Ảnh minh họa: Corbis.com. |
Cứ đến cuối tuần là chị Tô Thị Thắng (quận 10, TP HCM) lại thấy lo lắng, mệt mỏi. Chưa bao giờ chị có cảm giác được nghỉ ngơi, thư giãn trong những ngày này.
Người ta thường nói, nghỉ ngơi để giảm stress, nhưng một số phụ nữ lại cảm thấy căng thẳng trong những ngày nghỉ. Thậm chí, kỳ nghỉ càng kéo dài, stress càng nặng nề hơn.
Chị Thanh Loan, nhân viên một công ty nước ngoài tại TP HCM cũng than: "Cả tuần làm việc căng thẳng, cứ ngỡ ngày cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ là cơ hội để giảm stress, ai ngờ lại còn bị nặng hơn. Kỳ nghỉ càng dài tôi càng cảm thấy mệt mỏi và đuối sức".
Sau khi trò chuyện với bác sĩ, chị Thắng mới vỡ lẽ vì sao không bao giờ mình tìm được niềm vui trong các kỳ nghỉ. Bởi mang tiếng là ở nhà, nhưng tâm trí chị vẫn để ở công ty và những công việc sẽ phải thực hiện sau kỳ nghỉ.
Căng thẳng ngày nghỉ của Thanh Loan lại có nguyên nhân khác. Còn trẻ, năng động và chưa vướng bận chuyện gia đình nên Loan quan niệm nghỉ ngơi là phải chơi cho thỏa thích. Loan không bao giờ từ chối bất kỳ cuộc vui nào khi bạn bè mời gọi, thậm chí cô còn là người "chủ xị" cho nhiều chuyến du lịch, dã ngoại... của nhóm. Có điều sảng khoái, thư giãn đâu không thấy, bạn bè chỉ thấy cô luôn than mệt mỏi, uể oải trong những ngày nghỉ.
Kỳ nghỉ Tết vừa rồi, Loan tham gia hai tour du lịch với hai nhóm bạn khác nhau. Sau những ngày mệt nhoài với nhóm bạn thời đại học ở Long Hải, ngày nghỉ còn lại, Loan vi vu sông nước miền Tây với nhóm bạn cùng quê. Trong khi mọi người hào hứng lội mương tát cá rồi kéo nhau đi dạo vườn trái cây thì Loan chỉ mong sao cho chuyến đi kết thúc để được ngủ nghỉ.
Không phải là người năng động như Loan, cũng chẳng phải chịu quá nhiều áp lực công việc như chị Thắng, nhưng chị Lệ Mỹ (quận Phú Nhuận) cũng luôn có cảm giác chán nản, mệt mỏi trong các kỳ nghỉ, nhất là khi nghỉ dài ngày. Chị tâm sự: "Cứ mỗi lần nghỉ lễ, Tết dài là tôi lại rơi vào trạng thái căng thẳng. Tính chuyện đi chơi thì gia đình mỗi người mỗi ý. Cả nhà đều nghỉ nên giờ giấc sinh hoạt cứ đảo lộn tùng phèo. Rồi chuyện ăn uống cho cả nhà... Nghĩ tới đã thấy ngán ngược".
Stress ngày nghỉ không phải là chuyện cá biệt mà đang trở thành vấn đề của rất nhiều người, thuộc mọi ngành nghề, lứa tuổi khác nhau. Khoảng 80% trong số đó thường gặp stress ở những kỳ nghỉ dài ngày vì những lý do hết sức đơn giản. Ví dụ: kỳ vọng quá nhiều vào một kỳ nghỉ ngơi sau thời gian làm việc mệt mỏi; không có kế hoạch sắp xếp hợp lý giữa nghỉ ngơi, vui chơi, việc gia đình, việc cơ quan...; hoặc cố gắng theo đuổi những kế hoạch vui chơi, du lịch... vượt quá khả năng về thời gian, sức khỏe và điều kiện tài chính.
Bác sĩ Phùng Hoàng Đạo ở Bệnh viện Thống Nhất cho biết thêm, nguyên nhân của nỗi buồn chán trong kỳ nghỉ có thể chỉ vì ăn uống nhiều quá, giờ giấc sinh hoạt lại không hợp lý. Việc phải tiếp đón nhiều khách khứa, bạn bè trong những dịp lễ Tết cũng có thể góp phần làm tăng áp lực. Bên cạnh đó, những vấn đề căng thẳng, lo âu nếu không thể gạt bỏ có thể sẽ là nguyên nhân khiến kỳ nghỉ trở nên ảm đạm.
Từng trải qua cảm giác stress ngày nghỉ suốt một thời gian dài, chị Ngô Ngọc Kim - Trưởng bộ phận kinh doanh Công ty Office Work chia sẻ kinh nghiệm vượt stress của mình: Trước những ngày cuối tuần hoặc lễ, tết, chị luôn đặt mục tiêu cho mình mỗi ngày và quyết tâm hoàn tất công việc trước khi nghỉ. Nếu công việc còn tồn đọng, chị chủ động sắp xếp thời gian nhất định cho công việc trong những ngày nghỉ. Điều này không khó, vì chị và các thành viên trong gia đình đã lên kế hoạch nghỉ ngơi cho cả nhà từ trước.
"Tôi nghiệm ra rằng, khi mọi thứ được sắp xếp có kế hoạch, hợp lý với những thứ tự ưu tiên, thì bạn gần như có khả năng 'miễn nhiễm' với stress. Một điều quan trọng nữa, hãy đơn giản hóa mọi thứ, đừng phí phạm thời gian để chiêm nghiệm những nỗi buồn đã qua. Nên tập trung vào những gì đang diễn ra và lên kế hoạch hoàn hảo cho tương lai", chị Kim đúc kết.
Theo các bác sĩ, việc ăn, ngủ không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân của stres ngày nghỉ vì nhịp sinh học cơ thể bị rối loạn, gây ra trạng thái uể oải. Trong những ngày nghỉ, tốt nhất nên từ chối tham gia những hoạt động không cần thiết và không có nhiều hứng thú. Đừng nên cố gắng theo đuổi tất cả hoạt động, chương trình của bạn bè, vì thời gian và sức khỏe của mỗi người đều có hạn.
(Theo Phụ Nữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét