Sau 4 ngày hôn mê, sáng nay, cô con gái 9 tuổi tên Tuyết của vợ chồng anh Long (Can Lộc, Hà Tĩnh) mới tỉnh lại. Các bác sĩ bệnh viện tỉnh cho rằng cháu bị viêm màng não do biến chứng của sởi và đã cho chuyển lên viện Nhi trung ương.
Anh Đặng Quang Long, bố cháu Tuyết cho biết, một tuần trước, con gái anh đi học về thì kêu mệt và hâm hấp nóng. Rồi từ đó đến cuối ngày cháu sốt li bì, đến đêm thì nổi phát ban khắp người. Bố mẹ cháu mời y sĩ tới nhà điều trị, truyền nước thì sang ngày thứ 3, cháu đỡ hẳn, khỏe khoắn, dậy ăn uống bình thường.
Thế nhưng, đến ngày thứ 4, cháu lại sốt cao, lên cơn co giật liên tục nên bố mẹ phải đưa vào bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, cháu hôn mê suốt hai ngày và được các bác sĩ chẩn đoán là bị viêm màng não - biến chứng sau sởi, đồng thời chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương hôm qua. Sau quá trình điều trị, sáng nay, cháu đã tỉnh và dậy đòi ăn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, phó trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, có rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì sốt phát ban, tăng hơn hẳn so với các năm khác.
Hiện có 22 bệnh nhi đang nằm điều trị trong khoa lây của viện Nhi do sốt phát ban, và riêng hôm qua, có tới 12 cháu nhập viện vì lý do này. Các bé đến từ nhiều nơi khác nhau, chủ yếu là ở Hà Nội.
àds
Cháu Tuyết đang được mẹ cho ăn sau nhiều ngày hôn mê sau sởi. Ảnh: MT.
Theo bác sĩ Lâm, một phần ba số trẻ đó là bị sởi, ngoài ra phát ban còn là triệu chứng của rubella hay các bệnh do virus khác. Để xác định được chính xác bệnh của các cháu, bệnh viện đã lấy mẫu máu và gửi đến Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Bệnh nhân nhập viện vì sốt phát ban ở đủ độ tuổi, từ 3 tháng đến 9 tuổi. Bác sĩ Lâm cho biết, thông thường triệu chứng sởi ở trẻ em là sốt, kèm theo phát ban từ đầu đến chân (nổi các nốt mẩn đỏ nhưng sờ mịn như nhung), ngoài ra còn kết hợp với viêm kết mạc mắt, viêm nong đường hô hấp.
Thông thường, chỉ cần chăm sóc tốt, hạ sốt, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh sạch sẽ, tránh bị nhiễm lạnh thì trẻ sẽ khỏi bệnh trong vòng 7-10 ngày.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, vì bản thân bệnh sởi làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên trẻ em bị sởi có thể biến chứng thành viêm phổi, viêm phế quản... Và hiện nay, đa số các cháu khi vào viện đã ở tình trạng nặng, viêm phổi hay bị hôn mê.
Bác sĩ Lâm cho biết, đa số các bé bị sởi đều là các cháu chưa được tiêm chủng ngừa. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp dù đã được tiêm một mũi văcxin nhưng trẻ vẫn bị sởi như trường hợp cháu bé 3 tuổi rưỡi con chị Trà ở Đống Đa, Hà Nội là ví dụ.
Mấy ngày trước, thấy con mệt, sốt, chị Trà dán miếng hạ sốt cho con. Hôm sau, cháu mỗi lúc càng sốt cao hơn, nổi các nốt đỏ trên mặt rồi phát ban cả cổ và nhanh chóng lan rộng toàn thân. Lúc này cả nhà mới đưa bé nhập Viện Nhi trung ương và được biết cháu bị sởi. Trước đó, vợ chồng chị Trà không hề nghĩ con mắc bệnh này vì đã đưa cháu đi tiêm phòng từ lúc bé chưa đầy 1 tuổi.
Bác sĩ Lâm cho biết, những trường hợp trẻ đã tiêm văcxin mà vẫn mắc bệnh như trên cũng có nhưng với tỷ lệ rất thấp. Theo bác sĩ, tốt nhất, khi thấy con sốt, phát ban có dấu hiệu ho, bị nhiễm trùng các nốt mẩn thì nên đưa ngay đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị.
Cách phòng chống bệnh sởi hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tiêm văcxin cho trẻ nếu cháu chưa từng được tiêm phòng.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét