Từ nay đến 10/3, mũi tiêm nhắc thứ 2 cho học sinh lớp một sẽ được tiến hành tại các trường tiểu học TP HCM. Hơn 100.000 liều văcxin đã được các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện chuẩn bị cho việc tiêm ngừa.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, cán bộ y tế sẽ đến các trường tiểu học để tiêm ngừa. Những học sinh vắng mặt có thể đến các trung tâm y tế dự phòng địa phương để được chủng sởi.
Cũng theo bác sĩ Thọ, lẽ ra chiến dịch tiêm ngừa bắt đầu từ tháng 11 năm trước, nhưng thời điểm đó chưa có đủ văcxin nên phải lùi lại đến nay.Học sinh tiểu học sẽ được tiêm nhắc văcxin ngừa sởi. Ảnh: Thiên Chương.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM, cho biết, do việc tiêm chủng ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng TP HCM thực hiện khá tốt từ 20 năm nay nên nhóm người dưới 20 tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ mắc sởi cao chỉ tập trung vào nhóm người lớn chưa từng chủng ngừa.
Theo ông Nghiệm, từ hai năm nay, thành phố chỉ có vài ca sốt phát ban nhập viện, tuy nhiên sau khi khi xét nghiệm lại không ca nào rơi vào trường hợp sởi.
"Nguy cơ mắc bệnh tại TP HCM được quan ngại nhiều nhất vẫn là dân nhập cư, vốn là người lao động, học sinh sinh viên đến từ các tỉnh thành khác", ông Nghiệm nói.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, sởi là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp (virus bay trong không khí do người bệnh ho hoặc hắt hơi bắn ra).
Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 12 ngày. Bệnh bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao, có thể kéo dài 3-4 ngày. Người bệnh ho, sổ mũi, viêm kết mạc và đặc biệt là phát ban toàn thân dạng sởi. Ban sởi thường mọc khởi đầu sau tai, cổ xuống ngực, lưng, bụng và tứ chi. Khi ban “bay” sẽ để lại những vết thâm và da bong tróc nhẹ. Đây là một đặc điểm quan trọng giúp phân biệt ban sởi với các loại “ban đỏ” khác mà nhiều người hiểu lầm là ban sởi.
Văcxin chỉ phòng được bệnh sởi chứ không ngừa được bệnh sốt phát ban do các loại siêu vi khác gây ra. Do đó không phải cứ trẻ nổi ban là bị sởi. Ngoài mũi tiêm lúc 9-11 tháng tuổi, mũi tiêm nhắc là cực kỳ quan trọng bởi có thể giúp cơ thể phòng bệnh sởi suốt đời.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét