Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

Cậu bé bị bố tiêm HIV vào người

Cho đến nay, vụ án bố tiêm máu nhiễm virus HIV vào người con trai năm 1998 vẫn được coi là một trong những vụ án đặc biệt nhất nước Mỹ. Điều kỳ lạ là cậu bé 11 tháng tuổi ngày nào giờ vẫn sống, mạnh mẽ, và chuẩn bị dự lễ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Brian Steward và Jennifer Jackson sống tại vùng Columbia, bang Illinois (Mỹ) gặp nhau tháng 1/1990, sau đó, bé Brryan Jackson chào đời vào tháng 2/1991. Hạnh phúc của hai người bắt đầu rạn nứt khi Steward nhất quyết chia tay và một mực phủ nhận bé Brryan là con trai mình dù các cuộc kiểm tra đã xác minh Steward chính là cha đẻ của Brryan.

Các nhà chức trách buộc Steward phải gửi cho vợ 267 USD/tháng tiền nuôi con, nhưng người bố này đã không ít lần từ chối thanh toán và âm thầm thực hiện âm mưu tàn độc.

Năm 1992, khi bé Brryan 11 tháng tuổi đang được điều trị hen suyễn trong bệnh viện thì Steward xuất hiện. Bà Jackson yên tâm để lại cậu con trai cho chồng để ra ngoài mua ít đồ ăn.

Không ai ngờ rằng, Steward đã lạnh lùng tiêm vào cơ thể con một mũi tiêm chứa máu nhiễm HIV được ăn cắp từ Bệnh viện St. Louis, nơi Steward làm trợ lý phòng nghiên cứu.

Kể từ thời điểm đó, sức khỏe của Brryan suy giảm liên tục với một loạt các căn bệnh khác nhau xuất hiện. Các biện pháp điều trị dường như không tìm ra được căn nguyên của sự suy giảm sức khỏe này. Cho đến khi sự thật sáng tỏ rằng cậu bé đã nhiễm HIV, các bác sĩ đều sững sờ và đặt dấu hỏi đâu là nguyên nhân khiến bé bị nhiễm loại virus chết người này?

Brryan và em gái. Ảnh: AP

Các nhà chức trách đã vào cuộc, vụ án được đưa ra công luận với cáo buộc giết người có chủ ý dành cho ông bố. Những lập luận và căn cứ khoa học của tòa án buộc Steward phải cúi đầu nhận tội.

“Thật không thể tin được khi ông ta đã tiêm HIV vào cơ thể con mình chỉ để giết đứa bé và tránh phải nộp tiền nuôi con hằng tháng. Ông ta đã sử dụng kiến thức, kỹ năng của mình để làm động lực cho hành vi dã man này” - Thẩm phán Ross Buehler trong vụ xử năm 1998 nhận xét - “Mũi tiêm ấy chỉ mang lại án tù chung thân cho người cha, nhưng lại đem đến án tử hình cho đứa bé”.

Còn bà Jackson vẫn nhớ như in khoảnh khắc năm đó: “Brryan khóc rất to và gào lên khi tôi quay trở lại bởi những triệu chứng cho thấy cháu bé bị sốc phản vệ bởi một nhóm máu không phù hợp. Steward thậm chí còn nói với tôi rằng từ nay tôi không phải lo lắng về tiền nuôi con nữa bởi hắn biết Brryan sẽ không sống được đến 5 tuổi”.

Nhưng cậu bé đã sống sót một cách kỳ diệu.

Suốt 17 năm sống chung với virus HIV, Brryan Jackson không được dự bữa tiệc nào cùng bạn bè và hạn chế tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường. Công việc hằng ngày của cậu bé là uống 23 viên thuốc điều trị HIV và 5 mũi tiêm đặc trị khác thật đúng giờ. Nhưng với một cậu bé đã trưởng thành và sẽ nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông vào ngày 13/6 này, sự thật phũ phàng nhất chính là hành động dã man của người bố đẻ.

“Cháu sắp tốt nghiệp Trường Francis Howell North. Những gì xảy ra thật đáng buồn và đã từng khiến cháu rất đau khổ”, Brryan nói.

“Điều duy nhất cháu muốn làm lúc này là phá bỏ được hàng rào ngăn cách và sự ghẻ lạnh của mọi người với những người nhiễm HIV. Cháu muốn thay đổi cách nghĩ của mọi người và giúp họ hiểu được sự thật về loại virus này”.

Nỗi đau suốt 17 năm qua của bà Jackson có lẽ cũng đã nguôi ngoai dần khi bà có thêm một cô con gái 5 tuổi. Quan trọng nhất là sự thanh thản khi bà nghe được những lời tâm sự của cậu con trai: “Chúa muốn chúng ta luôn có lòng vị tha. Bố cháu đã phạm sai lầm và cháu sẽ tha thứ cho ông ấy. Cháu phải trở thành một người tốt hơn ông ấy”.

Những người bạn của Brryan rất quý mến cậu bé. Cô bạn thân Kendra Sontag, 16 tuổi, luôn dành những lời khen ngợi về người bạn của mình: “Cậu ấy rất hài hước và luôn làm mọi người cười. Cậu ấy luôn xuất hiện đúng lúc để giúp cháu giải quyết các khó khăn. Đôi khi cháu thấy Brryan cũng rất đa tình”.

Dù không ít lần các bậc phụ huynh trực tiếp ngăn cản con cái họ kết bạn với Brryan, nhưng cậu bé vẫn rất mạnh mẽ: “Cháu hiểu điều đó. Nó càng khiến cháu biết rằng mình phải tiến lên, học tiếp đại học và một ngày nào đó làm chính trị”.

Ước mơ đó của Brryan bước đầu đã được nhen lửa thành công khi tổ chức phi lợi nhuận “Hope is Vital” do cậu bé sáng lập nhận được sự hợp tác từ nhiều cá nhân và tổ chức trong chiến dịch truyền thông phòng chống AIDS.

(Theo Gia đình và Xã hội, AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét