Cứ văng vẳng bên tai tiếng một phụ nữ yêu cầu phải chặt tay vì cánh tay này quá vô dụng, chẳng giúp ích gì được cho đời, Hưng, 21 tuổi, sinh viên ĐH Hàng Không TP HCM đã chặt đứt bàn tay của mình.
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM, sinh viên này được nối liền bàn tay bằng phương pháp tạo hình vi phẫu, tuy nhiên tiếng nói kỳ quặc vẫn cứ vang lên.
Bố bệnh nhân cho biết, cách đây 6 tháng, con ông có hành động bất thường và được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng nhưng vẫn không thuyên giảm. Tuy nhiên, ngoài chứng nghe ảo thanh, sinh viên này hoàn toàn bình thường nên tiếp tục được gia đình cho đi học, cho đến khi sự việc xảy ra.
Tâm sự với bác sĩ khoa Vi phẫu - Tạo hình, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, TP HCM sau khi được nối liền bàn tay, bệnh nhân cho biết, giọng nói cứ quanh đi quẩn lại bên tai từ mấy tháng nay. “Nhiều lần người ấy muốn em chặt tay vì “nó vô dụng”, nhưng mãi đến ngày 27/11 thì em mới ra tay”, bệnh nhân nói.
Bệnh nhân sau khi được nối liền bàn tay. Ảnh: Thiên Chương.
Dụng cụ mà sinh viên này dùng để chặt tay là con dao lớn. “Em biết rõ làm như vậy là đau nhưng không hiểu sao em cứ nghe theo mệnh lệnh. Trong nhát chặt thứ nhất, cánh tay chưa thể đứt rời, tiếng nói ấy lại vang lên thúc giục. Và phải đến nhát thứ 3, em mới có thể chặt lìa bàn tay”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn An, người nối liền bàn tay cho bệnh nhân, việc nối bàn tay cho người tâm thần thường chỉ được thực hiện khi gia đình tha thiết yêu cầu, bởi các bác sĩ lo ngại tiếng nói kia sẽ khiến bệnh nhân tiếp tục giựt đứt bàn tay.
Sau 10 ngày phẫu thuật, hiện vết thương ở tay của bệnh nhân đã ổn, tuy nhiên, những lúc tỉnh táo, anh này cho biết vẫn còn nghe tiếng nói xúi giục trước kia. Gia đình buộc phải thuê người giúp việc trông nom bệnh nhân cả ngày đêm.
Trường hợp thứ hai xảy với một bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương khu vực 2 ( tức Bệnh viện tâm thần Biên Hòa), Đồng Nai. Trong giây phút tỉnh táo hiếm hoi, bệnh nhân cho biết, lúc nào cũng nghe thấy lời sai bảo.
“Đầu tiên, người ấy xúi giục tôi trốn khỏi bệnh viện để về nhà, sau đó giọng nói buộc tôi dùng dao đâm vào mắt. Tôi nghe theo nhưng chưa kịp hành động thì người ấy lại bảo tôi phải chặt ngón tay”, bệnh nhân nói. Hậu quả, bệnh nhân nhập viện với một ngón tay bị đứt lìa.
Một trường hợp khác xảy ra ở Bình Dương, bệnh nhân là một phụ nữ, mắc bệnh tâm thần trong hai năm và cũng thường xuyên nghe thấy những câu nói vang lên trong tai với nội dung ra lệnh hành động.
Người nhà cho biết, thi thoảng họ thấy chị này cũng tự dùng dao lam cắt vào da rồi la lối. Đặc biệt có lần chị này dùng lưỡi dao nướng trên lửa rồi tự cắt lưỡi mình, may mắn gia đình phát hiện kịp. Tuy nhiên, không lâu sau đó, khi ở nhà một mình, chị này đã chặt một ngón chân của mình.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần TP HCM cho biết, các bệnh nhân trên bị chứng loạn thần, một biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt. "Lúc nào họ cũng nghe thấy có ai đó xui giục mình thực hiện một điều gì đó. Có người thậm chí còn giết con ruột, nhảy lầu, nhảy cầu, đâm đầu vào xe...", bác sĩ Thắng nói.
Cũng theo bác sĩ Thắng, các câu xúi giục mà bệnh nhân nghe được thường có tính chỉ trích và yêu cầu bệnh nhân làm theo. Hậu quả mà căn bệnh này để lại thường rất thương tâm và đáng sợ vì người bệnh không làm chủ được mình.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thọ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW 2, chứng bệnh trên được gọi là "Ảo thanh ra lệnh" - tức bên tai bệnh nhân thường xuyên nghe giọng nói của một người, người này xui khiến bệnh nhân làm đủ thứ. Tuy nhiên theo bác sĩ Thọ, không nên nghĩ người bệnh bị ma ám bởi thực ra đây chỉ là biểu khi trong thời kỳ nặng của chứng tâm thần phần liệt.
"Ngoài ảo thanh hướng dẫn hành động, còn có loại ảo thanh chuyên bình phẩm, bàn luận về những hành động, suy nghĩ của người bệnh, để từ đó, họ vô thức làm theo. Thời gian phát bệnh tùy theo mỗi người, nhưng đây là triệu chứng cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh", ông Thọ nói.
Theo các bác sĩ, để trị căn bệnh này, cách duy nhất là cho bệnh nhân dùng thuốc chống loạn thần nhằm cắt bỏ hiện tượng ảo thanh. Thời gian uống thuốc và điều trị, theo các chuyên gia, tùy thuộc vào mức độ bệnh của từng bệnh nhân.
Không nên giam cầm hoặc quá kỳ thị, tuy nhiên những gia đình có người mắc chứng "ảo giác âm thanh", cũng cần khéo léo theo dõi bệnh nhân, tránh cho họ tiếp xúc với các loại dao kéo sắc bén, hoặc đi một mình, nhằm tránh gây tổn thương.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét