Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Béo phì: chuyện "quốc gia đại sự"

Nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu hằng năm về điều kiện sống của các nước trên thế giới đều xếp quê hương của Andersen vào hạng hạnh phúc nhất. Không rõ có phải vì người dân nơi đây quá sung sướng mà hiện nay bệnh béo phì và thừa cân đang trở thành chuyện "quốc gia đại sự"!

Một trẻ bị béo phì cân trọng lượng của mình - Ảnh: AFP

Đan Mạch vốn có nguồn hải sản dồi dào phong phú nhưng từ khi đạt được những thành tựu kinh tế khả quan cuối thập niên 1980, đưa nước này vào số 10 nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới thì tập quán ẩm thực cũng dần thay đổi.

Người dân uống bia, rượu nhiều hơn, thức ăn nhanh được ưa chuộng, nhất là trong giới trẻ. Nước ngọt có gas, hamburger, pizza và kebab (món thịt nướng Trung Đông, tại Bắc Âu được ăn kèm với bánh mì mềm và xốt trứng), sôcôla... chiếm ưu thế trước thực phẩm truyền thống.

Hậu quả là trong 10 năm qua số người mắc bệnh béo phì tăng lên nhanh chóng: hiện cứ bốn người thì có một người dư cân và 15% trẻ em mắc bệnh béo phì. Và như thành quy luật, khi chủ mắc bệnh béo phì hay thừa cân thì thú nuôi trong nhà như chó, mèo cũng bị y như vậy.

Trước sự thôi thúc của các chuyên gia sức khỏe về việc thực hiện những chương trình cấp quốc gia chống béo phì, chính phủ đã áp dụng một số biện pháp như khuyến khích người dân ăn cá, chất bột, rau xanh nhiều hơn và cho trẻ em ăn nhiều trái cây tươi, tăng thuế đánh trên kẹo, sôcôla, yêu cầu các siêu thị xếp kẹo, sôcôla lên kệ ngoài tầm với của trẻ em...

Nhưng kết quả thu được không đáng kể do trẻ em đều được nhà nước cấp tiền túi hằng tháng nên dễ dàng mua những món khoái khẩu.

Do vậy, chính phủ đưa ra chương trình ”Bữa ăn dinh dưỡng”. Các hội đồng thành phố và thị xã được trích ngân sách để xây dựng các nhà bếp tập thể, cung cấp bữa trưa đúng tiêu chuẩn cho các cháu mẫu giáo và tiểu học bán trú công lập từ 1-1-2010.

Trong năm nay, các hội đồng thành phố và thị xã sẽ được cấp thêm 400 triệu kroner (khoảng 80 triệu USD) để học sinh tất cả các trường mẫu giáo và tiểu học công lập, dân lập trên cả nước đều có bữa ăn dinh dưỡng.

Sáng kiến này thoạt tiên được nhiều người hoan nghênh do cha mẹ sẽ giảm được thời gian lo cơm trưa cho con cái, tiết kiệm tiền bạc, bữa ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nhưng không thừa calori, trẻ em tập thói quen ăn các thức tốt cho sức khỏe...

Với tiêu chí ”sức khỏe trên hết”, phần ăn trưa cho một học sinh 8-10 tuổi thường có một lát bánh mì nâu, quả trứng luộc, ít trứng cá thu hấp, cà rốt, dưa leo, bông cải xanh, đậu hột luộc, thêm quả táo hoặc trái chuối. Tất cả các thức có chứa đường như kẹo, bánh ngọt, kem, thậm chí sữa chua đều bị cấm triệt để.

Nhưng vừa đi vào thực hiện thì các bữa ăn dinh dưỡng này đã gặp sự phản đối quyết liệt của đa số phụ huynh. 67% người gọi đây là một ý tưởng tồi. Lý do là các bữa trưa do bếp tập thể cung cấp nhạt nhẽo, không hợp khẩu vị trẻ hoặc khẩu phần quá nhỏ nên nhiều cháu bị đói. Hậu quả là chúng ăn nhiều hơn mức bình thường khi về đến nhà.

Nhiều người tuy biết các bữa ăn dinh dưỡng về lâu dài sẽ tốt cho trẻ nhưng bất lực trước ý muốn của con cái.

Các đảng đối lập liền nhân cơ hội này kịch liệt chỉ trích chính phủ liên đảng của Thủ tướng Lars Loekke Rasmussen đã đưa ra một chương trình vốn không hiệu quả lại còn gây tốn kém cho công quỹ, như thủ đô Copenhagen đã phải chi tới 17 triệu kroner (3,4 triệu USD) vào việc xây dựng các bếp tập thể.

Trước sức ép của dư luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Karen Ellemann phải tuyên bố tạm ngưng chương trình bữa ăn dinh dưỡng chỉ sau hai tuần.

Các gia đình sẽ được phép lựa chọn giữa giải pháp bữa ăn dinh dưỡng hay tự lo cơm từ nhà.

Có nơi như thành phố Aarhus cắt một phần tiền trợ giá bữa trưa cho các gia đình để đảm bảo các cháu được ăn đủ dinh dưỡng.

Trong khi chính phủ đang lúng túng trước ”quốc nạn” này, Tổ chức Tham vấn trọng lượng của Đan Mạch (DDV) đã đề xuất giải pháp thưởng tiền cho trẻ dưới 15 tuổi mỗi khi giảm được trọng lượng. Mỗi lần một cháu giảm được tối thiểu 500g trọng lượng sẽ được thưởng 70 kroner/tuần, tức mỗi tháng sẽ có thêm 300 kroner (60 USD) tiền túi. Càng sút cân càng được nhiều tiền.

Theo DDV, phương pháp này đã tỏ ra hiệu quả khi được áp dụng tại một số nơi ở Mỹ, Anh và chuyện thưởng tiền cho trẻ giảm cân cũng giống như thưởng tiền khi chúng đạt điểm tốt tại nhà trường.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng gặp phải sự phản đối gay gắt của các chuyên gia tâm lý và y tế.

Theo họ, cách này sẽ không đem lại hiệu quả vì trẻ đã rủng rẻng tiền túi do nhà nước cấp và một số trẻ ham tiền sẽ cố tìm cách giảm cân để lấy tiền chứ không phải vì sức khỏe. Hơn thế nữa, việc giảm cân tùy tiện sẽ có nguy cơ dẫn đến bệnh chán ăn.

Ai bảo người giàu là sung sướng?

TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét