Hai hộ sản xuất bì lợn bẩn đã được phát hiện, hằng ngày món bì đều có mặt ở các quán cơm tấm, quán bánh mì tại Sài Gòn, thế nhưng từ bao năm nay, loại thực phẩm này lại không bị buộc phải đăng ký trước khi sản xuất.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM giải thích, đây là mặt hàng thực phẩm thuộc nhóm không đóng bao gói nên theo quy định của nhà nước, không phải đăng ký sản xuất.
"Việc quản lý chỉ căn cứ vào giấy đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mà các cơ sở trình lên. Tuy nhiên trên thực tế, chưa có cơ sở nào nộp giấy đảm bảo mặt hàng của mình đạt tiêu chuẩn vệ sinh đến Sở", kỹ sư Hòa nói.
Bánh mì bì là một trong những món ăn ưa thích của người Sài Gòn. Ảnh: Thiên Chương. |
Cũng theo ông Hòa, việc sản xuất bì lợn từ trước đến nay thường có tính chất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình. Cho nên việc quản lý cơ sở thuộc về chính quyền phường xã.
Từ thực trạng bỏ ngỏ như trên, mãi đến ngày 13/11, nhờ phát hiện vô tình của các trinh sát phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP HCM), Sở Y tế thành phố mới lần đầu tiên phát hiện được hai cơ sở sản xuất bì lợn siêu bẩn tại quận 8 và Bình Tân.
Tại thời điểm đoàn đến làm việc, trước hàng tấn bì lợn bốc mùi hôi thối chuẩn bị biến thành thức ăn, đại diện chính quyền địa phương và phòng Y tế địa bàn hai hộ sản xuất bì lợn bẩn, cho rằng họ từng đến làm việc và yêu cầu các nơi ngưng sản xuất. Nhưng các hộ vẫn âm thầm tái phạm.
Trong khi đó, theo nhiều hộ dân phải nhiều năm liền hứng chịu mùi hôi thối bốc ra từ hai cơ sở sản xuất bì lợn, nếu chính quyền địa phương năng động hơn, quyết liệt hơn, thì các cơ sở này đã không có cơ hội tồn tại.
"Làm sao không thấy được bởi mỗi ngày, xe chở da heo cứ lần lượt chở hàng vào. Tôi không tin là tổ dân phố không biết", một người dân ở đây nói.
Tìm hiểu của VnExpress.net từ tiểu thương chuyên bán bì lợn tại các chợ ở quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 5, 6, 8 cho thấy, nguồn hàng này được cung cấp từ các hộ sản xuất không hề có tên tuổi. Chủ các quầy hàng cho hay, họ mua bì lợn từ người thương lái đến bỏ mối, hết hàng lại gọi điện thoại bảo mang đến, nên cũng không biết quy trình sản xuất như thế nào.
"Bì càng trắng càng tốt bởi người mua là các chủ quán cơm tấm, bánh mì bì nên thường ưa chọn hàng đẹp. Giá của mỗi kg bì trắng chưa trộn thính và thịt, dao động từ 13.000 đến 20.000 đồng", chủ hiệu bì tại chợ Phạm Văn Hai cho hay.
Kinh doanh bì lợn sôi động hơn cả là những quầy thực phẩm tại khu vực cuối chợ Bình Tây (quận 6). Tại đây, bì được chất đống trong bao ni lông, khách muốn mua bao nhiêu cũng có. Không cho biết địa chỉ cụ thể, tuy nhiên theo chủ hàng, xóm chuyên sản xuất bì lợn tại quận 6 là nơi cung cấp bì lợn cho hầu hết chợ tại TP HCM.
Bì lợn tại các cơ sở sản xuất bẩn. Ảnh: Thiên Chương. |
Khảo sát của VnExpress.net từ sáng ngày 14/11 đến trưa cùng ngày cho thấy, các quán cơm tấm và bánh mì bì tại Sài Gòn rất ít người chọn mua loại thức ăn này. "Ngày thường chỉ đến 9h, tôi đã bán được gần 50 ổ, hôm nay đã gần 11h mà chỉ bán được chưa đến 20. Kiểu này chắc hết dám bán món bì", một chị bán bánh mì bì trên đường Cách Mạng tháng 8, quận Tân Bình, nói.
Nhìn đĩa bì lợn trộn thính vàng ươm còn nguyên, nhiều chủ hàng cơm tấm tại quận 5, quận 6, cũng thừa nhận, khách chọn ăn món bì đã giảm.
"Chúng tôi rất tiếc vì một số cơ sở sản xuất kém chất lượng đã khiến một món ăn đặc sản bị hoài nghi về chất lượng an toàn vệ sinh. Ngay cả bản thân người mua hàng như chúng tôi, khi nhìn thấy những sợi bì trắng tinh cũng không ngờ chúng từng được một số cơ sở làm ăn dối trá", một chủ quán than thở.
Cùng cảnh ế hàng, bà Liên, một người có hơn 10 năm sống bằng nghề sản xuất và kinh doanh bì lợn tại quận Phú Nhuận, cho rằng cơ quan chức năng cần cứu món ăn đặc sản này.
"Theo tôi bì lợn là một món ăn ngon và chúng không có tội. Nếu nhà sản xuất có lương tâm và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi nhắc nhở thì vẫn có bì lợn sạch để mọi người dùng", bà Liên nói.
Cùng trong nghề này, anh Hậu sống tại quận 12 cho hay, sản xuất bì lợn sạch là việc làm trong tầm tay. Chỉ cần chọn bì nguyên liệu còn tươi, tủ cấp lạnh đạt chuẩn, các thùng ngâm sạch sẽ thì bì sẽ tươi ngon mà không cần phải sử dụng quá nhiều hóa chất. Anh Hậu cũng cho rằng, với những hộ sản xuất nhỏ, tình trạng bì nguyên liệu ùn ứ đến thối rữa là khó xảy ra.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, sau khi phát hiện hai cơ sở bì lợn bẩn, Thanh tra sẽ đề xuất Ban giám đốc Sở có công văn yêu cầu các quận huyện khẩn trương rà soát lại những hộ sản xuất bì trên địa bàn.
Riêng phía Sở cũng sẽ tiếp tục tìm hiểu và kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất mặt hàng này.
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét