Năm ngàn năm trước vua Thần Nông nếm dược thảo, dạy dân dùng thuốc. Có lần một ngày ông nếm bảy loại chất độc, ông lại có thuốc giải.
Ấy là huyền thoại về tổ sư y học phương Đông. Thời nay có thầy thuốc nếm vi trùng, tìm ra cách chữa căn bệnh đeo đuổi con người từ xa xưa. Không chỉ nếm mà nuốt hàng tỉ vi trùng.
Chuyện kể từ đầu là bác sĩ Warren công bố chộp được con vi khuẩn hình xoắn (xoắn khuẩn) từ trong hang vị (phần dưới của bao tử) qua sinh thiết nhiều người bệnh. Có dấu hiệu viêm ở màng lót bao tử cùng với vi khuẩn. Bao đồng nghiệp chế giễu: làm sao mà vi khuẩn có thể tồn tại được trong bao tử với môi trường axít, mà lại còn gây viêm loét. Chàng trai trẻ Marshall vừa tốt nghiệp bác sĩ bị cuốn hút về nghiên cứu lạ thường của Warren. Cả hai bắt tay vào cuộc phiêu lưu, chịu bao búa rìu dư luận. Sinh thiết trên cả trăm người bệnh bị viêm loét bao tử tá tràng. Marshall thấy chính con vi khuẩn chớ không phải stress đã gây ra viêm loét. B.Marshall kể lại bao khó khăn. Nuôi cấy xoắn khuẩn từ năm 1981 không kết quả. Lễ Phục sinh năm 1982, phòng thí nghiệm quá bận rộn, nên không kịp đọc kết quả lẽ ra là vào ngày thứ bảy Phục sinh. Đĩa nuôi cấy không ai rớ tới trọn năm ngày, xoắn khuẩn mọc đầy. Thành công rồi. Hoá ra, sáu tháng toi công vì lúc trước người nuôi cấy là John Pearman chỉ nuôi có 48 giờ rồi vứt bỏ, vi khuẩn không kịp mọc.
Bác sĩ Marshall nuốt vi trùng
Còn phải tạo lại được căn bệnh khi dòng vi khuẩn nuôi cấy thuần khiết được nạp vào cơ thể chủ lành mạnh: quy luật vàng của Koch (người tìm ra vi trùng lao). Marshall và Warren cấy xoắn khuẩn vào heo con không thành công. Hết cách rồi. Marshall phải chịu đựng sự trêu chọc và dè bỉu của cộng đồng y học. Không thể thay đổi giáo điều: viêm loét bao tử là do stress, ăn uống không điều độ, hút thuốc, uống rượu và di truyền. Không còn cách nào khác, chàng trai trẻ quyết định “làm mà không nói”: lấy mình thí nghiệm. Không ăn sáng, uống 400mg cimetidin cho giảm bớt axít trong bao tử. 10h sáng, bụng trống, ông uống ực một hơi hỗn hợp lỏng chứa hàng tỉ xoắn khuẩn từ đĩa nuôi cấy bốn ngày. Liên tiếp ba ngày không thấy triệu chứng gì. Ngày thứ năm đến ngày thứ tám rất muốn ói, cuối cùng phải nôn mửa trong nhà vệ sinh. “Mỗi ngày tôi chỉ ói dịch trong không có axít. Trong những ngày này tôi vẫn làm việc. Đến cuối tuần tôi thấy rất mệt mỏi, ít ngủ. Vợ tôi thấy hơi thở có mùi hôi. Các đồng nghiệp cũng lưu ý như vậy”. Sau 10 ngày, đồng nghiệp làm nội soi cho Marshall. Kết quả xác nhận sự lây nhiễm vi khuẩn. Thí nghiệm thành công, xoắn khuẩn được chứng minh là thủ phạm gây bệnh. Marshall công bố thí nghiệm lịch sử này trên báo y học Australian Medical Journal năm 1984. Giải Nobel sinh lý hoặc y học năm 2005 được trao cho hai bác sĩ người Úc Robin Warren 68 tuổi và Barry Marshall 53 tuổi. Khám phá thật bất ngờ và ngoạn mục: viêm và loét bao tử tá tràng là do Helicobacter pylori – xoắn khuẩn môn vị. B. Marshall tuổi trẻ tò mò nỗ lực không ngừng, tài năng tuyệt vời phối hợp cùng R. Warren kiến thức vững vàng, làm thay đổi tận gốc sự hiểu biết về bệnh viêm loét bao tử tá tràng. Một cuộc cách mạng. Rõ rồi, hơn 90% bệnh loét ở tá tràng và hơn 80% bệnh loét bao tử là do xoắn khuẩn.
Xoắn khuẩn môn vị - Helicobacter pylori, con gì vậy?
Hai mươi năm sau khi ra trường y, năm 1990, tôi chẳng để ý gì đến vi khuẩn này. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp nó là tác nhân gây ung thư loại 1 mạnh chẳng khác nhiều hoá chất gây ung thư trong khói thuốc lá. Tôi choáng váng: vi khuẩn gây ung thư! Tôi mới quen Helicobacter pylori 5 năm trước khi Marshall và Warren nhận giải Nobel. Biết rồi thì tôi mê nó.
Lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Bao tử thì vô trùng. Bao tử chứa chất dịch gồm nhiều loại enzym tiêu hoá và axít nồng độ đậm, nghiền nhừ được thức ăn thật cứng, thật dai hoặc tiêu huỷ bất cứ vi sinh vật nào. Vi khuẩn, virút và miếng bíttết vừa thưởng thức ngày hôm trước đều tiêu tán trong nồi hoá chất này. Vi khuẩn có dạng xoắn sống trong bao tử và tá tràng (phần ruột liền sát bao tử) nên có tên là Helicobacter pylori – xoắn khuẩn môn vị, lại sống thoải mái trong nồi nấu này, như Tề Thiên Đại Thánh trốn trong lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân.
Bao tử tự che chở mình bằng một lớp nhầy phủ kín mặt trong. Xoắn khuẩn chớp lấy thời cơ, vào ẩn núp trong lớp nhầy này. Muốn làm phá lấu bao tử heo thì phải cạo cho sạch lớp nhớt này. Nó liên tục hoá giải môi trường axít bằng ngón nghề riêng. Dùng enzym là urêaz, nó biến chất urê có sẵn trong bao tử thành các baz bicarbonat và ammoniac. Các chất kiềm này toả thành bức màng che an toàn. Chất ammoniac rất độc hại với tế bào lót bao tử. Với các vòi như lông tơ xoắn khuẩn bám vào và đào hang ổ trong màng nhầy.
Cơ thể con người phản ứng bằng cách gửi nhiều bạch cầu, lymphô bào T và các vũ khí chống khuẩn khác, nhưng chẳng làm gì được vì khó vô tới lớp nhầy bao tử. Đáp ứng miễn dịch cứ ngày một tăng thêm. Các chất nuôi dưỡng được tăng cường cho các bạch cầu. Xoắn khuẩn tranh thủ xơi ké – cứ thế mà thành viêm loét bao tử. Không phải xoắn cầu môn vị làm ra viêm loét mà do tình trạng viêm phản ứng của lớp lót mặt trong bao tử gây nên.
Nhiễm suốt đời, gây viêm loét, có thể gây ung thư. Xoắn khuẩn, thường trú trong bao tử khoảng phân nửa số người trên trái đất. Dân ở các nước giàu thì ít bị nhiễm hơn là ở các nước nghèo. Thường mẹ lây sang con từ tuổi ấu thơ, vi khuẩn cư ngụ suốt đời người, gây nhiễm phần dưới của bao tử, gọi là hang vị. Nhiều người nhiễm khuẩn mà không có triệu chứng gì. Tuy nhiên khoảng 10 – 15% thấy đau vùng bụng trên do loét tá tràng - bao tử. Khuẩn xoắn môn vị có thể dẫn tới ung thư. Một số người bị nhiễm cả phần thân của bao tử, lây lan rộng hơn làm tăng nguy cơ loét và ung thư. Có một loại ung thư rất đặc biệt gọi là bệnh lymphôm MALT, ung thư của hệ hạch bạch huyết.
Theo các nghiên cứu mới đây, Helicobacter Pylori đã ẩn trú trong bao tử con người khoảng 58.000 năm trước, tại vùng Đông Phi, nơi được coi là cái nôi của con người hiện đại. Từ đó, con người toả đi khắp nơi trên trái đất. Những người đồng hành lâu đời đã gây khổ con người cho đến khi thầy thuốc trẻ B. Marshall nuốt hàng tỉ xoắn khuẩn thân thiết này.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng
Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét