Cũng như mọi năm, vào những ngày rét đậm, rét hại, người già và trẻ nhỏ lại nhập viện tăng đột biến vì các bệnh về viêm đường hô hấp, tim mạch, huyết áp… Nhiều người bị nguy hiểm đến tính mạng vì chủ quan.
Người già: Ngã qụy vì rét
Rét đậm, nhưng mới sáng sớm ngày thứ 2 đầu tuần, Viện Lão khoa quốc gia (Hà Nội) đã chật cứng người già đến khám bệnh. Có vợ chồng già dìu nhau đến, cả hai cùng khám.
Cụ già đi khám bệnh tại Viện Lão khoa quốc gia. Ảnh chụp vào sáng 12/1.
Th.S Trung Anh, Trưởng khoa khám bệnh của Viện Lão khoa quốc gia cho biết: Lượng người đến khám tăng 30% so với tuần trước, căn bệnh chủ yếu là tim mạch, tăng huyết áp, viêm phế quản.
Chỉ trong sáng ngày 12/1, BS Trung Anh đã phải khám cho 4 người bị bệnh tim mạch và 5 người bị cao huyết áp.
Một trong những bệnh nhân nhập viện sáng nay là ông D, 80 tuổi. Ông bị tai biến mạch máu não từ trước, phải nằm một chỗ và không chủ động được việc tiểu tiện. Đợt lạnh này, do người nhà chủ quan, mặc ít áo cho ông, lại thêm việc chậm thay quần khi ông đi tiểu nên ông đã bị ngấm lạnh và bị viêm phổi. Chỉ đến khi ông bị suy hô hấp do viêm phổi, người nhà mới đưa ông vào viện. BS Trung Anh nhận định, bệnh nhân này bị rất nặng và khó điều trị.
Đang điều trị tại viện còn có bệnh nhân Nguyễn Thị Dễ, 88 tuổi (Phùng Hưng, Hà Nội). Bà bị đột qụy do dậy sớm, trong khi thời tiết còn quá lạnh, nhiệt độ thấp. Ngay lập tức bà đã bị hôn mê, liệt, teo não và cấm khẩu. Mặc dù đã điều trị gần một tuần nhưng bà mới chỉ cử động tay chân được rất ít.
Theo TS Đỗ Thị Khánh Hỷ, Phó Viện trưởng Viện Lão khoa, hiện nay, 120 giường của viện đều kín, một số bệnh nhân phải chuyển sang điều trị tại khoa khác. Đáng tiếc là có tới 50% bệnh nhân ở đây nhập viện trong tình trạng bệnh nặng.
Cách sơ cứu tai biến mạch máu não tại nhà
- Để bệnh nhân nằm yên tĩnh tại chỗ, không lay chuyển, xoa bóp, đánh gió vì vận động lúc này sẽ gây thêm tổn thương ở não. Gọi cho cơ sở cấp cứu gần nhất.
- Nếu bệnh nhân có nôn mửa, quay nghiêng đầu để tránh sặc.
- Bệnh nhân cần thoáng, không nóng và lạnh quá, không nên tập trung đông người khiến không khí ngột ngạt, bệnh nhân mất bình tĩnh.
- Không tự tiện cho bệnh nhân dùng thuốc (uống hoặc tiêm) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.
- Không vội vã chuyển bệnh nhân đến bệnh viện bằng các phương tiện thô sơ và gây xóc.
- Nếu có điều kiện chỉ tiến hành theo dõi mạch, đo huyết áp, nhịp thở, hỏi để biết tỉnh hay mê. Việc cho thở oxy và vận chuyển do cán bộ y tế quyết định.
Theo các bác sĩ, thời tiết lạnh chính là nguyên nhân khiến các cụ già bị tăng huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não và viêm phổi.
Khi gặp lạnh đột ngột, các mạch máu thường co lại ngay, dẫn đến bị tai biến mạch máu não.
Với căn bệnh viêm phổi và viêm phế quản, BS Trung Anh cho biết, có người già do sức đề kháng kém, khi mắc bệnh này, thậm chí họ không thể sốt để kháng bệnh, mà chỉ có các triệu chứng âm thầm, khó phát hiện. Đến khi bị quá nặng, không thể thở được, nhiều người nhập viện thì đã trong tình trạng suy hô hấp, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Trẻ em: Bệnh về hô hấp tái phát
Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu do các bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên… Chủ yếu là các bệnh nhi dưới 2 tuổi.
Bác sĩ Lê Thị Minh Hương, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong những ngày này, bệnh viện luôn bị quá tải, số bệnh nhi nhập viện thường cao gấp đôi số giường bệnh mà khoa hiện có. Khi thời tiết lạnh, sức khỏe lại kém nên các cháu thường bị virus tấn công.
Cháu Nguyễn Thùy Linh, 15 tháng tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội phải nằm viện điều trị đã 2 ngày tại đây. Cháu bị viêm nhiễm đường hô hấp dẫn tới viêm phổi. Do thói quen tự điều trị ở nhà, lại điều trị không dứt điểm nên bệnh cháu đã bị nặng lên. Từ ho, khò khè, khó thở, lại bị kéo dài, bệnh tình cháu đã chuyển sang viêm phổi vì rét.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa Nhi thống kê, có tới gần 300 trẻ đến khám trong một tuần, trong đó tới 60- 70% trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi. Có bệnh nhi phải điều trị bằng kháng sinh từ 5- 7 ngày.
Những lưu ý không thể xem thường
Vào những ngày đông giá rét, chỉ với những quan sát và lưu ý nhỏ, những người thân trong gia đình đã có thể bảo vệ sức khỏe cho người già và trẻ em, tránh những sự cố đáng tiếc trong sức khỏe.
Với người già, theo BS Trung Anh, cần tập thể dục đều đặn nhưng thời gian tập phải muộn hơn, lúc có ánh mặt trời, chứ không nên ra ngoài quá sớm; không nên bỏ thuốc đang điều trị, nhất là với bệnh viêm phế quản để tránh bị các cơn bệnh kịch phát trở lại.
Người già bị bệnh tim cũng không nên chủ quan với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Với những người bị cao huyết áp, không nên xem thường có những giây phút bị liệt thoáng qua như thoáng yếu một tay hoặc chân và sau đó hồi phục lại ngay; thoáng mờ mắt vài giây sau lại thấy được… Đó là những dấu hiệu tai biến mạch máu não thoáng qua, báo hiệu một cơn tai biến sẽ tới. Nếu điều trị sớm sẽ giúp tránh được cơn tai biến nặng sắp tới.
Với người già bị viêm phế quản, mặc dù không sốt nhưng những triệu chứng như khó thở, chỉ nói câu ngắn; thở ngắn, nông; ho; khạc đờm; môi tím; da bạc… cũng cần phải được khám chữa kịp thời.
Ngoài ra, để tăng cường sức khỏe, người già cần được ăn nóng, ăn thức ăn nhiều năng lượng và bổ sung qua đường uống các loại vitamin A, D, E, C, các vi chất như: canxi, muối khoáng, kali, đồng kẽm, thực.... Các cụ cũng nên uống đủ 1,5 lít nước/ngày để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ.
Với trẻ em, để phòng bệnh, nguyên tắc đầu tiên là các cha mẹ phải giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ ra ngoài trời lạnh. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng buổi tối trước khi đi ngủ và vào buổi sáng lúc ngủ dậy.
Khi có triệu chứng bị bệnh viêm đường hô hấp, các bé cần được bác sĩ khám, chứ bố mẹ không được tự ý chữa bệnh.
Hiền Lê - vtc
Quảng cáo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét