Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

“Bệnh” nghiện mua sắm

Hoàng Oanh, cô gái 26 tuổi, hiện là một công chức trong ngành giáo dục tại Bình Dương. Cô có một thói quen là thường xuyên đi mua sắm quá mức. Điều này làm cuộc sống của cô hoàn toàn bị đảo lộn và gây cho cô những khó khăn về cảm xúc.

Khởi đầu của nghiện mua sắm là bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải đến siêu thị - Ảnh: Gia Tiến

Vấn đề của cô bắt đầu từ cách đây ba năm, khi cô ra trường và đi làm. Lúc đầu cuộc sống của cô rất bình thường, tập trung cho công việc với một niềm yêu thích, thường giải trí với bạn bè một cách điều độ, có người yêu và cuộc sống tình cảm hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sau đó cô có một thói quen là thường xuyên đi mua sắm quá mức. Điều này làm cuộc sống của cô hoàn toàn bị đảo lộn và gây cho cô những khó khăn về cảm xúc.

Điều trị

Khi cảm nhận mình hoặc nhận thấy người thân có những dấu hiệu trên, bạn cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc nhà tâm lý lâm sàng. Việc thảo luận phương án điều trị rất quan trọng với từng cá nhân.

Tuy nhiên theo chúng tôi, cần phải triển khai các liệu pháp hóa dược để giải quyết những xung động cưỡng chế, tình trạng, trầm cảm, mất ngủ, lo âu... Bên cạnh đó, nhà tâm lý lâm sàng sẽ làm việc cùng bạn với các kỹ thuật của liệu pháp nhóm, liệu pháp hệ thống và một số kỹ thuật của liệu pháp nhận thức hành vi.

Thôi thúc cảm giác phải đi mua

Hầu như tuần nào Oanh cũng đi siêu thị 2-3 lần, lúc đầu do sự thôi thúc phải đi, trong đầu cô nghĩ chỉ đến xem qua cho biết. Tuy nhiên, lần nào ra về cô cũng mua một túi đồ lớn, nhiều món cô mua không phải do nhu cầu mà vì không thể cưỡng lại được ham muốn phải mua bằng được món đồ cô thích.

Tháng nào cô cũng có vài giai đoạn thay đổi tính tình nghiêm trọng mỗi khi hết tiền. Không có tiền đi siêu thị, cô không thể tập trung vào công việc, hay ngồi im lặng một mình, khó ngủ, ăn không ngon miệng, chán nản và mệt mỏi, thờ ơ với các hoạt động xung quanh...

Điều này càng ngày càng làm giảm sút hoạt động xã hội bình thường của cô, cô ít tiếp xúc với mọi người, ít quan tâm đến công việc, thậm chí mối quan hệ của cô với bạn trai cũng thường xuyên có khó khăn...

Những trường hợp như Hoàng Oanh được chẩn đoán là rơi vào trạng thái bị cưỡng bức bởi xung động mua sắm quá mức mà nhiều nhà chuyên môn hay gọi là trường hợp nghiện mua sắm (addiction shoping) - một tình trạng rối loạn hành vi được điều khiển bởi các xung động cưỡng chế mà người mắc phải không thể kiểm soát được.

Người mắc xung động mua sắm thường bị thôi thúc bởi cảm giác phải đi mua những món đồ mà đôi khi không thật sự cần thiết cho bản thân họ và những người xung quanh. Khởi đầu của quá trình đi mua sắm bao giờ cũng giống nhau. Lúc đầu họ bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải đến siêu thị, và họ chỉ nghĩ mình đến để xem hoặc mua 1-2 món đồ với những mục đích rõ rệt. Tuy nhiên, khi ra về họ thường mang theo rất nhiều thứ mua được mà đôi khi họ cũng không biết mua với mục đích gì và có thể họ sẽ chẳng bao giờ sử dụng chúng.

Hậu quả của những xung động cưỡng chế mua sắm thường làm kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn, nhiều người nợ nần chồng chất hoặc phá sản. Đời sống xã hội khó khăn và thường mâu thuẫn trong gia đình và những người xung quanh.

Như một rối loạn hành vi

Hiện nay, nghiện mua sắm là vấn đề vẫn còn nhiều tranh cãi, các tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới đều chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán cho rối loạn này. Tuy nhiên, đây là một rối loạn từ lâu (có nguồn dẫn từ đầu thế kỷ 19) và ngày càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nhiều người với số người mắc ngày càng tăng. Vì thế, nhiều nhà tâm thần và tâm lý học đã nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Viện quốc gia về lạm dụng chất của Mỹ đã coi rối loạn nghiện mua sắm như một rối loạn hành vi bởi chúng có những nguyên nhân như các cưỡng chế hành vi khác mà “chất” gây nghiện ở đây không giống các chất khác (rượu, thuốc lá, ma túy). Tuy nhiên, nó đều có chung một đặc điểm là có một cảm giác kích thích trước khi có hành vi mua sắm, theo sau là cảm giác hạnh phúc và hài lòng khi mua sắm, và sẽ nảy sinh cảm giác có lỗi, lo âu sau khi mua sắm.

Bên cạnh đó, xung động mua sắm thường là nguyên nhân tiềm tàng của các cảm xúc và hành vi bất lợi như phản ứng thất vọng, căng thẳng, tức giận hoặc lo hãi do mua sắm; một cảm giác phá vỡ thói quen sinh hoạt và chi tiêu theo tiêu chuẩn kiểm soát của cá nhân và gia đình - điều này gây căng thẳng hoặc xung đột trong gia đình và các mối quan hệ khác, có một cảm giác lo âu khi mua sắm, trải nghiệm với những cảm giác bỏ qua những cấm kỵ trong nhận thức của bản thân khi mua sắm, có cảm giác tội lỗi hoặc hối lỗi sau khi mua sắm bởi phá vỡ những lời hứa của bản thân, mua những thứ mà đôi khi không bao giờ sử dụng và vượt quá quy định chi tiêu bởi nằm ngoài mục đích sử dụng, lo lắng về tài chính của gia đình và bản thân bởi dành nhiều kinh phí đi mua sắm.

Nguyên nhân

Khai thác trên các yếu tố lâm sàng, các nhà tâm lý và tâm thần đều thừa nhận một số nguyên nhân sau:

- Nghiện mua sắm có thể là một hình thức phóng chiếu sự thiếu thốn về mặt tình cảm;

- Việc cá nhân không có khả năng đối phó đúng cách với các vấn đề khó khăn của bản thân như là sự cô đơn, tức giận hoặc trống vắng;

- Một trong những cách phân tâm cảm xúc của vấn đề xung đột và khủng hoảng;

- Mua sắm như một cách loại bỏ trầm cảm và lo âu;

- Là phương pháp để tìm kiếm sự mạo hiểm và hứng thú bản thân;

- Mua sắm là cách để kiểm soát những cơn bốc đồng mà không thể kiểm soát bằng cách khác...

BS LÊ MINH CÔNG (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét