Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Cô gái tí hon tật nguyền với giấc mơ đại học

Cao chưa tới 80cm, đứng chỉ nhỉnh hơn chiếc bàn học một chút, hai bàn tay từ khuỷu đến ngón đều cong queo, lại khiếm thính, Tiên vẫn phấn đấu đến trường và hôm nay là thí sinh "siêu nhí" dự thi đại học.

Sáng nay, tại điểm thi tại trường THCS Nhơn Bình, thuộc Hội đồng thi liên trường Quy Nhơn, ai cũng bất ngờ trước sự xuất hiện của một thí sinh nhỏ bé. Nhìn cô gái cùng bố và em trai bước vào sân trường, không ai nghĩ đây là một thí sinh.

Em là Ngô Thị Tiên, sinh năm 1992, ở thôn Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ (Bình Định), dự thi khối D ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM).

Tiên đi cùng bố và em trai đến hội đồng thi làm thủ tục, sáng 8/7. Dù nhỏ bé, tật nguyền, cô gái vẫn nhất định tự bước lên cầu thang, từ chối được bố bế. Ảnh: Minh Thảo.

Nhìn cô gái thân hình co quắp, nhỏ xíu, đôi chân ngắn ngủn bước lên từng bậc cầu thang để đến phòng thi ở lầu 2, nhiều người cảm thấy ái ngại thay. Thế nhưng, khi bố kề tay định bế, em từ chối và tự mình đi đến phòng thi.

“Cháu phải tự tập cho mình tính tự lập, chứ nếu sau này có đậu đại học bố mẹ đâu có ở bên cạnh để lo lắng cho cháu được”, Tiên vừa bước từng bậc cầu thang vừa thổ lộ với VnExpress.net, đôi tai lúc nào cũng gài chiếc máy trợ thính.

Tiên vừa tốt nghiệp trường THPT Phù Mỹ I (huyện Phù Mỹ) với số điểm trung bình. Tuy nhiên, với em thế đã là sự cố gắng vượt bậc. "Cháu không thể ngồi học nhiều, vì ngồi lâu là cả người tê nhức", Tiên cho biết. Ở nhà thì học tư thế nào cũng được, còn trên lớp, do chiều cao quá khiêm tốn nên em phải quỳ lên ghế mới tới mặt bàn để viết bài, xem sách.

Vào phòng thi làm thủ tục, Tiên phải quỳ trên ghế mới vừa tầm bàn học. Ảnh: Minh Thảo.

Tự lượng sức mình, Tiên quyết định không thi ngành thiết kế thời trang mình yêu thích mà đăng ký thi ngành công nghệ thông tin. Theo em, vì ngành này có thể chủ động, tự học được mọi lúc mọi nơi.

Anh Ngô Chí Hảo, bố Tiên, người sát cánh bên em trên chặng đường chinh phục giấc mơ đại học kể: "Lúc đầu, con bé chỉ định học xong cấp 3 rồi nghỉ để ở nhà giúp bố mẹ. Nó nói 'rồi lỡ đậu ai đưa đón con đi học, rồi lỡ học xong ra, con như vầy ai mà nhận con đi làm', làm tôi xót cả lòng”.

Thế rồi niềm vui được đi học, được khám phá những tri thức thôi thúc cô gái học lên cao hơn nữa. "Cháu ước được vào đại học, có nhiều kiến thức để sau này đóng góp được phần nào cho xã hội và giúp bố mẹ đỡ khổ", cô gái nhỏ bộc bạch.

Nghe Tiên nói đến đây, người cha ngân ngấn nước mắt nhớ về nỗi bất hạnh đã đè lên tuổi thơ và cuộc đời bé bỏng con gái mình.

“Khi gần đến ngày thôi nôi con bé, vợ chồng tôi phát hiện nơi cổ và trên ngực nó có cái gì đó cộm cộm, lớn dần, nhô ra”, anh Hảo nhớ lại. Lúc đó, có một đoàn bác sĩ nước ngoài về thăm và khám bệnh từ thiện tại Bệnh viện Phù Mỹ, vợ chồng đưa con gái xuống khám thì nhận được hung tin cháu bị viêm tuyến yên không thể cứu chữa được. Suốt đời cô bé sẽ sống trong hình hài nhỏ bé như một đứa trẻ, chứ không thể phát triển chiều cao như những người bình thường.

Cô gái lọt thỏm khi đứng cùng các bạn đồng trang lứa, song vẫn đầy tự tin và nụ cười rạng rỡ. Ảnh: Minh Thảo.

Tiên là con gái đầu lòng của vợ chồng anh Hảo nên cả nhà như suy sụp hẳn khi nghe tin dữ. Thương con, vợ chồng anh ráng ngược xuôi, buôn gánh bán bưng, làm thuê, làm mướn chạy vạy kiếm từng đồng nuôi con, thuốc thang cho đứa con gái tội nghiệp của mình.

“Không chỉ thân thể bị tật nguyền, mà con bé còn mang đủ thứ bệnh khác, nào khớp, nào lưng, nào khiếm thính… Vợ chồng tôi đâu dám nghĩ đến chuyện cho con học hành. Thế mà khi thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, nó cũng đòi đi học bằng được”, anh Hảo kể.

Khó khăn là vậy, nhưng được sự động viên giúp đỡ của bạn bè thầy cô, các năm học cấp I, II, Tiên đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Chỉ khi vào cấp III, do sức khỏe kém hơn và chương trình học nhiều hơn nên em xếp loại học sinh trung bình.

Cùng bố rời khỏi trường dự thi đại học, Tiên tự hào: "Cháu ước mơ vào đại học để học kiến thức mới, sau này giúp bố mẹ và đóng góp cho xã hội". Ảnh: Minh Thảo.

Người bố kể, thấy cha mẹ kiếm tiền khó khăn nên Tiên rất biết cách tiết kiệm. Như khi mua pin dùng cho máy trợ thính, em nhịn tiền ăn sáng rồi gộp lại mua sỉ một lần để được rẻ hơn 500 đồng một viên.

Tiếng trống trường thi điểm giờ các thí sinh vào làm thủ tục. Cô thí sinh tí hon với cơ thể tật nguyền lọt thỏm giữa các bạn cùng trang lứa nhưng vẫn lấp lánh ánh mắt tinh khôi và nụ cười tự tin rạng rỡ.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét