Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

Nhiều phụ nữ mắc bệnh đau đầu

Căng thẳng trong công việc, mâu thuẫn trong gia đình, lo lắng vì con cái… Những áp lực này lắm khi đã vượt quá sức chịu đựng, làm nhiều phụ nữ phát bệnh đau đầu mãn tính.
Chị N.T.H., 30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, mô tả triệu chứng bệnh đau đầu - Ảnh: T.Dương
PGS.TS Vũ Anh Nhị, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết mỗi ngày chỉ riêng một phòng khám chuyên khoa thần kinh của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tiếp nhận khoảng 170 bệnh nhân mắc bệnh đau đầu mãn tính, trong đó phần lớn là phụ nữ ở lứa tuổi 30-50.
Luôn cảm thấy buồn
Sáng 22-6, chị N.T.H., 30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, dắt theo con trai đang học lớp 5 đến phòng khám để khám bệnh đau đầu cho cả hai mẹ con. Chị H. kể gần đây chị và con trai thường xuyên bị đau đầu. Bốn đêm nay hai mẹ con chị đều không thể chợp mắt. Hơn nữa, chị H. luôn có cảm giác hồi hộp, mệt muốn tắc thở và rất hay quên.
Con trai chị H. dù đã 11 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ so với các trẻ khác, chỉ nặng 23kg. Khi nghe bác sĩ hỏi: “Con sợ điều gì nhất?”, bé ngập ngừng một lát rồi trả lời: “Con sợ mẹ đánh nhất”. Nghe vậy chị H. lập tức lên tiếng: “Nó không đi học mà chỉ lo chơi điện tử”. “Thế cháu không thích đi học hả?”, bác sĩ hỏi tiếp. Cháu bé gật đầu, còn chị H. buồn bã nói: “Trước đây cháu học tốt lắm, chẳng hiểu sao giờ lại vậy”. Bác sĩ chẩn đoán hai mẹ con chị cùng mắc bệnh đau đầu mãn tính do nguyên nhân tâm lý. Con bị đau đầu vì quá sợ mẹ, còn mẹ bị đau đầu vì quá lo lắng cho con. Cháu bé bị áp lực, căng thẳng (stress) kéo dài nên phát triển chậm.
Chị Đ.T.H.M. - 30 tuổi, cô giáo tiểu học ở tỉnh Ninh Thuận - kể gần một tháng nay cô thường xuyên bị đau đầu, không thể tập trung được. Cô luôn có cảm giác hồi hộp và cứ ăn vào lại bị ói ra. Khi bác sĩ hỏi cô có lo lắng gì không, cô than công việc quá nhiều. Bác sĩ chẩn đoán cô mắc bệnh đau đầu mãn tính do nguyên nhân tâm lý và khuyên cô nên giảm bớt công việc.
Cũng tại phòng khám này, một số phụ nữ lớn tuổi mắc bệnh đau đầu mãn tính cho biết trong lòng họ luôn cảm thấy buồn, thường xuyên chảy nước mắt. Điều làm những phụ nữ này lo lắng chủ yếu là từ con cái như con họ mới phải nghỉ việc hoặc làm ăn thua sút…
Đối mặt với stress
PGS.TS Vũ Anh Nhị cho rằng cuộc sống hiện tại có rất nhiều yếu tố gây stress như áp lực công việc cao, việc chăm sóc con cái mất nhiều thời gian hơn (đón đưa con đi học, cho con ăn cầu kỳ hơn…), nhu cầu chi tiêu cho gia đình ngày càng cao. Những áp lực này nhiều lúc vượt quá sức chịu đựng của phụ nữ. Ở những người vốn đã có yếu tố bẩm sinh dễ đau đầu sẽ có nguy cơ phát bệnh đau đầu mãn tính.
Người mắc bệnh này thường bị đau đầu kéo dài từ ba tháng trở lên, đã có người đau đầu suốt 12 năm. Nếu không được điều trị sẽ gây ra những rối loạn cơ thể như hồi hộp, mất ngủ, đau bao tử, ngoài ra còn xuất hiện triệu chứng trầm cảm như lo âu, thậm chí thay đổi tính nết.
Phần lớn nguyên nhân gây đau đầu mãn tính thường khởi phát từ yếu tố tâm lý, xã hội. Do vậy, người bệnh cần được điều trị ở các chuyên khoa về tâm thần, thần kinh. Ở đó, các chuyên gia tâm lý sẽ chú trọng liệu pháp tâm lý, giải thích cho bệnh nhân hiểu yếu tố sinh bệnh, bệnh nhân phải đối mặt để giải quyết. Thời gian điều trị bệnh đau đầu mãn tính kéo dài 3-6 tháng, thậm chí suốt đời.
Theo PGS.TS Vũ Anh Nhị, bệnh đau đầu mãn tính vẫn có thể phòng ngừa được bằng cách tránh những stress có hại. Muốn vậy, mỗi người cần nhìn cuộc sống với tinh thần lạc quan. Những va chạm cuộc sống là điều đương nhiên, nên đừng quá căng thẳng khi gặp phải mà cần bình tĩnh chọn cách giải quyết hiệu quả nhất.
TuoiTre

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét