Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2009

Rước họa vì kiêng khám bệnh trong ngày Tết




Nhiều người sợ Tết đi khám bệnh sẽ xui cả năm nên không đến nhà thương, đến khi bệnh trở nặng đã phải cấp cứu trong tình trạng thừa chết thiếu sống. Anh Dũng (25 tuổi) nhà ở quận Thủ Đức, TP HCM, vẫn còn nhớ bài học cữ kiêng đầu năm khi Tết năm ngoái không chịu đi khám bệnh, cuối cùng phải nằm viện cấp cứu hơn 2 tuần do sốt xuất huyết gây sốc nặng.

Anh kể, biết mình bị bệnh, uống thuốc 3 ngày vẫn không hết. "Nhưng cứ nghĩ đến chuyện mới đầu năm đầu tháng mà đã vào bệnh viện, tôi ngại quá nên ở nhà luôn, nào ngờ mới sáng mồng 1 Tết thì bệnh trở nặng. Tính già hóa non, cuối cùng tôi phải nằm viện cả tuần với tâm trạng thấp thỏm vì sốt xuất huyết gây biến chứng gan thận", anh Dũng nói.

Chị Hương, nhà ở quận 8, cũng suýt mất đứa con 2 tuổi khi cháu bị ốm mà cả nhà ngại không dám đưa đến bệnh viện, chỉ cho uống thuốc cảm thông thường. Bà cháu bảo, ngày Tết, quét nhà còn phải gom rác lại vì sợ hao tài tốn của thì ai lại đến bệnh viện để xui xẻo cả năm, nên người mẹ cũng nghe theo. Chị nghẹn ngào khi nhớ lại: "May mắn đâu không thấy, chỉ biết đến khi cháu lên cơn sốc thì tất cả đã quá muộn. Các bác sĩ phải cấp cứu hơn một tuần cháu mới bắt đầu hồi phục".

Không kiêng cữ như gia đình chị Hương, anh Dũng, nhưng vợ chồng chị Viên, nhà ở Hóc Môn, lại chủ quan không quan tâm đến việc bị sốt - ho - khò khè của con để rồi cuối cùng, cháu phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, tim mạch bằng không do lên cơn suyễn cấp.
Ngại đi khám ngày Tết, nhiều người phải đến bệnh viện bằng xe cấp cứu vì bệnh đã quá nặng. Ảnh: Thiên Chương.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, Tết năm nào, khoa cũng phải tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu đặc biệt vì cha mẹ chủ quan hoặc kiêng cữ không dám đến bệnh viện. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại các bệnh viện Nhân dân Gia Định, Nhi Đồng 2, Nhiệt Đới TP HCM... Hầu hết ca đều diễn tiến nặng và đe dọa tính mạng.

Theo bác sĩ Tiến, nguy hiểm nhất là các bệnh đường ruột, hô hấp, sốt xuất huyết, bởi nếu nhập viện chậm hoặc không đi thăm khám, diễn biến của bệnh sẽ phức tạp và khó cứu chữa.

"Nhiều phụ huynh thấy con mình bị tiêu chảy nhưng không quan tâm hoặc cố chờ qua Tết mới đưa đi khám, cuối cùng do tiêu chảy nhiều lần cơ thể không bù kịp nước dẫn đến bệnh nhi bị ngất lịm, thiếu ôxy não và tử vong", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, dù trong ngày Tết, cứ thấy trẻ sốt từ 2 đến 3 ngày không giảm thì nên vào bệnh viện thăm khám. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài, phụ huynh không nên tự cho trẻ uống thuốc cầm đi tiêu mà nên đưa đến bệnh viện khám để có hướng điều trị hợp lý.

Riêng với người lớn tuổi, theo bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, viêm ruột thừa, thủng dạ dày tá tràng là các chứng dễ khiến người bệnh chủ quan không đi khám, do tâm lý cứ nghĩ đến việc bị rối loạn tiêu hóa.

"Hậu quả của việc kiêng khám đầu năm hoặc chủ quan đối với căn bệnh đau bụng là rất nguy hiểm bởi càng kéo dài, nguy cơ bệnh trở nặng phải nằm viện dài ngày để điều trị, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Đây là điều đã từng xảy ra với nhiều bệnh nhân", bác sĩ Dũng nói.

Để tránh việc "hối hận thì đã muộn", bác sĩ Dũng khuyên, nếu đau bụng kéo dài có kèm theo nôn ói, sốt, dùng thuốc không thuyên giảm thì người ốm nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Ngoài ra việc uống nhiều bia rượu, đi du xuân trong thời tiết rét hoặc trời nắng cũng có thể khiến cơ thể dễ bị các chứng bệnh cấp tính như viêm dạ dày, ngộ độc rượu, cảm lạnh và say nắng.

Bác sĩ Dũng cũng khuyên: "Để không phải mất vui, khi nâng chén, mọi người nên uống chừng mực, uống rượu có nguồn gốc. Người cao tuổi và trẻ em khi đi chơi Tết nên giữ gìn cơ thể để khỏi ngã bệnh".

Ngoài các chứng bệnh cấp tính, theo bác sĩ Dũng, trong ba ngày xuân, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu cũng nên có chế độ ăn uống hợp lý để tránh việc sau Tết bệnh trở nên nặng hơn.

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y Tế TP HCM, cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, tất cả bệnh viện vẫn làm việc 24/24 giờ. Do đó khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.

(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)


Quảng cáo:



My World Visitor Profile Map

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét