“Lúc đó thất tình nên muốn làm cái gì đó để quên đời. Nghe tụi bạn nói cắt tay rất phê nên mình thử. Lúc mới cũng ghê nhưng làm lần hai, lần ba thì cực thích. Không đau lắm đâu. Buồn buồn mà cắt một phát hết buồn liền”, Angle kể về thú chơi cắt tay của mình trên blog.
Cũng theo Angle, bạn bè cô nhiều người chơi trò này cách nay hai năm, giờ đã “nghiện”. Không cần có chuyện buồn, chỉ cần thấy tay chân lành lặn cũng đủ bứt rứt, phải mua dao lam về cứa vài phát mới chịu được. “Mọi người nghe nói thì khiếp chứ thử đi biết liền. Chỉ cắt mỏng, tê tê tí, vài giờ là máu khô queo, đâu có sẹo gì. So với hút xì ke mình thấy thú chơi này an toàn mà lại phê ra phết”, Angle cho biết.
Trong một diễn đàn trên mạng dành cho những người thích cảm giác mạnh, các “tín đồ” của trào lưu cắt da thịt còn đua nhau khoe những “tác phẩm” mới thực hiện xong là những cánh tay chằng chịt các vết cắt, trong đó nhiều tác phẩm được cắt thành những cái tên, hình thú vật, hoa văn với những giọt máu còn tươi roi rói.
Theo thông tin từ bệnh viện 115 và Nhi Đồng 1, những ca bệnh cấp cứu do các vết cắt của dao, kéo, lưỡi lam… rất thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên hầu hết đều được gia đình hoặc bệnh nhân giải thích do bất cẩn hoặc muốn tự tử, không có ca nào thú thiệt muốn tận hưởng cảm giác mạnh của thú chơi cắt da thịt. “Có thể với nhu cầu chỉ cắt nhẹ vào tay chân cho tóe máu coi chơi thôi thì mức độ sát thương không nặng nên họ không cần vào bệnh viện điều trị”, một nhân viên khoa cấp cứu bệnh viện 115 nhận định.
Một căn bệnh có thể gây nghiện
Kết quả điều tra tại một số trường đại học ở Mỹ cho thấy có tới 17% sinh viên đã từng thực hiện hành vi cắt da ít nhất một lần; trong đó, đa số là nữ. Ở Anh, những nạn nhân của hội chứng tâm lý này chiếm 10% số ca cấp cứu phải vào viện. Hành vi tự cắt da thịt ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, như Đức, Nhật, Hàn Quốc… Nếu trước kia, hành vi này chỉ xuất hiện ở những người có vấn đề về tâm lý thì hiện có chiều hướng gia tăng ở các bệnh nhân. Phổ biến nhất trong lứa tuổi vị thành niên và nữ chiếm hầu hết số trường hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Tâm thần trung ương, cho biết, trào lưu tự hành xác bằng cách làm tổn thương da thịt không phải mới xuất hiện ở Việt Nam. Bệnh viện từng điều trị cho nhiều ca là “tín đồ” của trào lưu này.
“Trong số những trường hợp cắt da thịt, có người chỉ thuần túy muốn thử qua thú chơi này do bắt chước trào lưu sống theo cảm xúc của phương tây nhưng cũng có những trường hợp bị bệnh lý về thần kinh. Cụ thể họ bị rối loạn tinh thần do những cú sốc tâm lý không được giải tỏa. Đây là hội chứng mà nhiều nước đang quan ngại mức độ lây lan bởi có thể phát triển như một căn bệnh gây nghiện mà người lớn cũng có thể bị. Một số nghiên cứu cho thấy, khi phải chịu đau đớn về thể chất, cơ thể sẽ tiết ra một loại chất làm giảm cơn đau và nó giúp cho người ta quên đi những chán chường, thất vọng. Nếu người cắt da thịt nhận ra được những dấu hiện này, họ sẽ dễ dàng nghĩ đến nó khi gặp những chuyện thất vọng khác”, ông Thành nói.
Cũng theo ông, hội chứng tự cắt da thịt nói chung không hại nhưng sẽ nguy hiểm ở chỗ người thực hiện hành vi đó có thể bị nhiễm trùng do cắt bằng những dụng cụ không an toàn, bị sẹo xấu hoặc tử vong nếu cắt sâu vào những vùng trọng yếu cơ thể.
“Do nguyên nhân khởi xuất là tâm lý, nên nếu giải tỏa sớm được các cú sốc thì không cần đến bệnh viện trị liệu. Những người có các vấn đề tâm lý nên chủ động cởi mở tâm sự với bố mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. Các gia đình phải đặc biệt quan tâm những diễn biến bất thường trong tâm sinh lý của trẻ mới lớn, nhất là trẻ gái. Chính cách giáo dục, chăm sóc của mỗi gia đình sẽ là những liều văcxin hữu hiệu nhất phòng tránh cho các thành viên gia đình ảnh hưởng hội chứng này”, ông Thành khuyến cáo.
(http://suckhoegiadinh.org - theo SGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét