Tỷ lệ tử vong vì cúm H1N1 tại Mexico những ngày qua lên đến 26,5%, cao hơn nhiều so với trong dịch SARS năm 2003 (khoảng 10%). Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, vài trăm người từ Mỹ và Mexico đã đến Việt Nam thời gian gần đây.
Tại buổi họp của ban chỉ đạo chống dịch bệnh trên người sáng 28/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: "Ban chỉ đạo đặt trong tình trạng báo động, cấp độ chuyên môn là 4, virus rất nguy hiểm, đã biến đổi gene lây từ người sang người".
Quan chức Y tế Malaysia kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Los Angeles tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm qua. Ảnh: Reuters. |
Ông cũng cho biết, thời gian gần đây có mấy trăm người từ Mỹ và 10 người từ Mexico đến Việt Nam, do không dám chắc họ mang theo virus hay không, nên phía y tế đã đề nghị công an giám sát chặt chẽ.
Tại 2 sân bay lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Y tế đề nghị phương án cách ly ngay các trường hợp mắc và nghi mắc đến từ vùng dịch có liên quan để theo dõi; phát khẩu trang cho khách đến từ Mỹ, Canada, Mexico, Newzealand và Tây Ban Nha để đảm bảo an toàn. Ngoài ra cũng tăng cường mỗi sân bay 2 máy kiểm tra thân nhiệt, đặt buồng trực của ban chỉ đạo tại sân bay.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị dự kiến tăng cường kiểm soát biên giới, rà soát xem có phải dừng nhập khẩu thịt heo tươi sống từ Mỹ như một số nước đang làm hay không.
Lo ngại của Ban chỉ đạo chống dịch lúc này là vấn đề phát hiện bệnh cúm lợn. Đêm qua, Việt Nam đã nhận được hướng dẫn tạm thời về điều trị cúm lợn từ WHO, song ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết việc phát hiện bệnh nhân H1N1 là rất khó vì biểu hiện lâm sàng của bệnh rất giống các bệnh cúm khác. Chỉ có điểm hơi khác là trong một số trường hợp có xuất hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Thêm một lo ngại nữa là thuốc điều trị nói chung đã có hiện tượng kháng thuốc. Virus vẫn nhạy với Tamiflu, Relenza nhưng đã kháng với Amantadine.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, thuốc kháng virus để điều trị cúm theo mùa có 2 nhóm thuốc: Adamantanes (amantadine và remantadine) và thuốc ức chế influenza neuraminidase (Oseltamivir và zanamivir). Virus phát hiện được từ các trường hợp người mắc cúm lợn hiện nay ở Mỹ đều nhạy cảm với oseltamivir và zanamivir nhưng kháng amantadine và remantadine.
Hiện dự trữ thuốc Tamiflu của Việt Nam vẫn còn, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về cách chống dịch và xét nghiệm, phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị, từ đó mới tính toán được thiếu cái gì.
WHO thừa nhận cúm lợn lây từ người sang người
Theo thông báo chiều 27/4 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, chủng virus cúm lợn A/H1N1 đang hoành hành tại Mexico và Mỹ chưa từng được phát hiện. Đã xảy ra tình trạng virus lây nhiễm từ người sang người.
WHO nhận định, vụ bùng phát dịch cúm lợn đang tiến triển nhanh và đã vượt ra khỏi biên giới của Mexico và Mỹ. Khả năng gây nên đại dịch toàn cầu là hoàn toàn có thể.
Theo lý giải của cơ quan y tế lớn nhất thế giới này, virus cúm lợn A/H1N1 là một chủng đặc biệt, chưa từng được phát hiện cả ở lợn lẫn người trước đây. Đặc tính của bệnh do nhiễm virus này rất khó dự báo. Cộng thêm những ca lây nhiễm từ người sang người vừa được ghi nhận, loại virus mới này có khả năng gây nên đại dịch.
Ở thời điểm hiện tại, WHO yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát sự bùng phát bất thường các vụ dịch dạng cúm và viêm phổi nặng.
Chị Paula Epitacio, sống tại thành phố Mexico, thực sự lo lắng cho sức khỏe của con mình. "Thậm chí chúng tôi còn chưa biết có vắc xin cho căn bệnh này hay không", chị nói. Ảnh: BBC. |
Cũng theo WHO, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu giám sát y tế khắt khe. Mặc dù chưa có trường hợp mắc cúm lợn nào được phát hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đang tiến hành công tác chuẩn bị cho trường hợp xảy ra có ca mắc.
Tất cả Sở Y tế trên toàn quốc, các Trung tâm Y tế dự phòng, các Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực, các Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế đã tăng cường giám sát và triển khai các biện pháp phát hiện sớm để sẵn sàng ứng phó với các ca mắc được xác định. Việc tăng cường kiểm soát cũng được thực hiện tại các sân bay và biên giới.
WHO tại Việt Nam và Bộ Y tế đang hợp tác chặt chẽ để xây dựng thực hành và quy trình tốt nhất về chẩn đoán phòng thí nghiệm, kiểm dịch, điều trị lâm sàng, kiểm soát lây nhiễm và hậu cần đáp ứng tình hình cụ thể.
Theo đánh giá của WHO, với những kinh nghiệm đã có trong quá trình ứng phó với cúm gia cầm và SARS, Việt Nam đã có sẵn quy chế về giám sát và phát hiện sớm. Trong trường hợp cần thiết, WHO có thể huy động lượng dự trữ thuốc chống virus cho Việt Nam.
Theo BBC, việc có đưa ra mức báo động "đại dịch" hay không chỉ được kết luận sau phiên họp ngày mai, 28/4, của các chuyên gia WHO tại Geneva (Thụy Sĩ)
Khuyến cáo sơ bộ của WHO |
Các biện pháp phòng ngừa thông thường: - Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khẩu trang, khăn tay hoặc tay áo. - Giữ gìn vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên VỚI XÀ PHÒNG và tránh chạm tay vào mặt. - Tránh xa những người bị bệnh. - Ở trong nhà nếu bạn không khỏe. - Đi khám nếu bạn sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi. Ăn thịt lợn: Dùng thịt lợn vẫn an toàn nếu chế biến đúng cách và nấu kỹ. Nếu bạn đã tới vùng dịch (Mexico, Mỹ) trong vòng 7 ngày vừa qua: - Theo dõi sức khỏe bản thân. - Nếu bạn có triệu chứng, cần phải đi khám. Thông báo cho cơ sở y tế biết gần đây bạn đã tới khu vực được báo cáo có cúm lợn. Việc đi lại tại thời điểm này: WHO chưa đưa ra khuyến cáo nào về tầm soát biên giới ( kiểm soát ra/vào), hạn chế đi lại tới các quốc gia hiện đang xảy ra cúm lợn ở người hay bất kỳ sự đóng cửa biên giới quốc tế nào. |
'Thịt lợn nấu chín không lây cúm chết người'
"Theo Tổ chức Y tế thế giới, chưa thấy có khả năng cúm lợn lây sang người do ăn thịt hoặc sản phẩm chế biến đúng quy cách. Virus cúm lợn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C", Cục trưởng Y tế dự phòng Nguyễn Huy Nga cho biết.
Trao đổi với báo chí trưa 27/4, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga khẳng định: "Cúm lợn H1N1 là chủng virus mới, có nguồn gốc từ virus cúm lợn nhưng kết hợp thêm loại gene của virus cúm người và gia cầm".
Theo đại diện Bộ Y tế, cúm lợn là một bệnh hô hấp cấp tính ở lợn có tính lây truyền cao do một loại virus cúm A của lợn gây ra. Con người thường nhiễm cúm lợn từ lợn bệnh. Tuy nhiên ở một số trường hợp mắc (trong đợt dịch này) không thấy có tiền sử tiếp xúc với lợn hoặc môi trường có liên quan đến gia súc này. Đã có hiện tượng lây truyền từ người sang người.
Trước lo ngại của nhiều người về việc liệu ăn thịt lợn có ảnh hưởng gì không, ông Nga khẳng định: "Ăn thịt lợn nấu chín vẫn an toàn, không lây bệnh".
Người dân Mexico khi ra đường đều phải đeo khẩu trang. Ảnh: Newyorktimes. |
Ông Nga cũng cho biết, cho đến thời điểm này ở Việt Nam, vẫn chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm lợn. Tuy nhiên, vẫn có khả năng dịch tràn đến.
Người mắc virus cúm lợn H1N1 có biểu hiện không khác gì với cúm thường, với các triệu chứng như: sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình và mệt mỏi. Một số người có thể đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn. |
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các cán bộ y tế nếu phát hiện người có biểu hiện cúm phải hỏi xem trong thời gian gần đây họ có đi đến các vùng có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là Mỹ, Mexico hay không. Nếu làm hết các xét nghiệm vẫn không tìm ra được chủng cúm thì phải gửi đi xét nghiệm ở nước ngoài.
Ông Nga nhấn mạnh các phòng xét nghiệm tại Việt Nam có khả năng phát hiện virus cúm H1N1. Nhưng vì chưa có mẫu thử (mẫu bệnh phẩm), nên chưa thể xét nghiệm. Cho đến nay, chưa có văcxin đối phó với căn bệnh này.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, thuốc điều trị cúm quen thuộc Taminflu vẫn có tác dụng. "Hiện Cục Y tế dự phòng vẫn đang chờ thông tin của Tổ chức Y tế thế giới về định nghĩa của bệnh cũng như phương pháp chẩn đoán", ông Nga nói.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, nhiều người dân có ý định đi tiêm văcxin cúm để phòng bệnh cúm lợn. Nhưng thực tế, văcxin hiện nay chỉ có tác dụng miễn dịch với virus cúm A (chủng H1N1) thông thường. Còn với cúm lợn H1N1 thì chưa có một bằng chứng nào cho thấy văcxin phòng cúm thường có tác dụng.
Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế phải chuẩn bị thuốc, hóa chất để thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, ngay cả trong dịp lễ; sẵn sàng các đội cơ động chống dịch...
Cục cũng yêu cầu các Trung tâm Kiểm dịch Quốc tế tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi sát những người bị sốt đến từ các nước có dịch.
Với người dân, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi tiếp xúc với dịch tiết từ hầu, họng. Những người mắc bệnh đường hô hấp cấp tính nên tránh nơi đông người và đeo khẩu trang.
Ngoài ra, những người đến Việt Nam từ vùng dịch, trong 7 ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình, và mệt mỏi thì phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị.
Cũng trong sáng nay, Chi cục Thú Y TP HCM đã có buổi họp khẩn nhằm triển khai công tác kiểm dịch trên các đàn lợn. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục phó Chi cục Thú Y cho biết, ngoài việc lấy mẫu lợn trên địa bàn xét nghiệm, Chi cục còn tiến hành giám sát chặt hơn lượng lợn nhập khẩu vào TP HCM từ các tỉnh lân cận, đặc biệt đối với lợn nhập khẩu từ nước ngoài.
Chiều 27/4, Sở Y tế TP HCM sẽ tiếp tục có buổi làm việc với các Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện và Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế nhằm cụ thể hóa những tình huống xử lý khi chẳng may phát hiện bệnh.
Suckhoegiadinh.org theo VNE - Nam Phương - Thiên Chương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét