Đau bụng là triệu chứng rất thường gặp, không có đêm trực nào mà các cơ sở y tế lại không tiếp nhận bệnh nhân đau bụng đến khám.
Rau quả, trái cây là những thực phẩm nên dùng thường xuyên để phòng ngừa đau bụng - Ảnh: Gia Tiến |
Nếu nguyên nhân gây ra đau bụng không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể diễn tiến đến viêm phúc mạc. Biểu hiện của viêm phúc mạc là tứ chứng: đau, nôn, bí (không trung tiện), trướng. Đây là một trường hợp khẩn cấp phải mổ gấp. |
Đôi khi đau được cảm nhận ở bụng nhưng lại do tổn thương của các cơ quan nằm lân cận chứ không phải nằm trong ổ bụng. Ví dụ bệnh lý của đáy phổi, tim, thận, tử cung và buồng trứng cũng có thể gây ra đau ở bụng.
Mặt khác, đau có thể xuất phát từ các cơ quan trong ổ bụng nhưng lại được người bệnh cảm nhận đau bên ngoài ổ bụng. Ví dụ đau do viêm tụy có thể cảm nhận ở lưng. Đây còn gọi là đau quy chiếu, dùng để chỉ đau không có nguồn gốc từ nơi được cảm nhận đau.
Nguyên nhân gây đau bụng
Có thể xếp nguyên nhân gây ra đau bụng thành ba nhóm:
- Đau bụng do viêm, ví dụ viêm ruột thừa, viêm túi mật, viêm đại tràng...
- Đau bụng do căng hoặc giãn của một cơ quan, ví dụ như tắc ruột do u hay do xoắn ruột, tắc đường mật do sỏi, gan sưng do viêm.
- Đau bụng do thiếu máu nuôi, ví dụ như viêm đại tràng thiếu máu, nhồi máu mạc treo ruột...
Phức tạp hơn là đau bụng không do nguyên nhân nào trong ba nhóm nguyên nhân trên, ví dụ như hội chứng ruột kích thích.
Đau bụng được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra đau bụng, người ta dựa vào đặc điểm cơn đau, thăm khám, xét nghiệm và đôi khi cần phải phẫu thuật thăm dò trong những trường hợp khó.
Đặc điểm của cơn đau là rất quan trọng để xác định nguyên nhân gây đau bụng. Người bệnh cần nắm rõ bảy tính chất sau của cơn đau:
- Cách khởi phát: cơn đau xảy ra từ từ hay đột ngột.
- Vị trí đau, ví dụ đau ở vùng bụng dưới bên phải gợi ý viêm ruột thừa, nhưng đau bên trái lại gợi ý viêm túi thừa; đau do bệnh gan mật thường nằm vùng bờ sườn bên phải.
- Kiểu đau: đau quặn từng cơn, đau nhói như bị dao đâm...
- Cường độ cơn đau: đau dữ dội hay đau âm ỉ.
- Thời gian đau, đau xảy ra được bao lâu, thời gian kéo dài của cơn đau (phút, giờ, ngày...).
- Yếu tố làm tăng hay giảm cơn đau, ví dụ đau do viêm như viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm tụy... sẽ nặng lên khi ho, hắt hơi hoặc cử động. Bệnh nhân thường có khuynh hướng nằm yên; hay cơn đau giảm sau khi nôn, sau khi uống thuốc, sau khi ăn, hay đau do giun chui ống mật phải chổng mông lên trời.
- Hướng lan: đau trong nhồi máu cơ tim có thể lan từ vùng ngực trái xuống vùng thượng vị...
- Triệu chứng kết hợp: sốt, tiêu chảy, nôn, tiêu ra máu...
Cường độ cơn đau không phải lúc nào cũng tương ứng với mức độ nguy hiểm của nguyên nhân gây đau bụng. Đau bụng dữ dội có khi chỉ là do bệnh nhẹ như viêm dạ dày, ruột do siêu vi. Đau nhẹ hoặc không đau đôi khi do bệnh nguy hiểm gây ra như ung thư ruột già, viêm ruột thừa giai đoạn sớm.
Nên đi khám bệnh khi nào?
Trong nhiều trường hợp người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà, chỉ đi khám bệnh khi các triệu chứng vẫn còn tồn tại. Nên đi khám bệnh ngay nếu:
Không đi tiêu, đặc biệt khi kèm theo ói.
Nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu (phân có màu đỏ, nâu sẫm hoặc đen như bã cà phê), mùi thối dữ dội.
Đau bụng kèm với đau ở ngực, cổ hoặc vai.
Đau bụng đột ngột như dao đâm.
Bụng cứng như gỗ hoặc sờ đau.
Tại sao khó chẩn đoán nguyên nhân đau bụng?
Có nhiều lý do dẫn đến khó chẩn đoán nguyên nhân đau bụng, đó là:
- Các triệu chứng không điển hình:
Ví dụ, đau của viêm ruột thừa thỉnh thoảng nằm ở bờ sườn phải chứ không nằm ở hố chậu phải. Người già và những bệnh nhân dùng corticoid có thể ít đau hoặc không đau khi bị viêm, ví dụ viêm túi mật hoặc viêm túi thừa. Đó là do corticoid làm giảm hiện tượng viêm.
- Các xét nghiệm không phải luôn chính xác:
Siêu âm có thể bỏ sót sỏi, đặc biệt là sỏi nhỏ. CT Scan có thể không phát hiện ung thư tụy nếu kích thước quá nhỏ. X-quang bụng có thể không phát hiện tắc ruột hoặc thủng dạ dày. Xét nghiệm máu có thể cho kết quả bình thường dù người bệnh đang bị nhiễm trùng hoặc viêm nặng, đặc biệt nếu bệnh nhân đang uống thuốc corticoid.
- Bệnh có thể bắt chước bệnh khác: hội chứng ruột kích thích có thể giả dạng tắc ruột, ung thư, loét, sỏi túi mật và viêm ruột thừa. Nhiễm trùng thận phải dễ nhầm với viêm túi mật cấp. Vỡ u nang buồng trứng phải có thể nhầm viêm ruột thừa.
- Đặc điểm của cơn đau có thể thay đổi, ví dụ viêm tụy có thể lan ra toàn ổ bụng và gây viêm túi mật.
Phòng ngừa đau bụng:
- Phòng ngừa chung:
Ăn những bữa ăn nhỏ và thường xuyên. Đảm bảo bữa ăn cân đối chất dinh dưỡng, giàu chất xơ. Ăn nhiều rau cải và trái cây. Hạn chế thức ăn sinh nhiều hơi. Uống nước đầy đủ mỗi ngày. Tập luyện thể lực thường xuyên.
- Phòng ngừa đau bụng do bệnh lý dạ dày:
Kiêng thuốc lá. Giữ cân nặng hợp lý. Kết thúc bữa ăn 2 giờ trước khi đi ngủ. Sau ăn phải ngồi hoặc đứng ít nhất 30 phút. Ngủ đầu cao.
BS LƯU KÍNH KHƯƠNG - TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét