Nhân viên y tế dự phòng khảo sát, điều tra dịch tễ cúm A/H1N1 tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM - Ảnh: L.TH.H. |
Tần suất các triệu chứng chính của cúm Cũng giống như những trường hợp cúm thông thường, người mắc bệnh cúm A/H1N1 thường có triệu chứng như sốt, ho, nghẹt mũi, biếng ăn, đau họng, đau nhức cơ bắp... Thống kê tần số các triệu chứng này cho thấy: 1. Sốt trên 37OC hiện diện ở 68% trường hợp. |
Dù virus H1N1 không độc hại nhưng chúng ta không biết virus sẽ biến hóa tiếp như thế nào. Hiện nay ở các nước phía Bắc bán cầu đã vào mùa hè (tức là mùa cúm đã qua) và các nước phía Nam bán cầu đang vào mùa đông (mùa của cúm), nhưng virus H1N1 vẫn lan truyền ở quy mô toàn cầu. Rất có thể cũng như các virus khác, virus H1N1 có khả năng thích ứng môi trường mới bằng cách tự thay đổi cấu trúc ADN để có thể lan truyền trong các quần thể khác nhau và tự kết hợp với các ký chủ khác (ngoài con người).
Với những bất định này, các chuyên gia đang gặp khó khăn để đưa ra một thông điệp nhất quán cho công chúng. Trong thực tế các chuyên gia thiếu những bằng chứng khoa học để có thể phát biểu một cách tự tin!
Phát hiện triệu chứng sớm
Trong điều kiện bất định như thế, phương án tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh phải bắt đầu từ cơ sở. Mỗi cơ quan hay trường học cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở y tế, có sẵn kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1. Kế hoạch hữu hiệu nhất là sớm nhận dạng hay phát hiện những trường hợp cúm. Những triệu chứng để nhận dạng sớm bao gồm nóng sốt trên 37OC, đau họng, nhức đầu, ho và sổ mũi, ói mửa, mệt mỏi...
Một khi phát hiện bệnh nhân qua các tín hiệu trên, nhà trường, cơ quan cần đề nghị bệnh nhân nên ở nhà và nhờ bác sĩ điều trị. Kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy bệnh nhân nhiễm virus H1N1 thường hồi phục trong vòng một tuần.
Chú ý vệ sinh
Một khi trường học hay cơ quan có người bị nhiễm virus H1N1 thì cũng là tín hiệu cho thấy nơi đó cần được lưu tâm về vệ sinh. Rất có thể bàn ghế, cửa... đã bị nhiễm và đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cho người khác. Những nghiên cứu khoa học cho thấy virus phát triển trong điều kiện nhiệt độ ôn đới. Trong nhiệt độ 25OC, virus H1N1 có thể sống trên mặt bàn khoảng 2 giờ mà thôi. Do đó, cần phải khử trùng những nơi virus “lưu trú” như bàn ghế, tủ, giường, cửa, nhà vệ sinh... một cách triệt để.
Hiện nay đường lây lan chính của virus H1N1 là từ người sang người. Một lượt hắt hơi thải ra khoảng 20.000 hạt nhỏ (còn khi ho chỉ chừng vài trăm hạt). Những hạt lớn nhất sẽ rơi xuống đất trong vòng vài mét. Những hạt còn lại bay xa hơn tùy kích cỡ. Những hạt nhỏ có đường kính 1-4 micromet có thể lơ lửng trong một thời gian dài và chui xuống tận đường hô hấp dưới. Do đó, khi hắt hơi cần phải che mũi bằng giấy mềm hay chí ít cũng nên lấy tay che mũi để giảm lây lan sang người khác. Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà bông. Thói quen này được xem là một biện pháp phòng ngừa virus cúm rất hữu hiệu ở quy mô cộng đồng.
Khẩu trang đúng cách
Một câu hỏi thường được đặt ra là đeo khẩu trang có thể ngăn ngừa sự lây lan virus H1N1 hay không. Virus H1N1 có kích thước khoảng 0,08-0,12 micromet, và nếu khẩu trang có mặt nạ lọc n-95 cũng có thể lọc được 95% các phần tử có kích thước 0,3 micromet. Do đó, trên lý thuyết, khẩu trang phải có chất lượng tốt mới ngăn ngừa virus H1N1 hữu hiệu. Trong thực tế, một nghiên cứu mới công bố đầu năm 2009 cho thấy người đeo khẩu trang nếu không đúng cách thậm chí có nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn người không đeo khẩu trang!
Nói tóm lại, khẩu trang có thể giảm nguy cơ (chứ không ngăn ngừa) nhiễm virus H1N1, nhưng phải là khẩu trang có chất lượng và phải đeo đúng theo quy trình.
Thuốc
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cúm A/H1N1. Tuy nhiên, có các loại thuốc chống cúm khác có thể sử dụng là: oseltamivir, zanamivir, amantadine và rimantadine. Oseltamivir được phê chuẩn cho việc điều trị virus cúm loại A và B ở người 1 tuổi trở lên, còn zanamivir thì phê chuẩn cho sử dụng ở người 7 tuổi trở lên. Theo các chuyên gia Mỹ, virus A/H1N1 kháng thuốc amantadine và rimantadine. Xét nghiệm gần đây cho thấy virus A/H1N1 “kỵ” oseltamivir (tamiflu) và zanamivir (relenza).
Virus đã song hành cùng con người (và heo, chim, gia cầm) từ mấy chục ngàn năm nay. Chúng ta là những sinh vật cạnh tranh để sống và virus cũng cạnh tranh với chúng ta để tồn tại. Chính vì thế mỗi khi con người sản xuất được một văcxin mới để phòng chống virus thì virus cũng sẵn sàng biến hóa (hay tiến hóa) sang một dạng mới có khả năng kháng thuốc. Do đó, kháng thuốc là một hiện tượng không quá ngạc nhiên.
Không nên quên các bệnh khác!
Một số thông tin khoa học mới nhất cho thấy virus H1N1 không có mức độ độc hại đáng kể như những đại dịch vào đầu thế kỷ 20. Thật vậy, cho đến nay tỉ lệ tử vong vẫn còn rất thấp (dưới 0,5%), tức thấp hơn so với cúm mùa thông thường. Cần nói thêm mỗi năm có hơn 100.000 người chết vì những bệnh cúm mùa và 150.000 người chết vì bệnh lao phổi.
Do đó, tập trung vào việc phòng chống đại dịch H1N1 là một định hướng đúng, nhưng các bệnh cúm thông thường khác hay các bệnh truyền nhiễm khác còn nguy hiểm hơn cả cúm A/H1N1. Chúng ta không nên vì một bệnh hay virus mới mà xao lãng những bệnh quen thuộc nhưng nguy hiểm hơn.
Phân biệt giữa cúm và cảm lạnh | ||
Triệu chứng | Cúm | Cảm lạnh |
Sốt | Thường cao, kéo dài 3-4 ngày | Ít gặp |
Nhức đầu | Có | Ít gặp |
Kiệt sức và/hoặc yếu | Có thể kéo dài 2-3 tuần | Nhẹ |
Ðau | Thường gặp và luôn luôn nặng | Nhẹ |
Mệt lử | Xảy ra sớm và đôi khi nặng | Không bao giờ có |
Nghẹt mũi | Ðôi khi | Thường gặp |
Ðau họng | Ðôi khi | Thường gặp |
Ho | Có | Ít gặp |
Khó chịu ở ngực | Thường gặp và đôi khi nặng | Từ nhẹ đến vừa |
Biến chứng | Viêm phế quản, viêm phổi, những ca nặng có thể tử vong | Xoang ứ dịch (congestion) |
GS.TS NGUYỄN VĂN TUẤN (Úc)-TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét