Không thể phủ nhận ngành y tế TP.HCM cùng nhiều ban ngành khác đã nỗ lực rất nhiều trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thực tế vẫn có quá nhiều bất cập, khó khăn Chuyển đổi hành vi người tiêu dùng cũng là một biện pháp nhằm tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đợt giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mà ban Văn hoá – xã hội của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố thực hiện hơn hai tháng qua đã kết thúc vào hôm qua (26.3) tại cuộc họp với sở Y tế TP.HCM. Báo cáo tổng kết sẽ được trình lên HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 7 để tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng theo cảm giác của không ít người để gỡ được chắc cũng còn lâu lắm.
Có chứng nhận chưa chắc an toàn
Sự phối hợp hành động của các đơn vị ngành y tế hiện chưa được đồng bộ. Đơn cử khi trung tâm Y tế dự phòng thành phố kiểm tra và phát hiện một cơ sở không đạt tiêu chuẩn và báo cáo lên tranh tra sở Y tế, đơn vị này lại tiến hành từ đầu việc kiểm tra để xử phạt một cách tốn công tốn sức.
Nhưng đáng lo nhất là do quy định văn bản chưa chặt chẽ, nên mỗi nơi triển khai mỗi kiểu. Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, trưởng ban Văn hoá – xã hội HĐND thành phố, dẫn chứng: ở chợ Gò Vấp ban quản lý không buộc người phụ kinh doanh thực phẩm khám sức khoẻ để làm giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, nên ở chợ này số giấy phép được cấp rất nhiều. Ngược lại, nơi buộc người kinh doanh chính lẫn phụ kiểm tra sức khoẻ nghiêm túc thì số giấy phép cấp không bao nhiêu. “Thế đó, chợ có nhiều người bán được cấp giấy chứng nhận VSATTP chưa chắc đã an toàn”, bà Bạch Yến nhận xét.
Điều khiến nhiều người giật mình chính là tỷ lệ được cấp giấy ở những khu vực “nhạy cảm” lại quá thấp. Chỉ 60,5% bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, khu chế xuất có giấy, tỷ lệ này ở bếp ăn tập thể trường học là 71,4%, căn tin trường học là 71,9%, và căn tin bệnh viện là 81,1%. “Ngành y tế phải đi đầu trong việc VSATTP, nhưng chúng ta cứ hô hào người khác làm, còn ngay trong bệnh viện lại không đạt. Trường học cũng vậy, thế hệ tương lai của nước nhà là ở đấy. Căn tin nào không đạt thì phải kiên quyết đóng cửa”, ông Nguyễn Văn Minh, phó ban Văn hoá – xã hội HĐND thành phố, đặt vấn đề.
Nhận thức chưa đủ
Một trong những biện pháp căn cơ để giải bài toán VSATTP là tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và chính quyền cơ sở, nhưng điều này vẫn làm chưa tốt. Đại biểu Tăng Cẩm Vinh cho biết: “Khi đi thực tế, chúng tôi thấy nhiều vị trưởng khu phố không biết gì về VSATTP. Ở chợ Vườn Chuối và một chợ ở Gò Vấp, hỏi ban quản lý chợ về quản lý VSATTP, họ cứ lơ ngơ như trên trời rơi xuống”. Nhiều ban ngành cũng chưa mặn mà với VSATTP. “Đi giám sát nhiều nơi, tôi thấy người ta báo cáo tình hình VSATTP rất sơ sài như trả nợ quỷ thần”, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa nhận xét.
Mục đích của tuyên truyền là chuyển đổi hành vi người tiêu dùng, nhưng những năm qua ngành y tế chi rất nhiều tiền của và công sức cho truyền thông mà lại không có một khảo sát nào về hành vi, nhận thức, thái độ người tiêu dùng. Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, trưởng phòng quản lý VSATTP của sở Y tế, nhận khuyết điểm: “Lẽ ra chúng tôi phải làm từ năm 2008, nhưng cứ lụp chụp đến nay cũng chưa triển khai được!”. Không nâng cao nhận thức người dân, nên khi xảy ra vụ việc, cả xã hội hoang mang, nháo nhào. Các ngành chức năng cũng vậy, tốn công nhiều mà hiệu quả không bao nhiêu. Một đại biểu nhận xét: “Nói trái cây Trung Quốc độc hại, bộ nào cũng nháo nhào lên, nhưng hỏi chất gì độc trong đó thì không ai biết được!”.
Quảng cáo an toàn thực phẩm: chuyện như đùa! Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa thắc mắc hiện nay trên truyền hình có nhiều quảng cáo về thực phẩm, đưa thêm câu cuối là có giấy phép của bộ Y tế, sở Y tế, như thế có chặt chẽ không? BS Lê Trường Giang khẳng định: “Không chặt! Quảng cáo trên HTV, nhưng giấy phép quảng cáo là sở Y tế Bình Dương sao chúng tôi quản nổi. Một đơn vị làm bột nêm có hình ảnh thịt thăn và xương hầm, tôi hỏi họ chứng minh điều này đi, họ nói chỉ làm từ bột thịt. Nhưng nói... làm chi cho dài! Ngay cả quảng cáo nước mát đốc tơ, tôi cũng không biết đốc tơ phải là bác sĩ hay không vì giấy phép quảng cáo do một sở y tế tỉnh khác cấp!”.
(http://suckhoegiadinh.org - theo SGTT)