Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Nhìn lại những xìcăngđan hàng Trung Quốc




Người tiêu dùng Việt Nam hẳn chưa quên xìcăngđan về “sudan”, một chất nhuộm công nghiệp được chứng minh gây ung thư cho chuột và thỏ nên bị cấm nghiêm ngặt sử dụng trong thực phẩm. Mặc dù vậy, không ít nhà sản xuất Trung Quốc vẫn sử dụng sudan trong chế biến nhiều loại thực phẩm.

Ngoài việc trộn vào thức ăn gia cầm để tạo màu đỏ cho lòng đỏ trứng công nghiệp (như từng phát hiện hồi năm 2006 ở Hong Kong, Bắc Kinh và một số thành phố lớn khác của Trung Quốc) người ta còn dùng sudan trong pha chế bột ớt hay các loại gia vị có chất cay như tương ớt và thức ăn chế biến sẵn, mà rất nhiều loại trong số đó đã có mặt tại khắp các tỉnh thành nước ta.

Sản phẩm son môi của Trung Quốc

Ngoài ra, hồi tháng 2-2007, Tổng cục Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (GAQSIQ) cho biết đã phát hiện chất sudan có trong các sản phẩm son môi được sản xuất bởi hai doanh nghiệp ở thành phố Sán Đầu, thuộc tỉnh Quảng Đông giáp với Việt Nam.

Mới đây, độ an toàn của hàng hóa Trung Quốc lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi hàng loạt sản phẩm sữa của họ bị phát hiện nhiễm melamine, một loại hóa chất vốn chỉ dùng cho việc sản xuất chất dẻo và phân bón. Bê bối mới nhất đã khiến một số người bị bắt, vài quan chức bị sa thải và hàng hóa của nước này bị nhiều đối tác thương mại cấm nhập hoặc thắt chặt kiểm tra.

Trong khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu Chính phủ Trung Quốc sẽ coi cuộc khủng hoảng sữa nhiễm độc là dịp để xem xét lại hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm.

Theo hãng tin Reuters, đây không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách trấn an dư luận quốc tế rằng Trung Quốc đang triệt tiêu các sản phẩm không an toàn. Bởi năm ngoái, Trung Quốc cũng đã từng phát động một chiến dịch về chất lượng sau khi một loạt sản phẩm xuất khẩu của họ như đồ chơi, thuốc đánh răng, dược liệu và thực phẩm bị phát hiện có chứa những hóa chất độc hại.

Kem đánh răng gây chết người

Tháng 5-2007, Bộ Y tế Panama ra lệnh thu hồi hai loại kem đánh răng xuất xứ từ Trung Quốc mang nhãn hiệu Excel và Mr. Cool vì đã gây tử vong cho 51 người, do có chứa chất diethylene glycol (DEG) cao gấp 50 lần hàm lượng an toàn cho phép. Đây là loại hóa chất cực kỳ độc hại, có sức hút ẩm rất nhanh và mạnh nên thường gây bỏng trên da nếu không may dính phải.

Cả hai sản phẩm đều do Công ty Hóa chất gia dụng thành phố Đan Dương và Công ty Thương mại Quốc tế Tín dụng vàng của Trung Quốc sản xuất. Diethylene glycol được sử dụng để tạo cho kem đánh răng có độ mịn và đông sánh hơn.

Ngày 1-6-2007, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ra thông báo phát hiện thêm 13 loại kem đánh răng xuất xứ từ Trung Quốc có chứa diethylene glycol và khuyến cáo người tiêu dùng tránh sử dụng kem đánh răng sản xuất tại nước này.

Trẻ em nhập viện vì đồ chơi

Đồ chơi Mattel sản xuất ở Trung Quốc cũng chứa hóa chất độc hại

Cuối tháng 11-2007, chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu loại đồ chơi hạt cườm mang nhãn hiệu Aqua Dots và Bindeez được sản xuất tại Nhà máy Wangqi ở thành phố Thâm Quyến, đồng thời thừa nhận sơn sử dụng trong các loại đồ chơi này chứa quá nhiều chì, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.

Quyết định của chính quyền Bắc Kinh được đưa ra sau khi hàng triệu bộ đồ chơi Trung Quốc bị thu hồi ở một loạt quốc gia như Anh, Malaysia, Singapore..., sau vụ một số trẻ em ngã bệnh vì nuốt các hạt đồ chơi, trong đó có chín trẻ em tại Mỹ và ba em khác ở Úc.

Tại Mỹ, tập đoàn đồ chơi lớn nhất thế giới là Mattel thông báo thu hồi tổng cộng 83 dòng sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, tất cả đều là những mặt hàng bán rất chạy, được trẻ em nhiều nước ưa chuộng như búp bê các nhân vật hoạt hình Elmo, Big Bird hay Dora...

Trong năm 2006, EU đã cho tịch thu 900 món đồ chơi, hàng mỹ phẩm và hàng điện tử được sản xuất ở Trung Quốc; còn trong năm 2007 thì một nửa trong số 43 món hàng bị EU tịch thu đều đến từ Trung Quốc.

Được biết Trung Quốc hiện sản xuất 80% số đồ chơi trên thế giới.

Hoành thánh có… thuốc trừ sâu

Tháng 1-2008, báo chí Nhật loan tin có ít nhất 10 người ở thành phố Hyogo và Chiba đã ngã bệnh sau khi ăn hoành thánh đông lạnh do nhà máy thực phẩm Tianyang ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) sản xuất và bày bán trong các cửa hàng Nhật. Các xét nghiệm ban đầu kết luận hoành thánh bị nhiễm thuốc trừ sâu methamidophos.

Ngày 5-2, cảnh sát Hyogo và Chiba thành lập ban điều tra và toàn bộ hoành thánh nhập từ Trung Quốc bị thu hồi. Một cuộc xét nghiệm bổ sung cho thấy không chỉ có methamidophos mà còn thêm hai loại thuốc trừ sâu khác là dichlorvos và parathion hiện diện trong hoành thánh. Kết quả xét nghiệm này đã được trao cho Bộ Công an Trung Quốc (MPS) vào cuối tháng 2.

Ngày 7-8, hãng tin Nhật Kyodo đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc thừa nhận hoành thánh của hãng Tianyang cũng từng gây ngộ độc ở Trung Quốc hồi giữa tháng 6. Trung Quốc đã thông báo với Nhật chuyện này trước ngày hội nghị cấp cao G8 tại Nhật khai mạc hồi đầu tháng 7 và yêu cầu Chính phủ Nhật khoan công bố vì “cuộc điều tra đang tiến hành chưa có kết quả chung cuộc”. Nhật đồng ý chưa vội tiết lộ thông tin theo yêu cầu của Trung Quốc và Thủ tướng Nhật đã bị dư luận trong nước chỉ trích kịch liệt sau khi vụ việc cuối cùng cũng được đưa ra công khai.

Sữa nhiễm melamine gây sạn thận

Thu hồi những sản phẩm có chứa sữa ở các siêu thị ở thành phố Hợp Phì, An Huy

Theo nhật báo Trung Quốc Beijing News thì vụ sữa nhiễm độc đã được cảnh báo từ hồi tháng 12-2007, khi một số khách hàng khiếu nại sữa bột của Công ty Sanlu (do Công ty Fonterra của New Zealand sở hữu 43% cổ phần) gây bệnh cho trẻ em. Nhưng đến tháng 6-2008 Sanlu mới tiến hành những kiểm tra đầu tiên trên sản phẩm sữa bột của mình và phát hiện ra chất melamine.

Đây là một loại hóa chất màu trắng, không mùi vị, có hàm lượng nitơ cao và đã được cho thêm vào sữa nhằm tăng ảo lượng đạm của những loại sữa kém chất lượng, bởi các cuộc kiểm tra lượng đạm đều dựa vào việc đo đếm thành phần nitơ trong sữa.

Sự kiện này tiếp tục được bưng bít cho đến 2-8, tức là ngày chính quyền thành phố Thạch Gia Trang nơi Sanlu đặt nhà máy sản xuất, nhận được báo cáo. Tuy nhiên những thông tin trên lại không được phổ biến trên phạm vi cả nước và không có một biện pháp nào đưa ra để ngăn chặn hiện tượng sữa nhiễm melamine. Phải đến ngày 11/9, lệnh thu hồi sản phẩm mới được công bố, sau khi Đại sứ New Zeleand ở Trung Quốc chính thức thông báo với giới chức tại Bắc Kinh về vụ việc.

Cuộc khủng hoảng lan rộng khi Bộ Y tế Trung Quốc cho hay số trẻ em bị ốm do dùng sữa nhiễm độc đã tăng tới khoảng 53.000, trong đó có gần 13 ngàn em đang điều trị tại bệnh viện và hơn 100 bé trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 25-9, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới cùng ra tuyên bố chung đánh giá cuộc khủng hoảng sữa nhiễm độc này là “thật tồi tệ” và hành vi lường gạt trong sản xuất thực phẩm là “không thể chấp nhận được”, đặc biệt khi nó nhằm vào đối tượng tiêu dùng là trẻ nhỏ.

Điều đáng nói, đây không phải là xìcăngđan sữa trẻ em đầu tiên. Hồi năm 2004, ít nhất 13 em đã tử vong và hơn 200 bé bị suy dinh dưỡng do uống sữa kém phẩm chất. Sau khi vụ việc xảy ra, nhà chức trách tỉnh An Huy ở miền Bắc Trung Quốc đã tiến hành điều tra và phát hiện có đến 141 nhà máy tại một số tỉnh như Hắc Long Giang, Triết Giang, Quảng Đông, Hà Bắc, Hồ Bắc, Giang Tây… đã sản xuất loại sữa không có giá trị dinh dưỡng.

Tin tức về sữa nhiễm melamine vừa qua đã lập tức hình thành một làn sóng e ngại hàng Trung Quốc trên toàn cầu. Tính đến ngày 25-9, đã có khoảng 25 nước trên thế giới ban hành lệnh cấm nhập khẩu, thu hồi và đưa ra những khuyến cáo về mối đe dọa từ sữa và các sản phẩm có chứa sữa của Trung Quốc.

Xìcăngđan “sữa bẩn” không chỉ khiến hàng chục ngàn trẻ em phải nhập viện với những quả thận có sỏi, mà còn cắt đứt nguồn thu nhập chính của hàng triệu nông dân Trung Quốc, những người không may bị vạ lây trong vụ bê bối này. Ngành công nghiệp sữa Trung Quốc lập tức lâm vào cảnh lao đao và nông dân chăn nuôi bò gánh chịu thiệt hại nặng nề khi sữa thu hoạch không tiêu thụ được.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Trung Quốc phải xây dựng trở lại lòng tin với người tiêu dùng để cứu vãn ngành công nghiệp sữa trong nước nói riêng và hàng hóa “made in China” nói chung.

Đây được xem là mặt trái của sự phát triển kinh tế quá nhanh ở đất nước đông dân nhất thế giới, trong khi các mô thức quản trị xã hội vẫn còn nhiều bất cập.

Blog suc khoe theo DNSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét