Để sức khỏe không bị ảnh hưởng, cần duy trì những bữa ăn hằng ngày càng ít bị thay đổi càng tốt Ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị nhiều món ngon, vật lạ để thưởng thức và những thói quen ăn uống, sinh hoạt của mọi người vào những ngày này cũng bị thay đổi. Thêm vào đó, những thức ăn được chế biến sẵn hoặc có nhiều phẩm màu cũng là nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người
Chú ý bệnh tiêu hóa ở trẻ
Thạc sĩ-bác sĩ Đinh Thạc, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết sự phong phú và bắt mắt của các loại thức ăn ngày Tết dễ hấp dẫn trẻ nên trẻ thường ăn thỏa thích. Hầu hết các loại thức ăn này là loại thực phẩm chế biến sẵn, giữ lâu ngày trong tủ lạnh, đôi khi không bảo đảm khi bảo quản, trẻ ăn vào sẽ dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp hay ngộ độc thực phẩm. Trẻ ăn bánh kẹo nhiều hoặc trái cây chưng Tết có thể cảm thấy khó chịu vì hệ tiêu hóa phải chứa một lượng thức ăn ngọt quá lớn. Trẻ thường bị đầy bụng, khó tiêu, đôi khi bị đau bụng dữ dội ở trẻ em bị nhiễm giun tiềm ẩn.
Còn tiêu chảy cấp tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Ngoài ra, trẻ có thể bị tăng đường huyết bất thường làm trẻ phải đi tiểu nhiều và mất nước dẫn đến mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít. Chăm sóc trẻ nên chú ý điều độ việc ăn, uống, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu như cháo, xúp, canh dinh dưỡng, nước trái cây tươi giàu vitamin C... sẽ giúp cải thiện việc tiêu hóa của trẻ. Để phòng ngừa nên cho trẻ ăn những loại thức ăn hợp vệ sinh, giàu dinh dưỡng, hạn chế sử dụng thức ăn dự trữ lâu ngày, trẻ bú bình nên chú ý vệ sinh bình sữa, không cho trẻ uống sữa đã pha để quá 1 giờ.
Còn theo thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, BV Nhân dân 115 TPHCM, nên hạn chế cho trẻ nhỏ ăn nhiều dưa hấu vào ngày Tết vì dưa chứa nhiều nước. Nếu cho trẻ ăn nhiều quá sẽ làm trẻ no, đầy bụng, không thể ăn thêm các thức ăn cần thiết khác. Ngoài ra, hạt dưa có thể lạc vào đường thở gây tắc nghẽn đường thở. Còn khi dùng nước giải khát, do thành phần các loại nước ngọt có chứa cafein sẽ làm bồn chồn hồi hộp, khó chịu, khó ngủ ở một số người. Trẻ em nếu dùng quá nhiều sẽ tăng tính hiếu động, nghịch ngợm, đồng thời có thể gây hại cho hệ tim mạch trẻ.
Người bệnh mãn tính cũng nên thận trọng
Còn ở người lớn, việc thay đổi giờ giấc và thói quen ăn uống cũng gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng khuyến cáo cả người lớn cũng không nên dùng quá nhiều nước ngọt vì loại nước giải khát này có chứa cafein có thể qua được hàng rào nhau thai, nên không dùng nhiều ở phụ nữ mang thai. Nước ngọt cũng chứa một lượng tương đối muối natri, cần thận trọng ở bệnh nhân cao huyết áp, bệnh nhân có bệnh lý thận, xơ gan và tránh dùng cho bệnh nhân có tiền căn loét dạ dày, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đái tháo đường... Cả nước ép trái cây đóng hộp cũng có chứa lượng đường và muối đáng kể, vì vậy cũng cần phải thận trọng ở những bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp, suy thận, xơ gan, béo phì... Tốt nhất là nên sử dụng các loại nước ép trái cây tươi.
Bánh chưng cũng là thức ăn không thể thiếu của mọi nhà. Nếu bánh chưng để lâu, có biểu hiện ôi, thiu, có vị chua, không còn nguyên vẹn... không nên tiếc rẻ mà cố ăn vào có thể sẽ gây ngộ độc, biểu hiện bằng các triệu chứng đau quặn bụng, ói mửa và tiêu chảy. Còn các loại dưa món, dưa hành, dưa kiệu, chả lụa, lạp xưởng, jambon, xúc xích... vừa tiện lợi lại vừa ngon miệng nhưng chứa nhiều loại hóa chất, phụ gia gây độc. Ngoài ra, nếu ăn quá nhiều bánh mứt sẽ làm mất cảm giác đói, giảm cảm giác ngon miệng. Vì vậy, chỉ nên sử dụng bánh mứt sau bữa ăn, với một lượng vừa phải, không nên quá lạm dụng, đặc biệt ở những người cao huyết áp, béo phì, đái
tháo đường...
Viêm tụy cấp do rượu
Vào những ngày Tết, việc dùng các thức uống chứa cồn lượng nhiều, liên tục và kéo dài sẽ làm cho các ống tụy nhỏ bên trong tụy trở nên hẹp hơn và có thể bít tắc gây viêm tụy. Theo bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, hiện nay viêm tụy cấp do rượu rất thường gặp do việc uống rượu, bia quá nhiều đặc biệt là mỗi khi lễ hội, tiệc tùng. Cơn viêm tụy cấp có thể xuất hiện sau một lần dùng cồn quá nhiều hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn.
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp nhưng phổ biến nhất là do tắc nghẽn đường dẫn mật. Đau là dấu hiệu đặc trưng nhất. Hầu hết bệnh nhân viêm tụy cấp đều đau bụng dữ dội vùng thượng vị, dưới mũi kiếm xương ức. Đau thường lan ra sau. Hiếm gặp hơn, đôi khi đau xuất hiện ở vùng hạ vị. Nếu viêm tụy cấp do sỏi mật hoặc do giun thì đau thường xuất hiện đột ngột và nhanh chóng đạt đến cường độ dữ dội chỉ trong vòng vài phút. Đau có thể tồn tại liên tục trong vòng vài ngày. Ho, cử động mạnh, thở sâu đều làm tăng đau. Tư thế ngồi xổm hoặc nằm co gập có thể giảm đau phần nào. Thể trạng bệnh nhân có thể thay đổi rõ trong viêm tụy cấp. Một số viêm tụy cấp thể nặng có thể có triệu chứng bụng gồng cứng và rất dễ tử vong... Các triệu chứng kèm theo là bệnh nhân thường ói rất nhiều và ói liên tục, sốt... Các biến chứng thường gặp bao gồm: giảm thể tích máu, hoại tử tụy, nang giả tụy, suy hô hấp cấp, suy thận cấp, liệt ruột, sốc nhiễm độc, nhiễm trùng huyết...
Tụy ngoại tiết chủ yếu tiết các men tiêu hóa chất đường, đạm, mỡ; tụy nội tiết sản xuất chủ yếu insulin để chuyển hóa đường cho cơ thể là một men quan trọng nhất cho quá trình chuyển hóa đường, thiếu men này sẽ gây tiểu đường.
(http://suckhoegiadinh.org- theo Người lao động)
Quảng cáo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét