiều từ bên trong cơ thể, giúp các bác sĩ phẫu thuật có tầm nhìn tốt hơn. Các cánh tay robot cũng thao tác thông qua một lỗ nhỏ từ 5-10mm, ít gây đau đớn và để lại vết sẹo nhỏ hơn (khoảng 7-10cm).

"Trước đây, phẫu thuật sử dụng robot thường được dùng trong các ca ghép thận, tim... Việc sử dụng robot trong ghép gan không chỉ tăng tỉ lệ chính xác mà còn giảm các vấn đề phát sinh trong phẫu thuật" - trưởng nhóm phẫu thuật, bác sĩ A.S.Soin trả lời truyền thông.

15.000 rupee chi phí phẫu thuật cho bé Ziad kiếm được thông qua gây quỹ từ thiện do cha mẹ bé Ziad không khá giả gì và chi phí phẫu thuật với người ghép khoảng 80.000 rupee (khoảng 1.600 USD). Tuy nhiên các bác sĩ nói chi phí có thể giảm theo thời gian nếu công nghệ này được triển khai.

Trong vòng một năm hoặc 18 tháng tới, chi phí sẽ giảm xuống còn khoảng 25.000 rupee. Hơn nữa, nếu chỉ thực hiện một ca phẫu thuật thì riêng chi phí khởi động robot đã là 10.000 rupee. Nếu cùng thực hiện cho 3-4 cuộc phẫu thuật trên một dây chuyền thì chi phí sẽ giảm rất nhiều lần.

TTO

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Một học sinh mất trí nhớ sau khi mất tích

Nguyễn Anh Kiệt, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang), đột ngột mất tích và được tìm thấy ở Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang trong tình trạng gần như mất trí nhớ hoàn toàn.

Nguyễn Anh Kiệt vẫn nhớ tên đăng nhập và mật khẩu trang web thường truy cập - Ảnh: N.H.

Sáng 12-10, tiếp chúng tôi tại nhà riêng (TP Mỹ Tho), ông Nguyễn Hữu Thanh (cha Kiệt) cho biết ông vui mừng vì tìm được con, nhưng buồn vì Kiệt không còn nhớ gì và phải tạm nghỉ học.

Té sông, mất trí nhớ?

Ông Thanh kể khoảng 15g ngày 25-9 Kiệt xin phép cha mẹ đi đá bóng với bạn. Nhưng sau đó vợ chồng ông không biết con ở đâu, hỏi bạn bè, người quen cũng không ai biết. Đang lo lắng thì khoảng 19g cha mẹ của T. (bạn Kiệt) dẫn theo con gái đến nhà ông Thanh mắng vốn: “Kiệt đã đánh T. hồi chiều”.

Theo lời kể của T., Kiệt và T. đi dạo ở công viên dưới chân cầu Rạch Miễu. Một hồi nói chuyện qua lại xích mích, Kiệt dùng tay đánh vào sau cổ T. chảy máu. T. kêu cứu và được đưa vào Bệnh viện K.120 gần đó. Trong lúc T. đang chờ băng bó vết thương ở bệnh viện thì Kiệt vào, T. òa khóc. Thấy vậy nhiều người đuổi đánh Kiệt.

Đến đây hai gia đình nghĩ rằng Kiệt sợ cha mẹ la mắng nên bỏ nhà đi, chắc một hai hôm sẽ về. Tuy nhiên nhiều ngày trôi qua Kiệt vẫn bặt vô âm tín. Ngày ngày, vợ chồng ông Thanh túc trực ở cổng trường và rảo quanh các khu nhà trọ, đêm đến mở cửa chờ Kiệt nhưng không thấy bóng con.

Khoảng 6g30 ngày 6-10, vợ chồng ông Thanh nhận được điện thoại của T. thông báo: “Có thể Kiệt đang ở bệnh viện tâm thần vì có người thông báo như thế”. Vợ chồng ông Thanh lập tức đến Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Các bác sĩ bảo có một nam bệnh nhân trẻ vô danh vào viện từ ngày 27-9. Xuống phòng bệnh gặp con, vợ chồng ông gọi tên con khàn cả giọng nhưng Kiệt không nhận ra. “Tôi nắm tay gọi con, nói là cha nó, nó cũng không nhận ra” - ông Thanh kể.

Khi tiếp xúc với mọi người, Kiệt nói chỉ nhớ những gì xảy ra từ lúc té sông, còn những gì xảy ra trước đó em không nhớ. Theo lời Kiệt, tối hôm đó em bị té sông gần Khu công nghiệp Mỹ Tho. Khi đang vùng vẫy dưới nước thì có ánh đèn rọi vào và có người kéo em lên. Tỉnh dậy Kiệt thấy mình đang nằm trên ghe chở cá tra và được đưa vào đồn công an Khu công nghiệp Mỹ Tho. Sau đó được đưa tới Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tiền Giang và được chuyển tiếp tới Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang ngày 27-9.

Vẫn thao tác rành mạch trên máy tính

Thiếu tá Lê Văn Thanh, đồn công an Khu công nghiệp Mỹ Tho, cho biết tối 25-9 có một tàu chở cá đến báo có cứu được một cậu bé giữa sông dưới chân cầu Rạch Miễu nhưng cậu bé này không nhớ gì. Do cậu này không nhớ gì, không biết mình tên gì nên công an đã đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tiền Giang. Sau đó trung tâm này chuyển cậu đến Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Đến ngày 6-10 thì gia đình tìm được cậu.

Việc gia đình tìm ra Kiệt phần lớn nhờ vào sự nhiệt tình của các cô điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Kiệt kể: “Tối 5-10 con vào phòng các cô điều dưỡng trực và mượn máy tính nghe nhạc online”. Sau đó Kiệt lên mạng nghe nhạc và vào trang cá nhân của T.. Khi các cô điều dưỡng hỏi trang đó của ai, mật khẩu thế nào thì Kiệt bảo không nhớ. Việc Kiệt gõ tên và mật khẩu trang cá nhân của T. giống như quán tính.

Tối 5-10, khi Kiệt vào trang cá nhân tên H.T. trên mạng Internet, điều dưỡng Đỗ Nguyệt Sang hỏi người này là ai, Kiệt bảo không biết, trước đó thường vào nên quen. Chị Sang thử chat với một người có nickname N.N. trên trang H.T. với nội dung: “Người sử dụng nick này đang ở bệnh viện tâm thần”. Tuy nhiên nick N.N. nói lại là “đồ khùng điên”. Chị Sang nhẫn nhịn xin số điện thoại của T. hay người nào đó trong nhóm T. chơi thân, chẳng hạn S.H. (vì nhìn ảnh thấy người này có nét giống Kiệt). N.N. cho số điện thoại của S.H..

23g, điều dưỡng Trần Thị Trúc Ly gọi điện cho S.H. hỏi “em có người anh nào mất tích không?”. S.H. trả lời không và tắt điện thoại. Chị Trúc Ly quyết định chụp hình Kiệt và đưa lên trang của H.T. kèm theo câu: “Tôi là ai? Tôi đang ở bệnh viện tâm thần”. Kết quả thông tin đó được bạn bè của Kiệt biết và thông báo cho cha mẹ em.

Điều dưỡng Huỳnh Ngọc Cơ kể nhiều lần đề nghị Kiệt viết tên mình, tên cha, tên mẹ và địa chỉ nhà... nhưng em không nhớ gì, song Kiệt có thể viết được tiếng Anh. Thầy Lê Bá Ngọc, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cho biết sau sự kiện trên, gia đình có đến xin cho em đi học lại nhưng do Kiệt vẫn chưa nhớ gì nên nhà trường khuyên gia đình để cho em nghỉ ngơi. Năm nay trường mở lớp 10 chuyên, tuyển chọn học sinh giỏi vào lớp này và Kiệt là một trong số đó. Còn thông tin từ phía giáo viên chủ nhiệm thì Kiệt là một học sinh giỏi và hiền lành.

NGỌC HẬU

Có khả năng Kiệt bị rối loạn trầm cảm

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Trước - trưởng khoa điều trị Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, người trực tiếp điều trị cho Kiệt suốt 10 ngày em ở bệnh viện, thời gian điều trị quá ngắn và chưa có nhiều thông tin từ phía gia đình nên chưa thể kết luận chính xác tình trạng bệnh của Kiệt. Tuy nhiên, bước đầu bệnh viện chẩn đoán có khả năng Kiệt bị rối loạn trầm cảm và chắc chắn trước đó Kiệt đã bị stress kéo dài. Ngoài ra, cũng cần xác định xem khi Kiệt té sông (hay tự nhảy xuống sông từ nguyên nhân trầm cảm) em có bị đuối nước, chết một số tế bào não hay không. Gia đình cần đưa Kiệt đến bệnh viện tiếp tục khám và điều trị.

Bác sĩ Trần Thị Thật, giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, nói hiện số bạn trẻ bị stress và trầm cảm đang tăng một cách báo động. Trong trường học, các em bị áp lực học tập, ngoài đời và ở gia đình các em lại có một số áp lực khác nữa nên rất dễ stress. Nếu kéo dài sẽ bị trầm cảm, và khi bị trầm cảm các em có thể nghĩ đến chuyện tự tử.

Thuốc chống mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể

Các nhà khoa học thuộc Trường đại học Adelaide, Úc ngày 14-10 công bố nghiên cứu thành công loại thuốc đầu tiên trên thế giới có thể ngăn ngừa mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể ở người cao tuổi.

Nghiên cứu sinh Kelly Keeling và giáo sư Andrew Abell - Ảnh: AN

Giáo sư Andrew Abell, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết loại thuốc dưới dạng dung dịch hoặc kem nhỏ vào mắt có tác dụng tấn công trực tiếp vào một loại protein có tên Calpain trong mô mắt, giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa.

Theo Tổ chức Phòng chống mù lòa thế giới, có gần 18 triệu người trên thế giới bị mù lòa vì bệnh đục thủy tinh thể và mỗi năm có hơn 200.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể. Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo người lớn tuổi (từ 50 tuổi lên) nên kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ để chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể nhằm ngăn ngừa mù lòa vĩnh viễn.

Bệnh đục thủy tinh thể xuất hiện khi protein Calpain phát triển mạnh trên mô mắt, ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.

Loại thuốc này bước đầu thử nghiệm thành công trên động vật nhưng chưa được thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, theo GS Abell, nếu thử nghiệm thành công trên người, nó có thể thay thế hoàn toàn phẫu thuật - vốn là phương pháp duy nhất có hiệu quả trong việc chữa đục thủy tinh thể.

“Các bác sĩ nhãn khoa có thể dễ dàng chẩn đoán các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể, trước khi nó ảnh hưởng đến thị giác. Nhiều bệnh nhân đục thủy tinh thể cao tuổi không muốn tiến hành phẫu thuật và chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân này thường gặp nhiều trở ngại vì phải chờ đến thời điểm thích hợp mới có thể tiến hành phẫu thuật. Chúng tôi tin loại thuốc này có thể giúp ngặn ngừa bệnh đục thủy tinh thể ở người cao tuổi mà không phải phẫu thuật”, theo GS Abell.

Hiện nhóm nghiên của GS Abell - được giới khoa học nhãn khoa đánh giá rất cao - đã thành lập một công ty nghiên cứu loại thuốc phòng chống bệnh đục thủy tinh thể này. Dự kiến nó sẽ được sản xuất đại trà trong thời gian tới nếu thử nghiệm thành công trên người.