Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, nếu để dịch bệnh xảy ra ở thủ đô, ngành Y tế có lỗi gấp 10 lần so với ở các địa phương khác. Ông Nguyễn Quốc Triệu vừa trực tiếp xuống chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ chiều nay (3/11).
Rác ngập trong nước là nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân
Bộ trưởng Y tế yêu cầu: “Ngay từ bây giờ, ngành y tế Hà Nội phải khẩn trương lập bản đồ dịch tễ về tình hình dịch bệnh sau lũ, lên kế hoạch chi tiết việc phòng chống dịch bệnh”.
Theo ông Triệu, tuy chưa có bệnh nhân tiêu chảy cấp, nhưng cần chủ động phòng chống dịch bệnh bởi không ngoại trừ sau lũ, lụt nhiều dịch bệnh sẽ xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, da liễu… có thể sẽ xuất hiện trong tuần nữa, bởi đó là thời điểm phát bệnh.
Chính vì vậy, “biện pháp tốt nhất hiện nay là phải vệ sinh môi trường tốt, không để dịch bệnh có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó chủ động giám sát lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên về thức ăn đường phố, không để xảy ra ngộ độc mới bắt đầu đi kiểm tra” - Người đứng đầu Bộ Y tế chỉ đạo.
Chỉ cần alô… 2 tiếng sau là có thuốc
Trong chiều nay, Sở Y tế Hà Nội đã cấp gần 2 tấn Cloramin B, 3 tấn hóa chất xử lý môi trường, 1 tạ phèn chua và 200 lít Permetrin cho các đơn vị để phục vụ công tác xử lý môi trường trong và sau úng ngập.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó giám đốc phụ trách dược của Sở Y tế Hà Nội khẳng định, đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, Y tế dự phòng trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp cứu, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng...
TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế cũng trấn an rằng, hiện trong kho của Bộ Y tế vẫn còn trên 50 tấn Clomin B nên không lo thiếu.
Tuy nhiên “đây là thuốc nên không thể cấp phát mà không có sự giám sát, hướng dẫn sử dụng của nhân viên y tế”. Ông Nga lưu ý.
Lãnh đạo ngành y tế quả quyết, về các loại thuốc, chỉ cần alo là 2 tiếng sau sẽ có đủ.
Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Nguyễn Công Khẩn:
Lưu ý thức ăn đường phố
"Phải đẩy mạnh việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Việc lưu ý các lọai thức ăn đường phố trong lúc này rất quan trọng. Vì nếu lơ là thì đây chính là nguồn lây bệnh nguy cơ cao sau lũ.
Hơn bao giờ hết, Y tế Hà Nội cần khẩn trương tiến hành kiểm tra thức ăn đường phố, tăng cường tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân nâng cao ý thức nhằm phòng, tránh những thực phẩm không sạch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác lấy mẫu ngẫu nhiên tại một số cửa hàng kinh doanh đồ ăn sẵn để giám sát, kiểm tra mức mức độ đảm bảo an toàn.
http://suckhoegiadinh.org theo VTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét