Lần đầu tiên ở châu Á, Viện Răng hàm mặt T.Ư sẽ bổ sung fluor vào muối ăn, trước mắt ở tỉnh Lào Cai từ cuối năm 2009. Mục tiêu của dự án là tạo nên một thế hệ người VN không sâu răng!
Nụ cười tươi của nữ sinh TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến |
“Mầm răng thai nhi hình thành từ tháng thứ ba của thai kỳ. Nếu thai phụ ăn muối có fluor, răng em bé sẽ “trơ” với tác động của axit trong miệng, hơn hẳn những em bé có mẹ không ăn muối bổ sung fluor”. |
Bổ sung fluor từ giai đoạn bào thai
Không chỉ sâu răng, thói quen lười khám răng miệng định kỳ khiến tỉ lệ người VN mắc bệnh viêm quanh răng khá cao. Có tới trên 25% người ở lứa tuổi trung niên viêm lợi hoặc có túi lợi quanh răng; ở lứa tuổi cao hơn tỉ lệ này lên tới trên 35%. Nếu không điều trị kịp thời, chứng viêm lợi, túi lợi quanh răng gây mất răng vĩnh viễn rất nhanh.
Chính vì lý do trên, Viện Răng hàm mặt đã tìm nhiều biện pháp để “làm đẹp nụ cười Việt”. Nhưng trên 20 năm chuẩn bị và triển khai, chương trình nha học đường chỉ mới thực hiện được ở tám tỉnh thành, chăm sóc răng miệng cho một số lượng HS rất hạn chế, những địa phương còn lại phải đợi tiếp do kinh phí đầu tư cho chương trình chưa có! Bổ sung fluor vào nước máy để dự phòng sâu răng cũng là một phương án được tính tới. Nhưng ở một đất nước có tỉ lệ lớn số dân sống ở nông thôn, chưa có nước máy thì phương án này không có lối ra.
Vì lý do trên, từ 2007, Viện Răng hàm mặt T.Ư đã mời chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới bàn soạn việc bổ sung fluor vào muối ăn. Theo ông Hải, một số nước châu Âu đã bổ sung fluor vào muối ăn từ thập kỷ 1960, khi sâu răng chiếm 1/3 vấn đề sức khỏe gây phiền toái nhất lúc đó. Tại VN, nếu thực hiện phương án này (với hàm lượng fluor 250ppm/kg muối), giá muối không đổi do đã có hỗ trợ từ dự án, người dân ai cũng ăn muối sẽ giúp diện dự phòng rộng hơn.
Mỗi người VN ăn 17kg đường/năm!
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năm 1990 mỗi người VN ăn 6kg đường và các thực phẩm tương tự quy ra đường/năm. Nhưng đến 2007 con số này đã là 17kg! Vì lý do này, trong khi tỉ lệ sâu răng ở nhiều nước đã giảm - trung bình chỉ còn dưới 1 răng sâu/trẻ 12 tuổi, thì ở VN con số này gấp đôi, mức 2 răng sâu/bé.
Cũng theo Viện Răng hàm mặt T.Ư, lượng fluor tự nhiên và được bổ sung trong nước ăn uống ở VN vào loại thấp, khoảng 0,1-0,3ppm, trong khi nồng độ fluor trong nước ăn uống tối ưu để dự phòng sâu răng phải ở mức 0,7ppm. Theo ông Hải, lẽ ra việc cung cấp muối ăn trộn fluor cho Lào Cai đã phải bắt đầu từ cuối 2008. Việc chậm trễ do khâu trộn tại VN không đạt yêu cầu, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới phàn nàn muối trộn fluor của VN có độ ẩm quá cao, máy trộn không đảm bảo hàm lượng fluor/kg muối chuẩn!
Gần nhất, cuối tháng 5-2009, công ty muối đã trộn thử 2 tấn muối với fluor tại nhà máy ở Nghệ An, nhưng kết quả vẫn chưa đạt. Vì vậy, dự án sẽ mua riêng một máy trộn để trộn muối, mục tiêu cung cấp muối có fluor ra thị trường từ cuối 2009. Ông Hải cũng cho rằng những nghiên cứu của Viện Răng hàm mặt T.Ư và quốc tế đều cho thấy ở hàm lượng kể trên, fluor trong muối ăn không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hương vị món ăn. Dịp này, Viện Răng hàm mặt T.Ư sẽ thực hiện dự án Nụ cười rạng rỡ VN, chăm sóc răng miệng miễn phí cho 3.000 người dân khu vực Hà Nội thời gian từ 1 đến 30-8-2009.
Ai chẳng muốn có một hàm răng trắng đẹp và không sâu răng. Nhưng ở VN, muốn đạt được điều này, có ý kiến đã cho rằng phải đợi một thế hệ! Muốn rút ngắn thời gian này cần phải nhanh chóng hơn trong việc triển khai các phương án để giảm tỉ lệ răng sâu, bảo vệ răng cho thế hệ người VN mới.
Cơ chế hoạt động chủ yếu của fluor trong phòng ngừa sâu răng: 1. Ảnh hưởng tại chỗ: việc khuếch tán liên tục fluor nồng độ thấp vào khoang miệng làm tăng sự tái khoáng hóa của men răng, làm chắc răng. 2. Fluor ức chế quá trình chuyển hóa đường của vi khuẩn. Chính sự chuyển hóa này biến đổi đường thành axit dưới tác động của vi khuẩn, gây bệnh sâu răng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét