Sau “sự kiện” gói hạt giống đầu tiên của TS Trần Tiễn Khanh từ Mỹ gửi về, giá trị dinh dưỡng của cây “thần diệu” moringa đã được xác nhận tại Việt Nam và cây đang phát triển xanh tốt nhiều nơi.
Từ Trường Sa đến dạ tiệc Hoa hậu Hoàn vũ
Một hôm nhận được điện thoại từ tòa soạn, tôi điện ngay cho mấy người bạn tại Cam Ranh. Chỉ một đêm, anh Phan Trọng Toàn (Diên Khánh, Nha Trang) đã “quyên” được 1.000 hạt giống moringa - bà con thường gọi là chùm ngây - trao tận tay phóng viên Thanh Niên để theo tàu mang ra tặng các chiến sĩ Trường Sa.
TS Trần Tiễn Khanh (phải) tặng bầu giống cây moringa tại xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam)
Cùng lúc, TS Trần Tiễn Khanh cũng mang đến tặng Báo Thanh Niên khoảng 1.000 hạt. Tin mới nhất từ Trường Sa cho biết, những hạt giống nghĩa tình ấy đã được ươm trồng trên đảo lớn và xanh tốt.
Chúng không chỉ bổ sung nguồn rau xanh trên đảo mà còn là nguồn dinh dưỡng cao cho anh em chiến sĩ trong mùa biển động. Mới đây, anh Nguyễn Ngọc Hải - giới làm bếp ở Sài Gòn thường gọi “Hải già” - cho biết, tại dạ tiệc Hoa hậu Hoàn vũ Nha Trang, anh đã chế biến món lẩu Thái với moringa, ngon tuyệt. “Ở Hà Nội, tôi từng làm món này tại nhà hàng Bằng Hữu. Khách Thái đặc biệt thích gỏi lá moringa. Họ ăn mấy chục năm nay rồi”. Anh chỉ tiếc, ở Hà Nội nguồn moringa không có bao nhiêu nên không thể làm món này thường xuyên.
Theo các nghiên cứu khoa học, lá và hoa moringa có nhiều vitamin C hơn trái cam bảy lần, hơn bốn lần chất calcium của sữa, bốn lần vitamin A của cà rốt, ba lần chất sắt của rau spinach (tạm dịch cải bó xôi) và ba lần chất potassium của chuối. Trái và hột cây moringa cũng ăn được, với hột có mùi vị như măng tây (asparagus). Trong hoa và rễ cây moringa có chất pterygospermin là một trụ sinh (antibiotic) rất mạnh để chống các vi trùng. Lá và hoa đã được dùng để tăng sức đề kháng trong một số bệnh như cảm cúm, bao tử, gan, tiểu đường, tim…
Xanh tươi cát trắng miền Trung
Từ 1985, ông Trương Hòa Sáng ở Hắc Dịch (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trồng moringa làm hàng rào trong rẫy mà không biết công dụng ẩm thực của nó. Sau ngày đọc Báo Thanh Niên, ông mới dùng nó nấu canh ăn thử. “Ngon lắm! Ngon hơn cả lá bù ngót”.
Tại Đà Nẵng, anh Lê Hữu Pháp (Công ty 579) gầy dựng khu vườn nhỏ, dùng lá nấu canh cho đứa con bị bệnh não úng thủy. Cháu ăn được và hồng hào lên thấy rõ. Tại Khánh Hòa, anh Võ Thanh Minh (Công ty Du lịch Suối Hoa Lan) khẳng định: “Trồng cây nào sống cây đó”.
Tại Quảng Nam, bà con nông dân miền cát trắng xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) cũng trồng moringa thành vườn. Anh Cao Văn Yên, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Xanh tốt lắm! Dinh dưỡng lại cao. Xã định dùng giống moringa để ra nghị quyết bổ sung cơ cấu cây trồng”. Tại Quảng Ngãi, ông Võ Ký, thầy giáo Võ Thanh cũng chắt chiu những cây giống đầu tiên. Một số nhà chùa ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đã trồng và sử dụng moringa trong thức ăn chay, ăn kiêng.
Có mặt tại siêu thị ở Sài Gòn
Dù có theo dõi nhưng tôi vẫn khá bất ngờ khi được tin từ kỹ sư nông lâm Huỳnh Liên Lộc Thọ. Từ một năm nay, chị và ông xã Trần Gia Bảo, thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Nam California, đã dày công gầy dựng trang trại 30 ha ở Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), chuyên trồng moringa. Hai anh chị đã gặp TS Trần Tiễn Khanh nhờ tư vấn, tra cứu thông tin, bỏ ra hàng trăm triệu đồng làm trang trại, mua sắm trang thiết bị phun tưới, thuê công nhân tại chỗ... để “thỏa mãn sở học và niềm đam mê phát triển cây moringa”.
Anh Trần Gia Bảo nói: “Ban đầu cũng gian khổ lắm. Không dễ trồng như tôi tưởng. Trồng vài cây, ăn chơi thì được. Còn trồng dày 1 x 1m thì năng suất rất thấp, không thể khai thác thương mại. Mấy cơn mưa trái mùa vừa qua cũng làm thiệt hại một ít. Nhưng không sao, chúng tôi đã có kinh nghiệm sau mấy đợt trồng thử.
Lá moringa già thì giàu dinh dưỡng nhưng lại nhỏ. Đã làm thương mại, bản lá phải to tròn, tươi ngon, bắt mắt”. Vậy bao giờ moringa vào siêu thị? Chị Lộc Thọ cho hay: “Chúng tôi chính thức đưa moringa vô siêu thị dưới dạng hộp từ 9.1.2009. Mỗi hộp 100gr, giá 12.000đ, đủ nấu canh cho 4 người ăn”.
Được biết, do chưa thu hoạch được nhiều nên mỗi ngày Công ty Hanh Thông của anh chị sẽ chỉ chuyển về 5 siêu thị ở Sài Gòn khoảng 15 kg lá siêu sạch đựng trong 150 hộp. “Tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu sơ chế lá moringa già làm trà dược liệu như lá cây chó đẻ sau khi sao vàng hạ thổ”, anh chị tiết lộ.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Thanh niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét