Nửa đêm, một bé trai sơ sinh vào Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cấp cứu trong tình trạng tím tái toàn thân, nguy cơ ngưng thở bất cứ lúc nào. Các bác sĩ cấp cứu kiểu gì cũng không ăn thua. 9h tối ngày 10/12, anh Nam, bố cháu Dũng (1 tháng rưỡi tuổi, ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) thấy con sau khi ngủ dậy khóc rất lạ. Đến 10h thì cháu bắt đầu tím tái mặt mày, thở hắt ra, gia đình vội đưa cháu vào Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Vào đến viện, bé đã suy tim, suy hô hấp nặng, toàn thân nổi vân tím tái, nguy cơ ngừng thở. Tim đập nhanh, 200 lần một phút (trẻ ở độ tuổi này bình thường từ 110 đến 120 lần), độ bão hòa ôxy thấp chỉ đạt 75% (bình thường phải 95%). 11-12h đêm mà y tá vẫn không thể lấy được ven.
Sau đó cháu ngừng thở. Các bác sĩ tiến hành bóp bóng, cho kháng sinh trợ tim nhưng tim bé vẫn suy đến mức phải cho thở máy, mà cháu vẫn tím tái, khó thở. Trong lúc nguy cấp, các bác sĩ cũng không rõ nguyên nhân nào khiến cho việc cấp cứu không có tác dụng.
Đến khi siêu âm cấp cứu ngay tại giường, bác sĩ phát hiện cháu bé bị hẹp động mạch chủ, một đoạn tương đối dài và nặng, chênh áp lực giữa trước và sau chỗ hẹp là rất lớn. Biện pháp tình thế lúc này là phải tiến hành hồi sức, giữ tính mạng cho cháu, đợi kết quả hội chẩn giữa các bác sĩ Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai và Viện tim mạch Quốc gia.
Không bác sĩ nào dám mổ vì sợ cháu có thể tử vong ngay trên bàn phẫu thuật, bởi bệnh nhi còn quá nhỏ, lại đang trong tình trạng cấp cứu, thở bằng máy. Ngay cả giải pháp nong động mạch các bác sĩ cũng tỏ ra rất ngại, vì nguy cơ tử vong cũng lớn, đoạn hẹp động mạch lại tương đối dài. Tuy nhiên nếu không can thiệp ngay thì cháu cũng khó mà qua khỏi.
Cuối cùng, sau 6 ngày thở bằng máy, các bác sĩ quyết định chuyển cháu sang Viện Tim quốc gia, và nong động mạch cho cháu trong tình trạng cấp cứu, dù khả năng thành công chỉ là 50%. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chịu trách nhiệm hồi sức cho cháu trước và sau can thiệp, còn lại là nhiệm vụ của các bác sĩ Viện tim mạch Quốc gia.
Anh Nam bố cháu kể lại: "Đêm trước khi bác sĩ tiến hành can thiệp cho con, vợ tôi khóc sướt mướt suốt, tôi thì chỉ ngồi khóc nhưng cố nuốt nước mắt vào trong".
Ca can thiệp tiến hành ngày 16/12 đã thành công, chỗ hẹp được giãn ra từ 3 mm lên 5 mm, lưu thông máu tốt. Sau đó cháu được tiếp tục thở máy 8 ngày nữa. Đến hôm nay cháu đã được rút máy thở, sức khỏe phục hồi tương đối tốt, khoảng 1 tuần nữa là có thể xuất viện.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nhận định: "Đây là một ca bệnh rất đặc biệt. Các bác sĩ phải tiến hành nong động mạch trong tình trạng cháu vẫn đang được cấp cứu. Việc chuyển cháu sang Viện Tim mạch cũng phải rất cẩn thận, không thể mang máy thở theo nên vừa đi vừa phải bơm bóng".
Viện Tim mạch Quốc gia cho biết đây là lần đầu tiên Viện tiến hành can thiệp cấp cứu cho một trẻ quá bé, hẹp một đoạn dài lại đang trong tình trạng thở máy, cơ hội thành công lại thấp.
Nam Phương - theo Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét