Quần áo chỉnh tề, nói năng chỉn chu từng câu với nội dung mang đậm tính “chính trị”, Tuấn (21 tuổi), nhà ở Đồng Nai, cho rằng mình phải luyện dần như thế để khi chính thức làm quan to thì sẽ không gặp khó khăn.
Đầu tháng 6, khi khát vọng "muốn ngay lập tức làm tướng" của Tuấn đi quá sự chịu đựng của bố mẹ, anh được đưa đến bác sĩ tâm thần.
Trước mặt bác sĩ tâm thần, Tuấn vẫn nghĩ “là người có chức to thì cũng có lúc phải đi khám bệnh. Ai mà chẳng từng nhức đầu đau bụng” và rồi quay sang vị bác sĩ, bảo: “Đồng chí khám nhanh nhanh giúp bởi tôi còn phải soạn thảo một số dự án trình cấp dưới”.
Mẹ Tuấn cho biết, từ cách đây 4 năm Tuấn đã có dấu hiệu khác thường, nhưng gia đình cứ tưởng cậu nhỏ là “báu vật” của gia đình, là “bỗng dưng nhà ta sinh được một con người có tố chất lãnh đạo sẽ làm rạng danh tổ tiên” nên không nên cho đi thăm khám.
“Thật bất ngờ khi nghe bác sĩ nói con mình bị bệnh tâm thần. Lúc 18 tuổi, tôi đã thấy hành động của Tuấn chỉn chu dần. Tuấn ít khi quan tâm đến cảnh buôn bán ở quán tạp hóa của bố mẹ, sống khép kín. Đi học về, Tuấn vào phòng ngay, rồi đọc rồi viết. Tuấn ít nói hẳn nhưng những khi nói thường chỉ nói về những vấn đề chính sách, đường lối. Nghĩ con thích làm chính quyền, vợ chồng tôi lúc ấy lại vui vui. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, cháu liên tục đòi mua vé máy bay ra Hà Nội để nhận chức, tôi mới bắt đầu nghi và đưa con đi khám”, người mẹ đau buồn nói.
Bị tâm thần phân liệt 4 năm, không nghĩ mình là vĩ nhân, nhưng sinh viên 20 tuổi này luôn nghĩ mình vô dụng. Ảnh: Thiên Chương. |
Không đến mức muốn làm lãnh đạo như Tuấn nhưng từ 3 năm trở lại đây, Thành nhà ở quận 4, TP HCM lúc nào cũng nghĩ mình sẽ là Bill Gates. Mua thật nhiều sách về thần tượng của mình, nghiền ngẫm đọc rồi cho rằng mình có tố chất thiên tài giống như Bill.
“Chúng tôi mừng lắm vì gia đình là dân lao động chân tay, cứ nghĩ thằng con này đổi máu, không biết giống ai mà lại được như vậy. Nhưng dần dần, chúng tôi phát hiện nó chỉ nói những chuyện to tát trên mây. Máy laptop vừa mua, phút chốc đã bị Thành tháo tan tành nhưng không ráp lại được. Chiếc máy để bàn cũng bị 'Bill' tháo rời từng bộ phận rồi vứt chỏng nhơ. Về nhà gặp ai nó cũng chê dốt”, bố của Thành than thở.
Cùng suy nghĩ mình là vĩ nhân như Thành và Tuấn, Hải (20 tuổi) sinh viên năm nhất của một trường đại học dân lập nhà ở Tân Bình bảo với gia đình, sau 4 năm nghiên cứu sách vở và tự học, anh đã trở thành tiến sĩ tâm lý. Ban đầu gia đình cũng rất phấn chấn vì nghĩ con có đam mê lành mạnh. Nhưng đến khi phát hiện Hải thường xuyên độc thoại, mà cậu nói là tư vấn tình cảm cho những người cầu cứu, cả nhà mới vỡ lẽ đưa đi khám tâm thần.
Không dừng lại ở mức nghĩ mình là vĩ nhân, sau một thời gian nhốt mình trong phòng riêng, luyện thanh và chính thức công bố mình đã trở thành ca sĩ nổi tiếng, Bảo, quê ở Long An yêu cầu gia đình phải thuê vệ sĩ để bảo vệ anh để khỏi bị các ca sĩ khác vì ganh ghét mà cắt cổ. Sợ mình không thể giữ được chất giọng, Bảo ít nói hẳn và kiêng ăn. Bất cứ món ăn gì Bảo cũng cho là có thể là hư giọng.
“Đi đâu nó cũng bịt khẩu trang với dáng vẻ len lén như trốn tránh sự theo dõi của người khác. Thân thể ngày càng gầy do kiêng ăn. Suy nghĩ “con mình mê ca hát” của vợ chồng tôi tan biến, thay vào đó là sự lo lắng trước những biểu hiện ngày càng bất thường của con. Đến bác sĩ mới biết con mình bị chứng hoang tưởng”, anh Bảy, bố của Bảo nói.
Trao đổi với VnExpress.net,bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, chứng hoang tưởng là một thể của bệnh tâm thần phân liệt. Chưa có thống kê cụ thể số bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng chiếm bao nhiêu phần trăm trong số người bị tâm thần, tuy nhiên, lượng người mắc chứng này đến khám không ít.
Theo bác sĩ Trụ, hiện y học chưa có phương pháp can thiệp để trị dứt chứng hoang tưởng và uống thuốc chống loạn thần được xem là cách phổ thông nhất giúp giảm triệu chứng.
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa - Đồng Nai), các bác sĩ cho biết cũng tiếp nhận các bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng. Hầu hết đều ở thể nặng do bệnh đã xảy ra trong thời gian dài.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, chứng hoang tưởng có thể xuất phát từ hai thể, một là do chứng tâm thần phân liệt, kế đến là do chứng loạn thần cấp.
Hoang tưởng do tâm thần phân liệt là trường hợp tất cả chức năng tâm thần bị chia cắt, bệnh nhân ra rời thực tế, nặng hơn có thể sa sút nhân cách. Nguyên nhân theo tiến sĩ Thọ vẫn chưa được xác định cụ thể tuy nhiên các nhà chuyên môn nghĩ nhiều đến khả năng di truyền, nhiễm virus từ thời nào đó, yếu tố xã hội, các chất dẫn truyền thần kinh bị biến đổi, yếu tố sinh học gây teo vùng não trán... Còn hoang tưởng do loạn thần cấp chỉ mang tính hiện tượng tạm thời (thường do stress, sản phụ sau sinh, bất ngờ thay đổi hoàn cảnh sống).
Với chứng hoang tưởng do loạn thần cấp, bệnh nhân có thể được điều trị dứt bệnh còn hoang tưởng do tâm thần phân liệt hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị tiệt căn mà chỉ có thể can thiệp bằng các loại thuốc chống loạn thần trong thời gian dài.
Tuy nhiên cũng theo ông Thọ, khi nghi ngờ một người bị hoang tưởng, lệch lạc trong suy nghĩ, người nhà cần khuyên người bệnh đến các phòng khám tâm thần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Phát hiện được hoang tưởng ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho điều trị có hiệu quả hơn và tiên lượng bệnh tốt hơn.
Riêng phương pháp phẫu thuật não trị chứng hoang tưởng, bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết thế giới từng áp dụng nhưng đã phải dừng từ thập niên 80 của thế kỷ trước do một số tai biến trầm trọng mà phương pháp này gây nên.
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 cũng cho biết, phương pháp phẫu thuật chưa được thực hiện tại bệnh viện này, tuy nhiên theo ông biết việc mổ não, cắt đứt đường dẫn truyền thần kinh gây chứng hoang tưởng có thể khiến bệnh nhân sau đó bị đờ đẫn.
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét