Một ngày đầu tháng 3-2009, mới bước ra khỏi cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi liền bị một đám hơn chục người đàn ông trong trang phục màu xanh thẫm xúm xít ào tới. “Xe ôm không em? Về đâu, anh chở rẻ cho” - một người trạc 50 tuổi lẽo đẽo theo hỏi. Thấy chúng tôi lắc đầu nhưng mắt vẫn đang tìm kiếm, anh này tấn công tiếp: “Hay là cần xe chở bệnh nhân về?”. Chúng tôi vừa gật đầu, anh liền vỗ tay cái bép: “Có luôn! Xịn như xe cấp cứu. Miễn chê!”.
“Cò” tứ phía
Chúng tôi còn đang thắc mắc tại sao lại là xe cấp cứu thì anh này giải thích: “Đi taxi không có chỗ nằm thoải mái đâu mà giá lại đắt nữa. Xe của tụi anh là Mercedes 16 chỗ hẳn hoi, có chữ thập, còi hụ, đèn ưu tiên y chang xe cấp cứu, chạy thoải mái luôn. Vừa tiện, vừa nhanh vừa rẻ”. “Từ đây về Cộng Hòa bao nhiêu?”, “300.000 đồng”. Cò kè một hồi, anh này nói chỉ giảm xuống còn 280.000 đồng. Thấy chúng tôi lắc đầu, ngay lập tức một anh xe ôm đứng cách đó chừng vài mét chạy tới vồ vập: “Anh lấy rẻ cho, 250.000 đồng thôi, chịu không?”.
Tuy không xôm tụ bằng ở cổng chính nhưng lực lượng xe ôm kiêm “cò” cấp cứu ở cổng bên hông cũng linh hoạt không kém. Trong vai một người nhà đang cần kiếm xe có băng ca chuyển bệnh nhân về nhà, chúng tôi lân la hỏi thăm. Nhanh như cắt, anh xe ôm búng tay ra hiệu cho một người đàn ông đứng tuổi bên kia đường chạy sang. Người này tự giới thiệu tên T., chuyên cung cấp “dịch vụ xe cấp cứu”. Khi chúng tôi hỏi đây có phải là xe cấp cứu của bệnh viện không thì anh T. trả lời lúng túng: “Không, đây là xe của tư nhân nhưng em cứ yên tâm, có còi hụ được quyền ưu tiên đàng hoàng, chạy vô tư luôn”.
“Từ đây về Bến Tre bao nhiêu?” - tôi hỏi. “Tới thị xã hả, một triệu bảy” - T. ra giá. Tôi trả giá: “Triệu hai đi. Đây về dưới khoảng 90 cây số chứ mấy”. “Không bớt được đâu em ơi, xe anh là xe cứu thương chứ có phải taxi đâu. Chỉ bớt vài chục ngàn đồng làm quen thôi”. Rồi T. liền rút trong túi ra cái danh thiếp, căn dặn: “Nhớ gọi cho anh liền sau khi có giấy xuất viện nha, phải có giấy bảo vệ mới cho đưa xe vô”.
Không chỉ hoạt động bên ngoài bệnh viện, lực lượng “cò” cứu thương còn tràn vào cả bên trong. Người viết vừa đặt chân xuống khu vực đậu xe, một thanh niên chạy đến ngay tiếp thị xe cứu thương.
Trong lúc ngồi chờ đóng tiền xuất viện, tôi cũng bắt gặp một người đàn ông trạc 40 tuổi, da đen đúa, không mặc đồng phục đến từng hàng ghế chào hàng xe cứu thương. Một phụ nữ hỏi xe có chạy về Vũng Tàu không, anh này gật đầu rốp rẻng: “Có chứ. Miền Tây, miền Đông chỗ nào cũng chạy hết”. Người nhà một bệnh nhân ngồi gần kể rằng cứ chiều chiều lại thấy rảo rảo ở mấy phòng bệnh “bắt mối”. Ngoài người này còn vài người khác nữa. “Mấy xe này lấy giá đắt lắm. Lần trước tui cũng gọi xe của mấy ổng đưa ông già về Bình Phước, mấy ổng lấy tới hai triệu đồng. Lần sau tui được giới thiệu đi xe của bệnh viện chỉ có 1,2 triệu đồng”.
Giá “cắt cổ”
Đối chiếu với bảng báo giá dịch vụ xe cứu thương tại Tổ công xa Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi nhận thấy giá “cò” đưa ra đắt hơn từ 500.000 đồng đến hơn một triệu đồng. Chẳng hạn, từ TPHCM về thị xã Bến Tre, giá bệnh viện chỉ có một triệu đồng trong khi xe cấp cứu dỏm lên tới 1,7 triệu đồng; hay giá về Vũng Tàu cũng bị hét tới hai triệu đồng, cao hơn tới 600.000 đồng so với dịch vụ của bệnh viện.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Tổ trưởng Đội công xa Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Chúng tôi tính chi phí căn cứ theo giá taxi, khoảng 10.000 đồng/km. Những khu vực trong thành phố, giá tối đa là 150.000 đồng trở lại. Không có chuyện từ Bệnh viện Chợ Rẫy về đến Tân Bình giá tới 300.000 đồng như một tay “cò” đã “hét””.
Ông Hồng kể, đã không ít lần ông bị người nhà bệnh nhân gọi điện thoại đến tổ công xa phàn nàn rằng đội xe cấp cứu của bệnh viện lấy giá “cắt cổ”. Mới đây, lại có một người đến gặp, bức xúc nói xe cấp cứu của bệnh viện chở gia đình họ từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang nhà xác An Bình cách đó vài trăm mét mà lấy tới 400.000 đồng. Thì ra trong lúc bối rối, gia đình này đã leo nhầm lên xe cấp cứu dỏm, thấy xe có hình chữ thập đỏ, còi hụ, cứ nghĩ là xe của bệnh viện.
Muốn ngon phải cậy “cò”
Trong vai một người có xe hết niên hạn nhưng không muốn chở hàng, chúng tôi liên hệ với “cò” H. (một tay “cò” xe cấp cứu lâu năm ở đây) nhờ anh chỉ mánh làm ăn. H. nháy mắt: “Muốn làm ăn ngon lành thì phải nhờ đến “cò”. Khi có khách, tôi dẫn ra cho ông. Anh em mình đội giá lên, tùy theo giá cả mà chia nhau. Ông mới vô có thể chịu thiệt một chút. Làm việc lâu năm rồi thì hoa hồng sẽ bớt, ông kiếm được nhiều lời hơn. Không thiệt đâu mà sợ”.
Liên lạc với “cò” T. ở số điện thoại 09031..., chúng tôi cũng được câu trả lời tương tự. Khi biết tôi chưa trang bị “đồ nghề”, T. nói chắc nịch: “Chú cứ đi với anh qua chợ Dân Sinh, muốn món gì cũng có tuốt”. Tại chợ Dân Sinh (quận 1), chúng tôi được chủ tiệm cho xem đèn cấp cứu tròn giá dao động 400-800 ngàn đồng tùy loại; còi hụ mới có giá 350-500 ngàn đồng; còn đèn cấp cứu dài cộng với còi hụ thì giá hơn ba triệu đồng. Các loại đèn và còi hụ chủ yếu là hàng của Nhật và Trung Quốc, Nhật giá cao hơn. Tiếp đó, muốn xịn thì mua thêm một bình ôxy hơn một triệu đồng sử dụng khi người bệnh có nhu cầu. Vậy là chỉ cần tốn sơ sơ hơn một triệu đồng là chúng tôi có đầy đủ bộ đồ nghề để hành nghề xe cấp cứu. Trước khi chia tay, “cò” T. hứa chắc nịch: “Có bệnh tui sẽ dắt mối cho ông ngay!”.
(http://suckhoegiadinh.org - Theo YÊN THẢO - ÁI NHÂN (PL TPHCM)
Địa chỉ Blog sức khỏe Vndoc yahoo rút gọn 1: http://vndoc.tk
Địa chỉ Blog sức khỏe Vndoc yahoo rút gọn 2: http://suckhoe.tk
Mã RSS chèn vào Feed để auto up blast hoặc theo dõi entry của Vndoc
Địa chỉ Web Sức khỏe gia đình: http://suckhoegiadinh.org
Quảng cáo tại đây, vui lòng liên hệ suckhoegd@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét