Nguyên tắc trong hoạt động khám chữa bệnh là bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử trong khám bệnh, chữa bệnh; Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người bệnh;
Đây là một trong số các nguyên tắc được nêu ra tại dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (KCB) do Bộ Y tế xây dựng đang được lấy ý kiến góp ý của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước .
Theo dự thảo Luật này thì việc cấp cứu, KCB phải đảm bảo nguyên tắc được tiến hành kịp thời theo đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật; Tôn trọng, giúp đỡ, bảo vệ người hành nghề KCB khi làm nhiệm vụ.
Dự thảo Luật nêu rõ, người bệnh có quyền được KCB với điều kiện thực tế tốt nhất; Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; Quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm; Quyền được quyết định những vấn đề KCB liên quan đến bản thân; Quyền được trao đổi, cung cấp thông tin, tiếp cận với hồ sơ bệnh án và chi phí KCB; Quyền được từ chối chữa bệnh, chuyển và ra khỏi cơ sở KCB; Quyền được chọn người đại diện cho mình; Quyền của người bệnh bị mất, không có năng lực hành vi dân sự hoặc có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ.
Song song với quyền, người KCB cũng có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề KCB; Chấp hành các quy định trong KCB; Chi trả chi phí KCB.
Dự thảo Luật cũng quy định, cơ sở KCB có quyền: Thực hiện các hoạt động KCB theo quy định của Luật KCB; Quyền từ chối KCB nhưng phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở KCB khác để xử lý nếu trong quá trình điều trị hoặc cấp cứu mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với chuyên môn của mình. Trong trường hợp này, cơ sở KCB vẫn phải thực hiện việc theo dõi, chăm sóc, điều trị cho người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đến cơ sở KCB khác;
Ngoài ra, cơ sở KCB cũng có quyền thu các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Quyền được hưởng chế độ ưu đãi khi thực hiện các hoạt động KCB theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, cơ sở KCB cũng có nghĩa vụ tổ chức cấp cứu, KCB cho người bệnh (trừ trường hợp khi việc cấp cứu vượt quá khả năng chuyên môn thì thực hiện các biện pháp cần thiết khác); Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật y tế; Bảo đảm các điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện KCB trong phạm vi chuyên môn kỹ thuật được phép; Chấp hành quyết định huy động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Về hiệu lực thi hành, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2010. Bãi bỏ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30/6/1989 và Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân ngày 25/3/2003.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét