Trong tháng 2, Bệnh viện Da liễu Hà Nội tiếp nhận 192 ca đến khám vì thủy đậu, tăng gần 20 ca so với tháng trước, trong đó có nhiều trường hợp là người lớn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, hiện bệnh thủy đậu đang vào mùa nên số ca mắc tăng, chủ yếu là trẻ nhỏ và có cả người lớn. Người lớn đến bệnh viện khám thường là khi bệnh đã nặng, xuất hiện mụn nước dẫn đến tổn thương, như trường hợp của Thanh trên mặt đã có mụn bong mủ.
Thông thường, khi nói đến thủy đậu, nhiều người chỉ nghĩ đến trẻ nhỏ. Vì thế khi có những sốt sần đỏ nhỏ trên người, đa phần người lớn đều không nghĩ mình mắc thủy đậu mà chỉ bị dị ứng thời tiết hoặc một loại thức ăn nào đó.
"Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng người dân không nên chủ quan, đặc biệt với người lớn mắc. Vì người lớn bị bệnh thường nặng hơn trẻ con do bệnh chuyển biến rất nhanh, triệu chứng rầm rộ, 1-2 ngày mụn đã lên rất nhiều", bác sĩ Quang nói.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ vào mùa đông và xuân. Tuy nhiên, người lớn khi tiếp xúc với nguồn bệnh cũng có khả năng mắc nếu cơ thể chưa có kháng thể với bệnh.
Bệnh thủy đậu do virus Varicella zoster gây ra và lây qua đường hô hấp. Bệnh có thể lây ngay trong thời gian ủ bệnh (trước khi nổi mụn) 10-20 ngày. Lúc đầu người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, hơi sốt, đau họng, đau cơ, sau đó xuất hiện những nốt mụn nhỏ.
Khi mắc bệnh người dân nên đến các cơ sở y tế khám để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não. Người chưa mắc bệnh nên hạn chế tiếp xúc, nói chuyện để tránh lây bệnh.
Biện pháp phòng ngừa thủy đậu tốt nhất hiện nay là tiêm văcxin. Trẻ đủ 1 tuổi trở lên có thể tiêm phòng thủy đậu với 1 liều. Trẻ từ 12 tuổi trở lên nếu chưa được tiêm ngừa lần nào thì phải tiêm hai liều, cách nhau 6-8 tuần.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét