Bệnh nhân N. sau khi được "giải thoát" khỏi hàng ngàn con sán "tá túc" trong ống mật
Anh N. cho biết, khoảng 10 ngày gần đây anh thấy đau vùng trên rốn, cảm giác rất tức vùng ức, ăn uống không thấy ngon. Anh có đi khám ở Bệnh viện Lạc Thủy nhưng không phát hiện được bệnh gì. Sau ít ngày nghỉ ngơi, bệnh không thuyên giảm mà có phần đau nhiều hơn, anh quyết định đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Kết quả chẩn đoán nghi ngờ anh bị tắc mật do u đường mật ở giai đoạn nguy hiểm, nhưng khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây tắc mật không phải do khối u mà là hàng nghìn con sán lúc nhúc ký sinh trong đường mật.
Theo TS. Trần Ngọc Ánh, Khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện, các dấu hiệu bệnh của anh N. rất mơ hồ trên lâm sàng, trên hình ảnh của chụp cộng hưởng từ chỉ phát hiện bị tắc phần thấp của ống mật chủ, nếu không xử trí sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra.
TS. Kim Văn Vụ, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân N. cho biết, tắc mật ở đoạn thấp của ống mật chủ cần được chỉ định ngoại khoa. Hơn nữa kinh nghiệm cho thấy hầu hết nếu tắc ở vị trí này thường là do u đường mật và có nguy cơ lớn ung thư. Với những kết quả trên chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ dự định sẽ phải cắt cả khối tá tụy, bệnh nhân sẽ phải trải qua một phẫu thuật rất lớn. Nhưng thật bất ngờ, khi vị trí tắc mật được mở ra, các bác sĩ nhìn thấy rất nhiều những con sán lá gan nhỏ bám đặc đường mật. Các bác sĩ tiến hành bơm rửa sán trong đường mật cho người bệnh, ước tính có tới vài nghìn con.
Rất may mắn là bệnh nhân không phải cắt cả khối tá tụy mà chỉ xử trí nơi đường mật bị tắc, nối đường mật với ruột non để dịch mật xuống ruột thực hiện chức năng tiêu hóa. Trong trường hợp này nếu không được phẫu thuật sẽ đến suy gan do tắc mật và ung thư gan, đường mật.
Các bác sĩ cho hay, không chỉ gây tắc và tổn thương ở ống mật chủ mà sán lá gan còn gây tổn thương nhiều đường mật nhỏ khác trong gan, nhưng không thể phẫu thuật để rửa hết sán được vì các đường mật này rất nhỏ chạy trong gan. Do vậy xử trí sán triệt để cho bệnh nhân không chỉ phẫu thuật mà còn phải tiếp tục dùng thuốc điều trị sán sau đó.
Vòng luẩn quẩn: Sán và gỏi cá PGS.TS. Nguyễn Văn Đề - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng - Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính của bệnh sán lá gan nhỏ là cá chưa nấu chín, đặc biệt là gỏi cá. Khai thác tiền sử bệnh, được biết bệnh nhân Ninh mắc bệnh vì lý do này. Xét nghiệm phân rất dễ tìm ra sán lá gan nhưng quan trọng là bác sĩ khám bệnh có nghĩ đến nguyên nhân do sán hay không do các triệu chứng bệnh rất mơ hồ. Người bệnh hiếm có dấu hiệu gì đặc biệt, chỉ thỉnh thoảng có rối loạn tiêu hóa (do sán ký sinh đường mật làm giảm chất lượng dịch mật). Đây là loài ký sinh trùng hàng đầu gây ung thư gan mật. Nhưng do ít có biểu hiện bệnh và thời gian mắc đến khi xuất hiện các biến chứng có thể trải qua hàng chục năm nên bệnh nhân đến viện thường bệnh đã nặng. Theo PGS Đề, gỏi cá làm người ta dễ mắc bệnh nhưng chính con sán này làm người bệnh rất nghiện gỏi cá, do chúng tiết ra chất độc làm người bệnh cảm thấy trong người rất nóng ruột nhưng nếu ăn gỏi cá vào thì thấy rất dễ chịu. Vòng luẩn quẩn đó làm cho bệnh càng nặng hơn. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh ăn uống và đặc biệt không ăn cá nấu chưa chín. |
Theo Lê Hảo
Sức khỏe & Đời sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét