Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

LHQ tạm ngừng các chương trình mới chống AIDS

Ngày 25-11, Liên Hợp Quốc đã quyết định ngừng mọi chương trình mới chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ít nhất trong 3 năm tới do tác động của tình trạng tham nhũng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuần hành hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS - Ảnh: AFP/TTXVN

Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao phổi và sốt rét đã hủy bỏ vòng gây quỹ mới và tập trung vào các dịch vụ thiết yếu cho các chương trình chống HIV/AIDS kết thúc trước năm 2014.

Ông Simon Bland, Chủ tịch Quỹ tuyên bố đây là một quyết định rất khó khăn để bảo vệ các thành quả trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Hàng triệu người trên thế giới nhiễm HIV sẽ bị tác động nghiêm trọng sau quyết định này.

Hơn 22 tỷ USD đã được phê chuẩn cho các chương trình hoạt động của quỹ ở 150 nước kể từ năm 2002, trong đó 15 tỷ USD đã được giải ngân, gần 3 tỷ USD đã được chi để điều trị cho người bệnh nhiễm HIV ở hơn 100 nước.

Tuy nhiên, quỹ đã không còn nguồn tài chính cho các chương trình mới nhằm đáp ứng chiến dịch quốc tế ngăn chặn những ca nhiễm HIV mới bất chấp những thành công chưa từng thấy được ghi nhận trên toàn cầu trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ vốn đã làm dấy lên hy vọng xuất hiện thế hệ dân cư mới không HIV/AIDS trên thế giới.

Thanh tra các hoạt động của quỹ được công bố tháng 9 vừa qua đã phát hiện hàng loạt vụ tham nhũng trong hoạt động của quỹ ở nhiều nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm giảm các nguồn tài trợ từ các nước tài trợ lớn cho quỹ. Số tiền sử dụng sai mục đích và tham nhũng đã lên tới 73 triệu USD.

Tham nhũng trong các chương trình của quỹ đã khiến các nước tài trợ lớn như Đức, Thuỵ Điển, Đan Mạch và cả Liên minh châu Âu ngừng tài trợ và yêu cầu cải tổ các hoạt động của quỹ.

Trong nỗ lực cải tổ để có thể tiếp tục nhận được nguồn tài trợ, Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao phổi và sốt rét đã quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới cùng điều hành quỹ với Giám đốc chấp hành đương nhiệm và sẽ tiếp nhận toàn quyền điều hành quỹ sau thời gian chuyển giao lãnh đạo trong vòng 12 tháng tới.

TTO


Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Người Sài Gòn đổ bệnh hô hấp trong thời tiết chuyển mùa


Chăm hai nhỏ nằm bệnh viện vì mắc viêm phổi và hen suyễn, con chưa khỏi bệnh, chị Hà đã bắt đầu ho và sốt. Kết quả sau thăm khám, bác sĩ xác định mẹ cũng mắc bệnh hô hấp như các con.

Chuyện cả nhà cùng đổ bệnh như chị Hà nhà ở quận Tân Phú vừa nêu, theo các bác sĩ chuyên khoa hô hấp từ khoảng vài tuần trở lại đây không còn hiếm thấy, do thời tiết Nam bộ bắt đầu se se lạnh và thường xuyên mưa.

Trưa 7/11, tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, tổng số bệnh nhi nằm nội trú đã lên đến 213 bé. Do quá tải, hầu hết các bé đều phải nằm ít nhất là 2 cháu trên một giường. Nhiều bé dù đang bệnh vẫn phải nằm trên lối đi.

"Cảm, ho rồi chảy nước mũi, khò khè, biếng bú, đến tối qua con trai tôi bỗng tím tái. Đến bệnh viện mới biết bé bị viêm phổi", chị Hoa nhà ở quận 4 nói.

Anh Khoa nhà ở Tân Bình cũng cho hay, chỉ trong một tuần, cả 2 nhóc nhà anh đều phải nhập viện vì viêm phổi và lên cơn hen suyễn. "Quá nhiều bé nhập viện, không có giường, con tôi phải nằm luôn ở góc cầu thang", anh này nói.

Các bác sĩ khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, hầu hết bệnh nhi nhập viện đều mắc viêm tiểu phế quản, viêm phổi và nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi. "Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 11 cho đến hết tháng 12, lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đều cao", một bác sĩ cho biết.

Bác sĩ Trương Quang Định, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cũng cho biết, lượng bệnh nhi nằm viện vì bệnh hô hấp tại bệnh viện cũng tăng cao trong 2 tuần qua với hàng trăm trẻ nằm điều trị tại khoa Hô Hấp 1 và Hô Hấp 2.

Hầu hết các bé mắc viêm họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Một số bé phải được điều trị cấp cứu bởi viêm phổi dẫn đến suy hô hấp.

"Lượng trẻ đến khám vì bệnh hô hấp nhưng chỉ điều trị ngoại trú còn đông hơn rất nhiều. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận hàng trăm trường hợp sổ mũi, ho, cảm", một bác sĩ phòng khám nói.

Không chỉ trẻ em, mấy ngày qua, lượng người lớn đến khám vì ho cảm, viêm họng tại phòng khám bệnh của các bệnh viện đa khoa như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện quận 8 và các phòng khám tư nhân cũng đông nghịt.

Nhiều chị nuôi con nằm bệnh viện nhi nhưng phải mang khẩu trang, mặc áo ấm và uống thuốc vì ốm còn nặng hơn con. "Nuôi con gần một tuần, con chưa khỏi bệnh thì đến tôi. Mệt lắm nhưng bé viêm phổi nên bác sĩ chưa cho về", chị Thùy ở quận 8 nuôi con tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.

Theo các bác sĩ, hầu hết người lớn đều có thể vượt qua sau vài ngày mắc bệnh nếu đi khám và uống thuốc, tuy nhiên, người già và người có bệnh mạn tính thì phải lưu ý bởi bệnh rất dễ trở nặng gây viêm phổi và suy hô hấp.

Đề phòng bệnh hô hấp cho cả người lớn lẫn trẻ em, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng cách tốt nhất là giữ ấm cơ thể và không để bị ướt mưa.

Riêng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ, theo bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình, khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, vì bệnh do virus, nên phụ huynh cần giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; rửa sạch núm vú bình sữa, thường xuyên rửa tay, súc miệng cho trẻ để tránh nhiễm virus gây bệnh.

Ngoài ra khi thấy trẻ nóng sốt hơn 2 ngày uống thuốc không khỏi, phụ huynh nên đưa đến bệnh viện khám để được bác sĩ chẩn đoán điều trị vì có thể ngoài hô hấp, bé còn mắc những bệnh khác.

“Taxi cấp cứu”

Nếu cấp cứu ban đầu tại cộng đồng được thực hiện đúng cách, kịp thời sẽ góp phần giảm 30% trường hợp tử vong và hạn chế biến chứng.

Khi hệ thống cấp cứu ngoại viện chưa hoàn thiện, thì “taxi cấp cứu” là giải pháp tình thế có thể thực hiện.

Lực lượng cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (115) vận chuyển cấp cứu một bệnh nhân - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Các thông tin trên được báo cáo, thảo luận tại hội thảo khoa học về cấp cứu ngoại viện, do Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM phối hợp Hội Hồi sức cấp cứu Pháp - Việt tổ chức hôm qua 10-11.

Chỉ 16% người dân biết đến 115

Theo bác sĩ David Trần - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Pháp Việt (FV), TP.HCM, dù hệ thống cấp cứu 115 của Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương thực hiện tiếp nhận điện thoại cấp cứu 24/24, đội cấp cứu ngoại viện có khoảng 10 xe cấp cứu, nhưng người dân TP còn ít biết do thông tin về dịch vụ cấp cứu ngoại viện 115 còn hạn chế.

Một khảo sát cho thấy mới 16% người dân biết có dịch vụ cấp cứu ngoại viện của TP và chỉ 32% người dân biết 115 là số điện thoại gọi cấp cứu. Vì vậy, 46% người dân tự đưa người thân đi cấp cứu và 67% người nghĩ tự đi sẽ nhanh hơn gọi dịch vụ xe cấp cứu. Than phiền chủ yếu của người dân khi gọi cấp cứu là thời gian chờ đợi xe cấp cứu đến còn lâu. Hiện đa số người dân chọn cách vận chuyển bệnh nhân bằng taxi hoặc ôtô.

Một khảo sát năm 2009 về các trường hợp ngưng tim trước khi đến được Bệnh viện FV cho thấy chỉ có 17% bệnh nhân đi bằng xe cấp cứu, 83% bệnh nhân còn lại đến bằng ôtô (hầu hết bằng taxi). Việc vận chuyển bệnh nhân, nạn nhân bởi những người không có chuyên môn có nguy cơ làm nặng thêm tổn thương trên đường đến bệnh viện, nhất là với những trường hợp bị chấn thương tủy sống, tắc nghẽn đường thở, sặc...

Trong khi đó, TS.BS Đỗ Quốc Huy - phó giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương - cho biết nếu cấp cứu ban đầu tại cộng đồng đúng cách, kịp thời sẽ góp phần cứu sống được rất nhiều bệnh nhân, kéo giảm tới 30% trường hợp tử vong và hạn chế các biến chứng.

Theo TS Huy, mỗi ngày có hơn 1.000 bệnh nhân cần cấp cứu ngoài bệnh viện. Trong đó những bệnh lý cấp tính như nhồi máu cơ tim, cơn tăng huyết áp, đột quỵ, ngộ độc thực phẩm... và các cấp cứu do tai nạn thương tích gây ra như đả thương, các chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Thế nhưng, trung bình hằng năm cấp cứu 115 nhận hơn 6.000 cuộc gọi cấp cứu, với khoảng 5.000 ca cần cấp cứu.

Số cuộc gọi cho 115 và số bệnh nhân được cấp cứu tại cộng đồng hằng năm còn rất hạn chế, không tương xứng với nhu cầu thực tế. Phần lớn bệnh nhân có bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần được trợ giúp, cấp cứu tại cộng đồng đều được gia đình hoặc người dân tự chuyển đến cấp cứu tại các bệnh viện bằng các phương tiện taxi, xe máy... Đáng tiếc hơn, nhiều bệnh nhân được đưa tới bệnh viện không được sơ cứu, vận chuyển và điều trị đúng cách để lại biến chứng nặng, làm khó khăn trong điều trị sau này.

Cần tập huấn cho tài xế taxi

Trong khi chờ đợi hệ thống cấp cứu ngoại viện được đầu tư, nâng cấp, bác sĩ David Trần nói có thể giải quyết các vấn đề này bằng biện pháp tập huấn cấp cứu ban đầu (chương trình ngắn hạn) cho tài xế taxi; trang bị phương tiện cấp cứu tối thiểu cho mỗi taxi, như băng, gạc, nẹp cẳng tay, chân, cổ, dụng cụ đè lưỡi, găng tay.

Việc tập huấn cấp cứu ban đầu cho tài xế taxi giúp họ biết cách bảo vệ bệnh nhân; biết cách chăm sóc vết thương, cố định xương gãy, cầm máu, đặt nẹp cố định chi, nẹp cổ như thế nào; biết cách đặt bệnh nhân vào ghế sau taxi; biết cách khai thông đường thở và đảm bảo thông khí đầy đủ cho nạn nhân; biết cách đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn trong khi chờ giúp đỡ của lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp.

TS Huy cũng cho rằng ngoài việc đầu tư cho Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, nâng cao năng lực cấp cứu tại tuyến cơ sở, thì giải pháp nâng cao năng lực cấp cứu tại chỗ bằng việc huấn luyện kiến thức và kỹ năng cấp cứu y tế cho nhiều đối tượng trong cộng đồng là rất cần thiết, để có thêm nhiều lực lượng tham gia cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân tại hiện trường.

Cấp cứu ngoại viện còn nhiều hạn chế

Cấp cứu ngoại viện tại TP còn nhiều tồn tại, chưa khắc phục được, đó là chưa phủ kín và thường trực tại các địa bàn “nóng”; chưa thiết lập quy chế hoạt động cấp cứu chuyên trách; nhân sự cho hệ thống cấp cứu ngoại viện vừa thiếu trầm trọng lại chưa được huấn luyện, đào tạo chuyên nghiệp; đầu tư trang thiết bị cho công tác cấp cứu ngoại viện vẫn còn nhiều hạn chế...

Để khắc phục các hạn chế này, theo TS Huy là phải xây dựng, đầu tư Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương thật sự là trung tâm cấp cứu được trang bị đủ các loại hình và thiết bị phục vụ cấp cứu chuyên nghiệp, hiện đại về phương tiện vận chuyển cấp cứu (ôtô, canô, trực thăng), hệ thống thông tin liên lạc (bộ đàm, điện thoại vệ tinh, Internet, hệ thống định vị toàn cầu), xe chỉ huy cấp cứu di động, hệ thống máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và điều trị hiện đại. Đồng thời phải điều chuyển, tăng cường cán bộ y tế cho khối cấp cứu.

Xây dựng và hoàn thiện trung tâm cấp cứu TP, thành lập trung tâm chống độc TP, trung tâm hồi sức tăng cường chuyên sâu; xây dựng, củng cố và phát triển một số khoa có cơ cấu mặt bệnh cấp cứu phổ biến như chấn thương (sọ não, lồng ngực, tổng quát, chấn thương chỉnh hình, bỏng...), đơn vị can thiệp tim mạch, đơn vị đột quỵ.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Kiểm tra dầu Johnson nghi chứa chất gây ung thư

Ngày 4-11, Cục trưởng Cục quản lý Dược Trương Quốc Cường cho biết cục đã chỉ đạo kiểm tra sản phẩm dầu gội đầu Johnson’s Baby Shampoo vì nghi có chứa hai chất gây ung thư nguy hiểm là dioxane và quaternium.

Sản phẩm dầu gội đầu Johnson’s Baby Shampoo - Nguồn: Internet

Sau khi tiến hành việc kiểm tra, Cục quản lý Dược sẽ sớm có thông báo kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Trong thời gian gần đây, một số báo chí trong nước cũng như nước ngoài có phản ánh về chất Quaternium-15 và 1,4 dioxan - chất gây ung thư nguy hiểm có trong sản phẩm mỹ phẩm dầu gội đầu của hãng Johnson&Johnson.

Cục Quản lý dược cung cấp với báo chí một số thông tin có liên quan đến việc các chất này có trong sản phẩm trên.

Theo Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, chất 1,4 dioxan không được phép sử dụng như là thành phần trong công thức sản phẩm mỹ phẩm.

Chất Quaternium-15 có tên khoa học là Methenamine 3-chloroallylochloride, được phép sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm với vai trò là chất bảo quản, thuộc Phụ lục VI Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, hàm lượng tối đa cho phép sử dụng là 0,2%. Quy định này cũng tương tự với quy định của Hiệp định mỹ phẩm châu Âu.

Quaternium-15 là chất có trong thành phần dầu gội đầu Johnson’s Baby Shampoo đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam và nhiều nước khác.

Hàm lượng Quaternium-15 trong sản phẩm này được Công ty trách nhiệm hữu hạn Johnson & Johnson Việt Nam công bố tại Cục Quản lý dược là 0,05%, là hàm lượng nằm trong giới hạn cho phép sử dụng theo quy định tại Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.

Cục Quản lý dược đã chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm mỹ phẩm Việt Nam kiểm tra hai chất nguy hiểm trên trong sản phẩm dầu gội đầu Johnson’s Baby Shampoo.

Đồng thời, Cục Quản lý dược sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý mỹ phẩm của các nước để theo dõi, giám sát chặt chẽ tính an toàn của Quaternium-15 trong sản phẩm mỹ phẩm và có khuyến cáo kịp thời khi có tác dụng bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.