Những tháng cuối năm, các bệnh ở TP.HCM vốn đã quá tải, lại càng thêm “đông đúc” bởi bệnh nhân khắp nơi đổ về và đây cũng chính là “mùa làm ăn” mạnh nhất của cánh… đạo chích tại bệnh viện!
Từ “siêu trộm”…
Tới Bệnh viện (BV) Nhi đồng I khám bệnh, chị Thảo (quê Bình Định) đã bị rạch túi lấy mất 5 triệu đồng dù đã được “cảnh giác” của bảo vệ và những tờ thông báo “đề phòng kẻ gian” dán tại các khu khám bệnh. Chị thất thần, kinh ngạc vì không biết bọn trộm ra tay lúc nào khi mà chị chỉ mới loanh quanh trong BV được ít phút.
Cũng tại đây, chị Huyền (quê Đắk Nông) đưa con đi khám bệnh hô hấp. Trong lúc đang chen lấn vào lấy sổ khám bệnh đến khi quay ra để đến phòng khám thì đã bị kẻ gian móc mất 5 triệu đồng. Tá hỏa, chị trình báo lực lượng bảo vệ tại đây và cùng lực lượng này điểm mặt những kẻ “khả nghi” vừa đứng gần chị, nhưng “giữa biển người tìm đâu tăm cá”. Cuối cùng, chị đành gọi điện cho chồng xin nghỉ việc cơ quan mang tiền lên cho. Trước đó ngày 18/7, chị Dung ở Q. Tân Bình, TP.HCM vừa mới đặt chân vào thăm đứa cháu nằm ở khoa Sốt xuất huyết của BV. Ngồi được một lúc, chị nhờ người em trông đồ rồi ra ngoài nghe điện thoại. Lợi dụng lúc người em mải trông cháu, đạo chích đã nhanh tay cuổm mất túi xách bên trong có một thẻ ATM và số tiền khá lớn chuẩn bị truớc, để khám chữa bệnh cho con và sinh hoạt dài ngày tại BV.
Hầu hết các BV đều có bảng thông báo “đề phòng kẻ gian” để cảnh giác cho người đi khám bệnh.
Bảo vệ tại đây đã bắt quả tang hàng chục vụ giao cho công an xử lý nhưng cũng không ăn thua, kẻ gian vẫn cứ tiếp tục lộng hành. Tình trạng trộm “nhanh tay nhanh mắt” móc túi, rạch giỏ không phải chỉ riêng ở một BV nào mà hầu hết các BV lớn tại TP.HCM đều không tránh khỏi. Trong số đó, BV. Chợ Rẫy luôn được coi là “điểm nóng” về an ninh trật tự và nạn trộm cắp, mặc dù đây là BV có lực lượng bảo vệ đông đảo, lên tới 48 người, và phải “căng mắt”, tích cực làm việc ngày đêm. Tại đây, ngày 16/11, chị Ngọc Như (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đưa chồng lên phẫu thuật ngoại lồng ngực, bị đạo chích là một phụ nữ “viếng thăm” lừa lấy 3 triệu đồng và chiếc điện thoại di động. Theo chị Như, khoảng 6 giờ chiều, khi chị đang nằm thiu thiu ở ghế đá trong BV thì bất chợt có một phụ nữ cầm bao nhặt rác đi qua và hỏi han chị vài câu. Chỉ ít phút sau tỉnh dậy, giỏ xách của chị đã bị rạch một đường dài. Cuống cuồng, chị trình báo và cầu cứu bảo vệ nhưng… vô vọng, kẻ gian đã biến mất tự lúc nào.
Không chỉ nhắm vào bệnh nhân và thân nhân của họ, ngay cả BS và nhân viên BV cũng… không thoát khỏi tay bọn đạo chích. Có bác sĩ mất điện thoại di động ngay trong phòng khám bệnh. Những ngày đầu tháng 11, mấy nhân viên, BS trực ca đêm tại Khoa xét nghiệm BV. Nhân dân Gia Định cũng bị “cuỗm” hết đồ đạc, điện thoại và có nguời còn mất cả số tiền lương vừa mới lĩnh ngay trong phòng thay đồ nhân viên. BS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc BV cho biết, do vụ việc xảy ra ban đêm, sáng hôm sau mới trình báo công an nên không giải quyết được gì, biên bản cũng không lập (?) nên không thể nói rõ là mấy người mất và giá trị tài sản là bao nhiêu. Các nhân viên ở đây cho rằng, kẻ trộm đã đột nhập vào theo lỗ hổng trên tường khi BV tháo máy lạnh ra mà chưa kịp bít lại. Tuy nhiên, theo BS Dũng, phía công an cũng không xác định kẻ trộm đã vào phòng bằng cách nào nên BV không thể khẳng định như lời nhân viên.
... đến “siêu lừa”!
Không dừng lại ở việc trộm, tại các BV còn xuất hiện những “siêu lừa” với những chiêu thức vừa táo tợn vừa tinh quái. Anh Nguyễn Văn Dũng, lái xe của BV. Răng Hàm Mặt TƯ cho biết, có một nhóm gồm cả phụ nữ, thanh niên chuyên đi lừa gạt tại các BV khu vực Q.5, nhất là tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, nơi có 3 BV lớn đóng gần nhau là Chợ Rẫy, Răng Hàm Mặt TƯ và Đại học Y Dược (cơ sở 2). Nhóm này thường giả danh người bệnh hoặc người thân của các BS trong BV để lừa gạt những người nhẹ dạ, đang lo lắng cho người nhà tại phòng mổ, khoa cấp cứu… và đối tượng chúng nhắm đến thường là những người dân tỉnh.
Tại cổng BV. Chợ Rẫy, ngày 17/11, bà Trần Thị D. (quê Vĩnh Long) đưa con lên BV chữa bệnh tim bẩm sinh đến nhờ đội bảo vệ giúp vì bị một người đàn ông giả xe ôm lừa tiền. Tên này sau một hồi trò chuyện thân mật, liền giới thiệu với bà D. có một BS trị bệnh rất giỏi, nếu cần giúp thì chở đi gặp. Tin tưởng, bà D. đồng ý và ngồi sau xe cho tên này chở đến chung cư Lạc Long Quân, Q.10. Đến nơi bà được yêu cầu đưa 500.000 đồng để BS hẹn thăm khám. Tuy nhiên, lên chung cư xong là người này đã chuồn mất, bà D. thì đứng đợi cả buổi không thấy mới biết mình bị lừa.
Một chiêu lừa khác tại BV. Hoàn Mỹ, Q.3, BV. Nguyễn Trãi, Q.5… được các bệnh nhân và thân nhân kể lại là: tại đây, thỉnh thoảng họ thấy xuất hiện 2 phụ nữ, một ăn mặc sang trọng và một rách rưới. Họ thường lui tới ở khu vực khám bệnh đông người, sau đó người phụ nữ rách rưới lân la xin tiền những người ở đây, van xin “rủ lòng thương với kẻ đang mang căn bệnh hiểm nghèo”. Như một kịch bản đã soạn trước, người phụ nữ sang trọng kia liền rút 50.000 đồng ra “biếu” và không quên… đế thêm những lời trắc ẩn kiểu như “lá lành đùm lá rách”, “cứu người thì trời cứu mình”. Chiêu bài trên được lặp đi lặp lại ở các BV. Có người thương tình liền rút tiền ra cho. Cũng có khi không được đồng nào, người này liền chen lấn trong đám đông rồi ra tay móc túi.
Anh Huỳnh Văn Quý, Đội trưởng đội bảo vệ BV. Nhân dân Gia Định cho biết, một thủ đoạn trắng trợn và tinh vi hơn của bọn lừa đảo ở BV này. Đó là những tên ăn mặc rất lịch sự, sang trọng, tay và cổ còn đeo vàng, sách cặp… nói chung là cho “ra dáng” giàu có, tử tế. Tuy nhiên, các đối tượng này khi theo dõi và xác định con mồi (cũng thường không phải người dân ở TP.HCM) có tiền thì chặn họ ở cầu thang, chỗ vắng người và sừng sộ nói có người nhìn thấy họ nhặt được tiền mình đánh rơi. “Khi “con mồi” cố thanh minh, từ chối thì chúng yêu cầu kiểm tra tiền, nếu ai đã dại mà đưa cho chúng kiểm tra thì chắc chắn là bị “phù phép”, không mất bảy thì cũng mất đến ba phần”, anh Quý nói.
Nỗi lo thường trực
Anh Trần Thanh Dũng, Đội trưởng đội bảo vệ BV. Chợ Rẫy cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, đội này đã bắt quả tang 54 vụ trộm cắp tài sản của người bệnh; Phát hiện vào BV vi phạm nội quy gần 200 vụ, chuyển công an phường 12, quận 5 xử lý 55 vụ; Thu hồi và trả lại cho bệnh nhân 15 chiếc điện thoại di động và 5 xe gắn máy cùng 2 chỉ vàng. Nhưng theo anh Dũng, đó là con số rất nhỏ so với thực tế các vụ trộm cắp xảy ra. Anh Dũng lý giải: hầu hết các BV đều có lực lượng mỏng, lại không có phương tiện hỗ trợ (như camera theo dõi) nên rất khó khăn khi kiểm soát mọi vấn đề an ninh, trật tự xung quanh và trong BV. Bọn gian cũng thường di chuyển từ BV này qua BV khác để tránh bị “quen mặt”.
Tại các BV thường chỉ có 10-20 bảo vệ, trong khi BV lại quá đông người, quá nhiều khu. Nhất là vào ban đêm, thời điểm bọn trộm hay chọn hoạt động thì ca trực tại các BV, đông nhất cũng chưa đầy chục người. Anh Nguyễn Thanh, bảo vệ BV. Bình Dân cho biết, lực lượng này còn làm nhiều việc khác chứ không thể “chăm chăm” đeo bám đối tượng nghi vấn. Vì vậy, người bệnh luôn cảnh giác cao độ là điều tốt nhất để bảo vệ mình và tài sản. Theo bảo vệ này thì hầu hết người bệnh và người nuôi bệnh đều từ các tỉnh lên, vì thật thà cả tin nên dễ bị lừa. Đây cũng là đối tượng mà kẻ gian hay nhắm tới. Trong khi đó, bọn trộm ngày càng tinh vi và táo tợn. Ngoài các chiêu thức như đã kể trên, kẻ gian còn giả người thăm bệnh đi dạo quanh các phòng dịch vụ để trộm, khi thì giả nhân viên BV lừa gạt. Ngoài những thứ giá trị như: xe máy, tiền, vàng, điện thoại di động… đến nón bảo hiểm, dép bọn đạo chích cũng “tiện tay” mang đi. Nạn trộm cắp, lừa gạt vốn đã xảy ra từ lâu, lộng hành tại các BV thì những dịp lễ, Tết lại càng đáng lo ngại.
Tuân Nguyễn Tiến - SKĐS
Quảng cáo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét