Kết quả kiểm tra 15 mẫu sữa trên thị trường cho thấy 14 mẫu chưa đạt hàm lượng đạm như công bố trên bao bì. Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định, đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, việc thanh tra, xét nghiệm được tiến hành từ đầu tháng 8/2008 đến cuối tháng 10/2008, sau khi có công văn phản ánh từ Công an thành phố cùng Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, văn phòng phía Nam.
Tháng 9/2008, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã mua ngẫu nhiên 20 mẫu sữa bột nhãn hiệu khác nhau được bán tại các chợ, siêu thị tại TP HCM và Bình Dương, gửi tới Trung tâm Kỹ thuật 3 để phân tích hàm lượng đạm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, có đến 10 mẫu không đạt tỷ lệ đạm như công bố trên nhãn. Trong đó 6 mẫu đạm rất thấp dưới 10%, đặc biệt 4 mẫu sữa có tỷ lệ đạm cực thấp - dưới 2%.
Đơn cử, mẫu sữa bột Maylac của cơ sở Như Trang ở quận Tân Bình công bố hàm lượng protid trên sản phẩm là 34% (cứ 100 gam sữa có 34 gam đạm) nhưng thực tế chỉ đạt 14,97%.
Sữa bột dinh dưỡng Milk Power của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Tuấn Cường Phát, quận Bình Tân, công bố đạm 10%, thực tế kiểm nghiệm chỉ ở mức 7,37%...
Riêng Công ty Hùng Lâm, quận Bình Tân, sản xuất sữa bột dinh dưỡng nhưng không công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Các mẫu sữa nhãn hiệu Food milk của công ty này bao gồm: sữa bột canxi; phát triển trí não; sữa mama; tăng trưởng chiều cao; dành cho người gầy, có hàm lượng đạm từ 1,33 đến 1,62 gam/100 gam sữa thành phẩm. Tuy nhiên công ty này được xem là sản xuất hàng giả do chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn Châu, cho biết, nguyên liệu sản xuất sữa của các công ty trên đều được nhập từ nước ngoài, về VN chỉ pha trộn rồi cho ra thị trường. Việc công bố một đường, thực tế sản phẩm một nẻo, theo bác sĩ Châu là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Đặc biệt khi sữa là sản phẩm dành cho người tiêu dùng chính là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người bệnh...
Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã xử phạt hành chính với số tiền khoảng 50 triệu đồng, yêu cầu tiêu hủy 160 kg sữa không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, buộc thu hồi tái chế hơn 300 kg sữa thiếu đạm. Riêng Công ty TNHH Hùng Lâm, bị đình chỉ hoạt động.
Thanh tra Sở Y tế kiểm tra nguyên liệu tại một công ty sản xuất sữa. Ảnh: Thiên Chương.
"Ngoài Sở Y tế TP HCM, sau khi có phản ánh từ Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Y tế còn chỉ đạo Viện vệ sinh y tế công cộng tại TP HCM lấy mẫu sữa mang xét nghiệm", bác sĩ Châu cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, các đợt xét nghiệm từ trước đến nay cho thấy, sữa kém đạm thường là được đóng gói bởi các cơ sở sản xuất lậu không đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ. "Kém đạm trầm trọng nhất là các loại sữa bao, sữa trong túi ni lông không nhãn mác. Do đó người mua cần cẩn trọng với các sản phẩm này", bác sĩ Mai nói.
Nhật xét về sữa kém chất, bác sĩ Mai cho rằng có nhiều cách để nhà sản xuất "ảo thuật ra sữa", ví dụ như pha bột, hoặc pha loại bột whey vốn ít đạm có giá thành rẻ. "Khi pha với nước, chúng vẫn có màu đùng đục. Kết hợp với hương liệu chúng vẫn thơm thơm, béo béo nhưng thực chất, giá trị dinh dưỡng không là bao", ông Mai nói.
Còn theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa thiếu đạm không ảnh hưởng nhiều đến những người uống sữa với mục đích giải khát, tuy nhiên đối với trẻ em hoặc người già (dùng sữa như thức ăn chính) thì việc sữa nghèo đạm sẽ khiến cơ thể suy dinh dưỡng, dẫn đến chậm lớn, giảm miễn dịch.
Kết quả kiểm tra của một số mẫu sữa khác:
Sữa bột bổ sung canxi và chất sắt Holland Gold cũng của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Tuấn Cường Phát chỉ đạt 6,96% đạm trong khi công bố thấp nhất cho sản phẩm này là 20%. Hai mẫu khác của công ty này là Sữa bột dinh dưỡng New Zeand, Sữa bột giàu dinh dưỡng Hà Lan, đều có hàm lượng đạm kém hơn công bố khoảng 30%.
Các mẫu sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đài Loan (quận 6) cũng hụt đạm lần lượt gồm: sữa bột Mikamax công bố đạm từ 8-13%, thực tế chỉ có 7,48%; sữa bột Sepalac có lượng đạm 13,47%, công bố từ 15-20%; sữa bột Calyx Canxi công bố đạm 25-30%, đạm thật trong mẫu chỉ đạt 18,89%.
Sai số ít nhất là Công ty chế biến thực phẩm thương mại Hoàng Khang, huyện Bình Chánh, đăng ký hàm lượng đạm cho sữa bột Fitalac (Hi-calcuim) là 30 nhưng khi kiểm nghiệm đạt 29,75%.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét