Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2008

Đọc tin sức khỏe để giúp... thầy thuốc




Hiện nay nhiều tờ báo, nhiều trang web, blog có mục chuyên tư vấn sức khỏe, bệnh tật. Đây là điều hữu ích cho nhiều người. Tuy nhiên, có vài điểm xin làm rõ để các bạn có thể sử dụng hiệu quả nhất thông tin thu thập được.

Không một bác sĩ nào có thể chỉ cần nghe qua điện thoại mà chẩn đoán đúng bệnh
Thông thường khi bác sĩ viết về một loại bệnh nào đó, nhiều người sau khi đọc xong cảm thấy mình cũng bị tương tự và tự chẩn đoán mình mắc bệnh đó. Một số người đi khám, một số người viết thư hay gọi điện thoại để xin toa thuốc uống, hoặc đòi được điều trị theo phương pháp đã nêu. Thật ra có rất nhiều bệnh nhưng triệu chứng gần giống như nhau. Để chẩn đoán được một bệnh các bác sĩ phải hiểu rõ cơn bệnh và nắm vững đặc tính của triệu chứng bệnh.

Lấy ví dụ cũng là cơn đau của bệnh nhân kể lại nhưng khi khám bác sĩ thường hỏi rất nhiều thứ mà đôi khi bệnh nhân hay cho là bác sĩ nhiều chuyện, chẳng hạn cơn đau khởi phát thế nào, kiểu đau ra sao, cách tự làm giảm đau, thời gian đau, các triệu chứng đi kèm khác mà đôi khi bệnh nhân cho là không quan trọng, thời điểm đau... Sau đó là quá trình khám kỹ lưỡng người bệnh xem những gì bệnh nhân khai có khớp với điều mình thấy hay không. Cuối cùng khi trong đầu đã có ý niệm về bệnh tật của bệnh nhân, bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán và khi có chẩn đoán mới có phương án điều trị.

Quy trình này từ 1.000 năm trước và có lẽ đến 1.000 năm sau vẫn tồn tại. Nói điều này để thấy việc chẩn đoán đúng bệnh cần sự tiếp xúc giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Không bác sĩ nào có thể chỉ cần nghe qua điện thoại mà chẩn đoán đúng bệnh và càng không thể nghe theo chẩn đoán của bệnh nhân để cho thuốc cả.

Một bệnh nhiều cách chữa

Vậy thông tin trên mạng hay trên báo để làm gì? Điều đầu tiên là để chúng ta hiểu rõ bệnh của mình khi bác sĩ giải thích. Điều thứ hai là khi hiểu bệnh thì có thể tự mình chú ý các triệu chứng khác nhằm cung cấp cho bác sĩ thông tin tốt hơn phục vụ việc điều trị, tự xem diễn biến của mình và thông báo kịp thời cho bác sĩ. Như vậy kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Mặt khác, thông tin trên mạng hay báo cho phép chúng ta biết bệnh của mình có bao nhiêu phương pháp điều trị có thể chọn lựa, những nơi có thể làm được…

Ngoài ra chúng ta biết rằng một bệnh có thể có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc giai đoạn bệnh, chi phí điều trị, niềm tin của bác sĩ vào phương pháp đó cũng như điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của bệnh nhân. Rất khó có một phương pháp hiệu quả cho một loại bệnh từ đầu đến cuối mà đôi khi phải phối hợp nhiều phương pháp.

Cũng không có phương pháp nào mà chỉ một bác sĩ có thể làm được, còn bác sĩ khác không làm được. Do vậy, khi các bài báo trình bày một bệnh và các phương pháp điều trị được cho là mới thì bệnh nhân vẫn thảo luận với bác sĩ về mặt lợi và hại của phương pháp đó. Cần hiểu rõ các biến chứng của phương pháp điều trị mà bác sĩ sẽ áp dụng cho mình, vì không có phương pháp nào không có biến chứng, kể cả việc uống thuốc bổ.

Vấn đề còn lại là sự cân nhắc giữa lợi và hại, cái nào lớn hơn. Nếu biết trước các biến chứng có thể xảy ra, chúng ta sẽ cùng bác sĩ phòng tránh nhằm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do nó gây ra. Như vậy là tốt hơn rất nhiều khi không biết.

Tóm lại việc lấy thông tin từ truyền thông cho phép người dân hiểu rõ hơn bệnh tật của mình, phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình phòng ngừa và điều trị. Tránh thái độ hoặc quá thờ ơ hay quá lo lắng về bệnh tật. Có thể tìm đến những cơ sở y tế có thể điều trị được bệnh của mình, tránh việc tới lui nhiều nơi mà bệnh không bớt.

Suckhoegiadinh.org theo nguồn Tuoitre.com.vn - tác giả: BS TĂNG HÀ NAM ANH


Quảng cáo:



My World Visitor Profile Map

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét