Thứ Năm, 15 tháng 1, 2009

Hy vọng mới cho bệnh nhân động kinh




Ở nước ta, bệnh nhân động kinh thường được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần nên thường bị những người xung quanh cư xử không đúng

Vừa qua, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (TPHCM), đã chọn ra 2 bệnh nhi trong số 200 trường hợp trẻ bị động kinh đến tầm soát ở đây để điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Đây là lần đầu tiên tại VN, động kinh được điều trị tận gốc bằng phẫu thuật. Từ trước đến nay, việc điều trị động kinh ở VN chưa phát triển và chủ yếu là bằng thuốc nên không mang lại hiệu quả cao, bệnh nhân phải chịu những di chứng suốt đời hoặc dẫn đến tình trạng kháng trị do lờn thuốc.

Nhiều dạng tổn thương não gây động kinh

Ở VN hiện nay, động kinh vẫn là một vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo các điều tra gần đây, tỉ lệ mắc động kinh ước tính khoảng 5/1.000. Hầu hết các trường hợp là vô căn, còn những trường hợp có nguyên nhân thì được xác định có thể bị nhiễm khuẩn thần kinh, tổn thương não ở trẻ quanh thời gian chào đời, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não... Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, Phó Chủ tịch Hội Thần kinh TPHCM, yếu tố gia đình có tỉ lệ khoảng 27,3%.

Mặc dù bệnh nhân động kinh không phải là người mắc bệnh tâm thần mà đây là những dạng tổn thương ở não nhưng ở VN hiện nay, bệnh nhân động kinh vẫn được quản lý bởi các trung tâm sức khỏe tâm thần. Điều này dễ làm cho những người xung quanh có cách cư xử không đúng đối với người bị động kinh.

Theo GS Delalande (BV Rothschild – Pháp), phẫu thuật động kinh đã phát triển từ hơn 20 năm nay tại các nước Âu, Mỹ nhưng chỉ mới bắt đầu áp dụng tại VN. Bệnh nhân động kinh cần được khám và điều trị ở chuyên khoa thần kinh chứ không phải tâm thần thì việc điều trị mới mang lại kết quả cao.

Những tín hiệu vui

Bé Đ.G.A.T, 3 tuổi, có bướu máu ở mặt từ khi mới sinh và đến năm 2 tuổi, em bắt đầu có những cơn co giật liên tục. Em được chẩn đoán có bướu máu ở não và được điều trị bằng nhiều loại thuốc kháng động kinh nhưng không khỏi. Trẻ mắc bệnh bướu máu ở mặt và não là một dạng bệnh rối loạn da – thần kinh bẩm sinh với các cơn động kinh phức tạp liên tục rất khó kiểm soát bằng thuốc.

Màn hình vi tính theo dõi bệnh nhân và từng cơn động kinh trong não

Còn bé N.M.C, 11 tuổi, thì bị những lần té ngã liên tục, bé được chẩn đoán nhiều lần là hạ đường huyết, hạ can-xi, rối loạn thần kinh thực vật và lần sau cùng đi khám ở Phòng khám Động Kinh nhi tại BV Nguyễn Tri Phương được chẩn đoán là hội chứng Lennox Gastaut.

Theo bác sĩ chuyên về động kinh nhi Nguyễn Thanh Thủy, BV Nguyễn Tri Phương, đây cũng là một hội chứng có các cơn động kinh rất đa dạng, đặc biệt là các cơn giảm trương lực cơ làm bệnh nhân bị té ngã liên tục. Hội chứng này, theo bác sĩ Thanh Thủy, cũng rất khó điều trị, thường phải phối hợp nhiều loại thuốc trị động kinh mà hiệu quả trị liệu không cao lại còn để lại các di chứng nặng nề về trí thông minh cho trẻ.

Nhóm các bác sĩ chuyên khoa thần kinh - phẫu thuật thần kinh ở BV Rothschild (Pháp), BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân dân 115 đã tiến hành hội chẩn và phẫu thuật cho 2 em. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Khoa phẫu thuật thần kinh BV Nhân dân 115, sau phẫu thuật 2 tuần, tình trạng của 2 bé cải thiện rõ, bé Đ.G.A.T hết hẳn các cơn động kinh, còn bé N.M.C có mật độ các cơn thưa dần và mức độ trầm trọng cũng giảm đi nhiều.

Đánh giá chức năng não trước khi điều trị

Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, phẫu thuật động kinh được áp dụng cho các trường hợp có tổn thương não gây động kinh (như u não) hay khi bệnh nhân điều trị thuốc không hiệu quả (gọi là động kinh kháng trị) và thường là các bệnh nhân bị cơn động kinh cục bộ. Gần 20%-25% bệnh nhân động kinh có vấn đề kháng trị và một số trường hợp này cần được phẫu thuật động kinh. Bệnh nhân sẽ được đánh giá chức năng trí tuệ bằng các test tâm thần kinh. Quan trọng nhất là việc chẩn đoán bằng máy video điện não (video EEG) để ghi lại chính xác các hoạt động điện não cùng lúc với các cơn động kinh xuất hiện ở bệnh nhân trong 24 giờ, giúp xác định được ổ động kinh chính xác để việc cắt bỏ đúng ổ động kinh, tránh xâm phạm vào các vùng chức năng của người bệnh như vùng ngôn ngữ, vùng vận động... Nếu trẻ được điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao.

(http://suckhoegiadinh.org- theo Người lao động)

Quảng cáo:



My World Visitor Profile Map

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét