Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh

Sáu tháng đầu năm 2009, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã tăng mạnh ở nhiều vùng, với số bệnh nhân lên đến trên 25.000 ca - tăng 25% so với cùng kỳ, số tử vong tăng 24%.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến khiến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trở nên quá tải (ảnh chụp sáng 9-7) - Ảnh: MINH ĐỨC
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ hôm qua 9-7, cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga cho biết: “Kế hoạch, biện pháp, cách làm Bộ Y tế đã hướng dẫn đủ từ tháng 4-2009, nhưng địa phương còn chậm!”.
Dịch lan khắp nơi
Thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường cho thấy những địa phương “đầu bảng” về SXH mùa này gồm Bình Định - số mắc tăng 355%, Phú Yên tăng 569%, Quảng Ngãi 131%, Ninh Thuận 186%, Bà Rịa - Vũng Tàu 171%, Cần Thơ 107%, TP.HCM 55%, Kiên Giang 148%, Trà Vinh 241%. Tại Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2009 đã ghi nhận 343 người mắc SXH, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2008. Phần lớn bệnh nhân là người lớn và trẻ em trên 15 tuổi. Ở nhiều điểm, mật độ muỗi gây SXH đã vượt ngưỡng gây dịch.
BV Nhi đồng 1 TP.HCM: 100 ca SXH/ngày
Ngày 9-7-2009, bác sĩ Lê Bích Liên, trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết số trẻ mắc SXH nhập viện điều trị tại khoa hiện đang ở mức cao với khoảng 100 trẻ nằm điều trị mỗi ngày, trong đó 70% bệnh nhi ở TP.HCM. Bác sĩ Liên dự báo những ngày sắp tới vào giữa mùa mưa số ca mắc SXH sẽ tiếp tục tăng cao. (T.Dương)
Tuy nhiên ông Nguyễn Huy Nga lại cho rằng từ tháng 4-2009 đến nay, Cục Y tế dự phòng và môi trường đã có đủ kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi sớm, chiến dịch diệt lăng quăng, thông báo cấp hóa chất và nồng độ hóa chất cụ thể gửi các địa phương. “Những địa phương có số mắc SXH tăng cao là do diệt lăng quăng, phun diệt muỗi chưa đạt hiệu quả. Nhiều địa phương đến khi dịch tăng cao mới tổ chức phun, diệt.
Việc diệt lăng quăng tại các gia đình chưa hiệu quả”. Tại Phú Yên, sau đợt kiểm tra từ 18 đến 20-6, Viện Sốt rét - côn trùng - ký sinh trùng Quy Nhơn và Viện Pasteur Nha Trang đã đánh giá công tác triển khai chống SXH tại địa phương chậm, việc xử lý lăng quăng hiệu quả không cao, lượng lăng quăng ở mức nguy hiểm. Quyết định cấp 300 triệu đồng ngày 8-6 từ ngân sách địa phương cho phòng chống SXH là chậm trễ - ông Nga nhận định.
Chống dịch SXH: quen nên lơ là!
Bốn năm trở lại đây, dịch SXH tại VN luôn ở mức cao, số tử vong cũng khá cao. Năm 2009 này, đã có ý kiến đánh giá đỉnh dịch các tỉnh phía Nam sẽ vào khoảng tháng 9 tới. Tại các tỉnh miền Bắc, tuy số bệnh nhân đã tăng rất cao nhưng tới tháng 10-11 mới là đỉnh dịch! Vì vậy nếu không quyết liệt chống dịch, số người mắc bệnh, tử vong do căn bệnh quen thuộc này sẽ tăng lên rất mạnh trong vòng ba tháng tới đây.
Hà Nội: Một thôn có 110 người mắc SXH
Theo ông Khuất Văn Sơn, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, cho đến hôm qua (9-7) tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều đã xác nhận có 110 trường hợp mắc SXH. So với mùa dịch năm ngoái xã Tân Triều chỉ có hơn 10 ca, thì lượng bệnh nhân năm nay tăng đột biến và đã trở thành một ổ dịch của Hà Nội. (Ngọc Hà)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Nga cho biết hôm 6-7, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp 70 tỉ đồng cho phòng chống SXH, đưa SXH trở lại chương trình mục tiêu quốc gia. “Đây chỉ là ngân sách hỗ trợ. Các địa phương cần chủ động chi từ ngân sách thường xuyên của tỉnh”. Thời điểm này, đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng và môi trường về phòng chống SXH đang làm việc ở Phú Yên. Các địa phương có dịch lớn như TP.HCM, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Định, Sóc Trăng... cũng nằm trong diện kiểm tra về công tác chỉ đạo, chuẩn bị chống dịch...
Đã có những ý kiến cho rằng dịch SXH là loại dịch...quen, năm nào cũng xảy ra nên địa phương và người dân chủ quan, đợi đến khi dịch rầm rộ mới chống khiến hiệu quả chống dịch thấp. Đây cũng là lý do chính khiến dịch SXH năm nào cũng tăng cao. Bộ Y tế cũng cần thẳng thắn công khai các địa phương chậm trễ trong việc xử lý dịch SXH nhằm làm gương, không để dịch bùng phát vì cách chống dịch hình thức, qua loa chiếu lệ!
LAN ANH
Suyễn ở trẻ em
Vào 9 giờ thứ bảy 11-7-2009, tại Phòng khám đa khoa Sài Gòn (99-109 Thuận Kiều, phường 4, quận 11, TP.HCM) TS. BS Phan Hữu Nguyệt Diễm, trưởng khoa nội tổng quát 2 Bệnh viện Nhi Đồng 1, sẽ có buổi nói chuyện chuyên đề “Suyễn ở trẻ em”. Đăng ký tham dự tại ĐT số (08) 39561753 từ 8g-20g mỗi ngày.
NH.B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét