Cuối năm, nhiều ông bố bà mẹ đưa con em mắc bệnh vào viện truyền máu, hi vọng có một cái Tết bình yên. Nhưng máu ở các bệnh viện càng gần những ngày này càng hiếm. Chiều cuối năm, cô bé Đặng Thị Cún nằm bẹp trên giường bệnh, đợi mẹ đi mua cơm về. Em cùng mẹ Bàn Thị Sinh lặn lội từ Văn Chấn, Yên Bái, xuống Bệnh viện Nhi Trung ương đã gần được hai tuần. Chị Sinh là người dân tộc Dao, thật thà nói: “Tôi cũng không biết cháu bị bệnh gì”.
Thực ra, Cún bị mắc một căn bệnh di truyền khá phổ biến ở các dân tộc ít người: bệnh huyết tán. Ngược với bệnh thiếu máu, căn bệnh này khiến sắt trong máu bị ứ lại ở lá lách, tim, gan…, làm chúng sưng to. Không có máu để truyền kịp thời, bệnh nhân sẽ bị suy kiệt sức khỏe, và tử vong trước tuổi thành niên. Bệnh nhân chỉ có thể duy trì sự sống bằng cách truyền máu liên tục và uống thuốc thải sắt.
Nếu không có máu, Cún sẽ phải nằm bẹp thoi thóp trong viện thế này cả Tết. Ảnh: Hà Thế Lực.
Nhập viện được gần hai tuần, Cún đã phải truyền 5 túi máu. Nhưng những ngày cuối năm, bệnh viện thiếu máu trầm trọng, máu được ưu tiên cho những ca cấp cứu, hai mẹ con nhiều hôm phải chờ máu trong mỏi mòn. Mỗi ngày trôi qua, số tiền vay mượn của hai mẹ con ít dần đi, bữa cơm chỉ có rau và đậu phụ.
Khác với Cún, việc nhập viện liên tục của cháu Nguyễn Hương Ngọc (13 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đã quá quen thuộc với các y bác sỹ Bệnh viện Nhi suốt 8 năm qua. Bị xuất huyết giảm tiểu cầu, căn bệnh khiến máu đã chảy thì không thể cầm được, tới tuổi dậy thì, tháng nào cháu cũng phải tiếp máu khi tới ngày có kinh. Lần gần đây nhất, cháu đã phải truyền 6 túi máu.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương, mẹ Ngọc, nói trong nước mắt: “Cứ tưởng tượng máu từ người cháu chảy ra như dội nước vào quần…”. Bố cháu đã mất, hai mẹ con mỗi tháng lại lụi hụi tay xách nách mang lên bệnh viện. “Nhưng khổ nhất là những ngày viện thiếu máu, nhiều khi phải đợi đến hai, ba ngày, ăn chực nằm chờ”. Một năm gần đây, mỗi tháng cháu nằm viện đến hai mươi ngày…
“Chuẩn bị đầu tiên cho Tết là đưa con đi truyền máu”
Tiến sĩ Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, cuối năm, những gia đình có con em bị bệnh về máu đồng loạt đưa con em vào viện. “Tôi phát hiện ra rằng, việc đầu tiên họ chuẩn bị cho Tết là đưa con em vào viện truyền máu, hy vọng có một cái Tết bình yên”.
Riêng bệnh huyết tán, hiện bệnh viện đang quản lý hồ sơ của khoảng 1.000 cháu. Nỗi khổ của họ, theo các y bác sĩ, là “không biết đâu mà kể”. Vì ở các tỉnh rất thiếu máu, họ lên Hà Nội với hy vọng sẽ được truyền máu nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Nhưng bệnh viện chỉ đáp ứng chưa được 50% nhu cầu máu của bệnh nhân.
“Mỗi năm có 300 - 500 bệnh nhân huyết tán có nguy cơ tàn phế suốt đời vì thiếu máu để truyền. Các bệnh nhân ở xa thì kiệt quệ kinh tế sau vài lần tiếp máu và đi lại", tiến sĩ Trực cho biết.
Cũng theo ông, ngay cả với những gia đình khá giả hơn, các bệnh viện cũng hầu như không bao giờ có đủ máu để tiếp. “Mỗi lần bệnh nhân cần máu truyền, phải đăng ký trước. Sớm nhất cũng phải sau 2 ngày, thậm chí 5 ngày mới tìm được nguồn máu tiếp, còn nếu không tìm được, chúng tôi cũng đành bó tay nhìn bệnh nhân sống thoi thóp, chết dần chết mòn”.
Tiến sĩ Trực từng chứng kiến những người mẹ chỉ nặng 40 kg, gầy như que củi, nhưng mang hai đứa con bị huyết tán nhập viện. “Những trường hợp như vậy, thì dẫu có rút kiệt máu người mẹ cũng không đủ cho hai đứa con”.
Theo số liệu từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dự tính mỗi năm cả nước cần 1,6-1,7 triệu đơn vị máu, trong khi hiện giờ, mỗi năm, chúng ta mới có được khoảng trên 500.000 đơn vị. Viện trưởng, Phó giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết, cuối năm, đi vận động hiến máu rất nhiều nơi người ta còn không chịu tiếp. Năm cùng tháng tận, người ta có quá nhiều việc phải quan tâm, phải làm.
Trong khi đó, lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện lớn nhất là học sinh sinh viên thì cuối năm cũng là thời điểm họ tập trung vào thi học kỳ, sau đó là kỳ nghỉ Tết, do vậy việc lấy máu càng khó khăn. Một lý do khác, đó là số ngày có thể thu gom máu rất ít, trong khi số máu thu được thì phải được bảo quản để dùng cho nhiều ngày. Đây là khó khăn rất lớn cho việc đảm bảo máu cho điều trị.
Những hoàn cảnh như cháu Cún, cháu Ngọc…không phải là hiếm ở các bệnh viện. “Chúng tôi sẽ làm việc cật lực để có thể đưa các em về quê ăn Tết”, tiến sĩ Trực thở dài. “Nhưng một cái Tết an lành cho các em đành phụ thuộc vào những người hiến máu thôi”.
(http://suckhoegiadinh.org - theo Vnexpress)
Quảng cáo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét