Stress vì lời nói khiếm nhã
"Thực ra, thỉnh thoảng xen vào vài ý thì thấy vui, nhưng nhiều khi quá trớn, lại thấy ghê. Có lần, đi công tác về, tôi mua chum rượu cần đãi mọi người, cánh đàn ông xúm vào mời chị em uống rồi bình phẩm: của anh A to như cần này, của anh B thì chỉ bằng cần này thôi nhưng dài hơn, cong hơn. Cần anh A mút mãi chả ra nước... khiến chị em lắc đầu, lè lưỡi, uống mất cả ngon" - Chị Lan, là một nhân viên văn phòng, cho biết.
Không những thế, có người, ngày nào cũng thường trực suy nghĩ đó trong đầu. Thấy chị em nào ló mặt vào cơ quan, mặt mũi tươi tỉnh, là y như rằng hô toáng lên: "Tối qua lại làm được một "điếu" rồi đây!". Không ít người khó chịu vì sự thiếu tế nhị của những người này nhưng chẳng thể góp ý được mãi, đành chung sống với lũ.
Một số người lại phải chịu sức ép về giới tính khi phải đi công tác với sếp nhiều lần. Chị Hằng kể: "Có lần tôi mặc váy hở ngực, sếp nhìn chăm chăm và bảo: cổ em đẹp thế này, hay để anh mua cho em sợi dây chuyền nhé? Chưa hết, đang đi công tác, sếp cứ bắt dừng lại nghỉ ngơi. Mấy lần sếp chỉ thuê mỗi một phòng cho hai người, nên tôi toàn phải từ chối, lượn ra ngoài mua sắm. Đối phó kiểu này mệt lắm, nên rất sợ đi công tác với sếp".
Chưa kể việc Hằng phải cùng sếp tiếp khách, ép uống rượu, chấp nhận phải nghe những lời sàm sỡ, những cái đụng chạm cố ý khi rượu vào... Một thời gian làm thư ký cho sếp, Hằng phải nói lời tạm biệt, vì không thể "sống trong sợ hãi" mãi được.
Stress vì hội chứng ngày thứ 2
Không ít dân văn phòng có cảm giác uể oải khi bước vào ngày đầu tuần. Sau hai ngày nghỉ ngơi, công việc dừng lại, dồn toa việc từ tuần trước sang, nhiều người nảy sinh phản ứng lo sợ, căng thẳng với công việc và dẫn tới hiệu suất làm việc trong ngày thứ 2 không cao.
Ngoài ra, không ít cơ quan tổ chức họp giao ban vào sáng thứ 2 nên khiến thời gian giải quyết công việc trong ngày đầu tuần càng ngắn lại. BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần Quốc gia, cho biết: "Ngày thứ 2 tôi cũng thường phải đối mặt với khối lượng công việc rất lớn. Hai lần họp giao ban, phải xử lý giấy tờ của tuần trước, lên kế hoạch tuần này, họp bộ môn, rồi áp lực của việc bệnh nhân chờ hàng dài trước cửa khiến mình làm cái gì cũng không yên. Khốn khổ nhất là cảm giác họp giao ban kéo dài, sếp thích nói, trong khi mình còn đống việc phải làm, hàng hàng bệnh nhân chờ khám. Sốt ruột lắm. Việc thì vẫn phải giải quyết. Ngày thứ 2 đối với tôi cũng vô cùng mệt mỏi. Đó là lý do thứ 2 nhiều người thường bị stress như tôi".
Đây là chưa kể, nhiều người sử dụng ngày nghỉ không hợp lý, ăn chơi hoặc làm việc quá sức gây mệt mỏi nên ngày thứ 2 đuối sức, mệt mỏi khi làm việc.
Để hạn chế stress trong hội chứng ngày thứ 2, BS Tuấn cho biết, cần phải chấp nhận sức ép nặng nề của ngày thứ 2 vốn có đồng thời lên kế hoạch trước và sau ngày thứ 2. Ngày nghỉ nên về sớm, nghỉ ngơi để có thời gian phục hồi sức khoẻ. Trong ngày thứ 2 phải bình tĩnh giải quyết công việc, đề nghị với sếp nên hoãn việc họp giao ban sang buổi chiều để giải quyết các công việc trực tiếp.
Vệ sinh tâm thần - tại sao không?
Dân văn phòng đối mặt với stress từ rất nhiều nguyên nhân: tâm lý, môi trường, áp lực công việc, lạm dụng tình dục... Một biện pháp F5 lại tâm thần, mà giới bác sĩ gọi là "Vệ sinh tâm thần" là cách có thể khiến mỗi người có thể tĩnh tâm lại, sẵn sàng đối mặt và có giải pháp xử lý cho các tình huống cụ thể của mình. 6 biện pháp dưới đây được các bác sĩ tâm thần đúc kết mà bạn có thể tham khảo:
- Nghiêm túc với mình, độ lượng với người. Không nên xét nét đồng nghiệp, trong việc đi muộn về sớm bất chợt của họ vì có thể lúc đó họ đang có những bất thường khác, như con cái, gia đình có vấn đề... Nếu khắt khe, không thông cảm sẽ dẫn tới những xung đột.
- Tăng phút vui cười, giảm phút buồn bực: Tránh căng thẳng, tránh cãi nhau đều là liều thuốc tốt cho mọi người, tăng những giây phút vui vẻ lên.
- Sống thanh đạm, chi tiêu tiết kiệm: Sống làm sao để không chi tiêu quá mức, gây căng thẳng những lúc hết tiền. Tiền tiêu quá tay hôm nay có thể khiến ngày mai hết tiền, bạn lại sống căng thẳng.
- Sống thanh đạm sẽ giúp giảm stress vì nếu ăn nhiều, gây béo phì cho cơ thể, bệnh tật đến, lại khiến bạn căng thẳng lo âu chán chường cho bản thân. Bụng to, tích mỡ lại khiến bạn phải tập luyện vất vả.
- Chấp nhận hoàn cảnh bất lợi đến với mình và tìm cách cải thiện nó: Khi mình bị stress hay bị một cái gì đó không may, trước hết phải chấp nhận đã, chứ đừng có căng thẳng, cẳn nhằn, đổ lỗi. Lúc này, bạn hãy tìm cách cải thiện tình hình cho phù hợp.
- Diệt dục: Ham muốn quá mức, là nguyên nhân dẫn tới bệnh tật, tội phạm. Bằng lòng với bản thân mình là quan trọng nhất. Năng lực mình ở đâu thì chấp nhận đến mức đó. Đời sống vật chất càng lên cao - tinh thần càng giảm, đây là cặp phạm trù đối nghịch, nhân quả. Kiếm được tiền sẽ tiếc thời gian, không dành để nghỉ ngơi. Hạnh phúc không phải chỉ tiền, mà còn nhiều thứ khác.
Theo VTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét