Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

Tiễn Táo quân về Chầu trời - Sự tích táo quân




Không khí Tết nhộn nhịp bắt đầu kể từ ngày "tiễn" Táo quân về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 Âm Lịch). Theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ, "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp.

Vào ngày này, Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay Ông Trời). Táo quân cũng còn gọi là Táo công là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Thí dụ:

+ Năm hành kim thì dùng màu vàng
+ Năm hành mộc thì dùng màu trắng
+ Năm hành thủy thì dùng màu xanh
+ Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ
+ Năm hành thổ thì dùng màu đen

Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công. 

Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!

Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).

Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...v...v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v...v..) để tiễn Táo công.

Sự tích Táo quân bắt nguồn từ Trung Hoa, truyện đã được "Việt Nam hóa" với nhiều tình tiết khác nhau. Tuy nhiên, các câu truyện vẫn nói lên "tình nghĩa yêu thương" giữa một người vợ và hai người chồng cũ và mới. Chính vì những mối ân tình đó mà ba người đều đã quyên sinh vì nhau. Thượng đế thông cảm mối tình sâu nghĩa đậm này đã cho về bếp núc ở gia đình... Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.

Mâm cúng táo quân thường bao gồm:

1. "Phục trang" của ông Công ông Táo. Một đôi cá chép vàng (loại nhỏ để cúng, ở chợ chỗ bọn mình có bán đấy), nhớ để vào cái bình cao cao kẻo cá nhảy ra ngoài. Tuy nhiên có nhà ko cần cá sống vì đã có cá chép giấy thường bán kèm trong túi "phục trang". Cái này là theo tích cá chép hóa rồng. Nhà tớ thì toàn cũng cá sống để còn được ra cầu Thăng Long thả cá.

2. Thịt lợn luộc: 1 miếng, thịt vai gáy. Đi chợ sớm mua nhé vì chợ nhỏ thế này nhanh hết lắm.

3. Một món canh: canh măng với xương. 

4. Một món xào có rau.

5. Một đĩa muối.

6. Hoa quả vàng mã.

Sự tích Táo quân :

Thủa xưa có một gia đình được ba người con trai. Họ rất mực thương yêu nhau và tuy ba người con đều đã xây dựng gia đình riêng nhưng vẫn cùng nhau phụng dưỡng cha già. Trước lúc lâm chung người cha gọi ba con đến trước mặt dặn rằng: 

- Trước khi nhắm mắt cha rất yên lòng thấy các con biết thương nhau. Các con đã hết lòng lo cho ta từng miếng ăn đến giấc ngủ, nay cha đã quá yếu, đó là lẽ trời. Nếu cha có nhắm mắt, các con hãy nhớ làm đúng như lời cha dặn, các con hãy khiêng cha đi, khi nào sợi dây quàng quan tài đứt, thì các con đặt cha tại đó, dù ở trên đá hay ở dưới khe suối. Các con hãy nhớ kỹ mà làm đúng như vậy. 

Ba người con trai cúi đầu vâng dạ. Người cha trăn trối vừa dứt lời thì cũng tắt thở. 

Ba người con làm đúng như lời cha dặn . Sau khi liệm kỹ, họ dùng dây quàng quan tài cẩn thận rồi nhằm hướng tây mà khiêng đi. Ba anh em khiêng quan tài đã mấy hôm nhưng sợi dây vẫn chưa đứt. Một hôm, khi đi trên một tảng đá lớn thì bỗng nhiên sợi dây đứt. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều. Ba anh em bèn hạ quan tài người cha xuống ngay trên tảng đá nọ. Người anh nói với hai em rằng : 

- Chúng ta không thể nào đào huyệt trên tảng đá này được các em ạ. Bây giờ hai em hãy trở về nhà xem xét nhà cửa, vì ta đã đi lâu rồi. Ta sẽ lần lượt túc trực, khi nào thi thể cha tiêu tan mới thôi. 

Tối hôm ấy người anh cả chất củi, nổi lửa ngồi túc trực bên quan tài. Khoảng gà gáy canh đầu, chàng thấy mỏi, dựa lưng vào gốc cây thiu thiu ngủ. Bỗng chàng giật mình vì có tiếng rên to ngay dưới chỗ để quan tài, nơi chàng nằm cũng chuyển động mạnh. Chàng choàng dậy nhìn chiếc quan tài bị lún xuống đến nửa vào đường nứt ấy. Rồi chàng lại nghe tiếng rên than cầu cứu từ kẽ nứt dưới quan tài vọng lên. 

- Ôi, ngột ngạt khó thở quá, ai làm ơn lôi dùm chiếc quan tài này lên, ta sẽ biếu một hũ vàng. Chàng cả nghe vậy bèn hỏi lại rằng : 

- Chẳng hay quái vật tên là gì? Hũ vàng đó hiện ở đâu? Nếu điều người vừa nói là đúng là sự thật thì ta sẽ cứu cho. 

Tiếng kêu cứu ấy liền trả lời: 

- Ta chính là Khổng Long nằm tại chân núi này. Chiếc quan tài ai vừa đặt lên đây đã lọt vào miệng ta khi ta vặn mình ngáp mạnh. Vậy xin chàng hãy làm ơn kéo lên giúp, ta sẽ trả công hậu. Hũ vàng vừa rồi ta chôn dưới gốc cây bồ đề ngay chân núi này về phía mặt trời mọc. 

Nghe quái vật nói vậy chàng nửa tin nửa ngờ bèn lần đến chân núi, nơi con quái vật chỉ, để xem hư thật ra làm sao. Bỗng mắt chàng hoa lên, một hũ vàng khối đầy ắp lộ quá nứa. Chàng vần hũ vàng lên. Lúc ấy trời cũng vừa rạng sáng. 

Hôm sau đến lượt người em thứ hai. Anh cả dặn dò em kỹ rồi mang hũ vàng về. Tối hôm ấy người em thứ cũng làm đúng như lời người anh cả dặn. Chàng chất củi đốt lửa rồi ngồi canh quan tài cha. Và chàng cũng nghe có tiếng rên than cầu cứu của Khổng Long. Rồi chàng được một hũ bạc mà Khổng Long mách là chôn ở phía tây gốc cây bồ đề. 

Ðến phiên người em út, chàng cũng đốt lửa, rồi ngồi dựa vào gốc cây đại thọ cạnh quan tài. Khoảng đầu canh tư, chàng đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng kêu rên từ dưới quan tài vọng lên: 

- Xin chàng trai hãy làm ơn kéo chiếc quan tài này lên khỏi miệng ta, ta sẽ biếu một bầu linh dược cải tử hoàn sinh. 

Nghe vậy chàng út lấy làm thắc mắc, tại sao quái vật lại không cho ta hũ vàng, hũ bạc như hai anh , mà lại cho một bầu nước thuốc. Nghĩ vậy chàng lên tiếng hỏi quái vật: 

- Tại sao lại chỉ cho ta một bầu nước? Nước ấy dùng để làm gì? Cho ta biết ta sẽ cứu. 

Con quái vật nói: 

- Bầu linh dược ấy linh nghiệm, dùng để cải tử hoàn sinh, người hay vật, dù mới chết hay chết lâu chỉ cần đem nước thuốc vẩy qua thì sẽ sống lại. 

Nghe thần Khổng Long nói vậy, chàng út liền đến ngay cây bồ đề trèo lên xem thử. Chàng thấy nơi ngọn cây có một chiếc bầu nhỏ trong đựng đầy nước. Chàng vừa đem được bầu nước ấy xuống thì trời cũng vừa rạng sáng. Chàng định trở lại chỗ quan tài để vẩy nước thuốc cứu người cha, đồng thời cũng là xem thử sự linh nghiệm của thuốc. Nhưng khi trở lại thì không thấy chiếc quan tài nữa, và nơi kẽ đá núi cũng liền lại. Chàng út bèn xách bầu linh dược ra về. 

Trên đường về chàng chú ý nhìn xem có con vật nào nằm chết ngang đường để thử xem nước có linh nghiệm không. Bỗng trước mặt một con chó chết trương đã lâu ngày. Chàng bèn cho thử ngay, vẩy linh dược lần thứ nhất thì thấy da thịt con chó liền lại. Vẩy lần thứ hai thì chó thở đều rồi mở mắt sống lại. Chàng út vô cùng mừng rỡ ôm bầu thuốc đi về nhà và kể chuyện xẩy ra với hai người anh. 

Từ khi có bầu linh được, mỗi khi nghe tin có ai chết ở đâu là chàng tìm tới. Vì chàng có tài cải tử hoàn sinh chẳng bao lâu đồn khắp xa gần. 

Một hôm, trong lúc chàng đi vắng, một bọn côn đồ xông vào nhà lục soát. Bọn cướp tra khảo người vợ chàng, bắt nộp vàng bạc, khi không có gì chúng bèn mổ bụng vợ chàng, moi hết ruột gan vứt đi rồi chuồn thẳng. 

Chàng út trở về thấy người vợ hiền đã nằm chết trên vũng máu. Trong lúc đang nghĩ cách cứu sống người vợ, thì con chó trước kia từ ngoài chạy vào. Chàng gọi con chó lại và nói với nó: 

- Này chó, trước kia mi đã chết, nhưng ta lại cứu sống cho mi. Nay vợ ta gặp nạn, bị bọn cướp lấy mất ruột gan, mi hãy vui lòng cho ta mượn tạm bộ lòng cho vợ ta rồi ta sẽ lại hoàn sinh cho mi, được không ? 

Con chó ngoe nguẩy đuôi bằng lòng. Chàng út mổ lấy bộ lòng của con chó đặt vào thi hài người vợ rồi lấy linh dược vẩy lên khắp thân hình vợ. Bỗng chốc nàng cựa mình rồi mở mắt nhìn chàng vẻ ngơ ngác như vừa qua một giấc ngủ mê. Chàng ôm lấy vợ kể hết cho nàng nghe những việc đã qua. Sau đó chàng bảo vợ lấy miếng giẻ rách để bện làm ruột gan cho chó. Chàng đem đoạn giẻ nhúng bùn non rồi đặt vào bụng chó, dùng linh dược vẩy lên. Con chó sống lại . 

Thấy chồng có thứ thuốc lạ, người vợ vô cùng ngạc nhiên và đâm ra tò mò. 

Một hôm nhân lúc vắng chồng, nàng bèn lấy bầu linh dược ra, thò hai ngón tay vào bầu lấy nước bôi lên mặt. Nàng soi gương thấy mặt mình trở lên quái dị như mặt quỷ thì hoảng lên, bèn xách cả bầu linh dược trút hết khắp từ đầu đến chân. 

Thật kỳ lạ, khi soi lại mình, nàng như không nhận ra mình nữa. Tóc dài chấm gót, nước da trắng như ngọc, mịn màng hồng hào. Nàng xinh đẹp tựa như tiên nữ giáng trần. Sự hoá thân cực kỳ xinh đẹp của nàng làm cho người chồng khi trở về cũng hết sức ngạc nhiên, ngơ ngác. 

Thấy chồng nhìn mình không chớp mắt, nàng mỉm cười, rồi nhỏ nhẹ kể lại cho chàng nghe về sự lỡ lầm của mình, và mong chàng tha thứ. 

Chàng út hết sức vui mừng khi thấy người vợ trở nên xinh đẹp tuyệt vời như vậy. Nhưng nghĩ lại tiếc linh dược nên chàng đem trồng vào nơi có nước thuốc một khóm hành và một cây quế. 

Chưa đầy tuần trăng cây quế đã cao một thước rưỡi, bụi hành cao hơn hai thước. 

Tin người vợ chàng út có sắc đẹp tuyệt trần đến tai vua. Nhà vua liền cho quân đến bắt nàng về cung làm vợ. Hai vợ chồng rất mực thương nhau nhưng không giám cãi lệnh vua. Hai người ngậm ngùi chia ly, hẹn ngày đoàn tụ. 

Thế rồi, một hôm đang lúc thẫn thờ nhớ vợ, chàng út nghĩ lại được một kế hay. Chàng nhổ hết bụi hành và cây quế bỏ vào hai cái thúng, rồi gánh đi. Ðến ngoài cổng thành nhà vua, chàng rao to: 

- Ai mua hành hai thước, quế một thước rưỡi không? 

Cứ thế chàng rao đi rao lại ngày một to hơn. 

Riêng về người vợ chàng út từ khi bị bắt về kinh thì tự nhiên cấm khẩu, nhà vua đã cho mời các lương y giỏi đến chữa chạy nhưng đều không khỏi. Nhà vua cho bầy mọi trò tiêu khiển, nhưng cũng đều vô hiệu. Vua đã ra lệnh ban thưởng rất hậu cho ai có tài chữa khỏi bệnh cho nàng. Nhưng mọi người đều bó tay. 

Bỗng nghe có tiếng rao hàng lạ vào cung thất, nàng định tâm nghe kỹ. Rồi nàng vui sướng gọi một nàng hầu đứng gần đó đến, bảo nó xuống lầu, mời người giao hàng nọ đem hàng vào cho nàng mua. Nhưng vừa nghe tiếng nàng thốt ra, nhà vua đã cho dẫn chàng đến. Nhà vua cho đuổi hết những quân hầu ra ngoài rồi bắt chàng đổi quần rách rưới cho mình. Nhà vua muốn chính mình từ nay sẽ làm cho nàng được khuây khỏa để chịu làm vợ chồng với mình. 

Sau khi mặc xong bộ cẩm bào, đội xong hia mão của nhà vua vừa đổi, chưa kịp để cho tên vua ham dâm sắc làm trò mua vui cho nàng, thì chàng út đã ra lệnh cho quân lính bắt trói hắn lại, và truyền lệnh nổi lửa hoả thiêu ngay. 

Thấy có lửa hỏa thiêu dưới lầu, người vợ chàng út tưởng nhà vua đã truyền lệnh thiêu sống chồng mình nên từ trên lầu nhảy xuống để cùng được chết chung với chồng trên giàn hoả. Chàng út thấy vợ mình quyên sinh theo vua thì cho rằng nàng đã bội nghĩa, nên cũng đành hủy thân cho xong, bèn nhẩy luôn vào đống lửa tự thiêu. 

Khi lửa tàn, bá quan trong triều bàn nhau định lập đền thờ vua và hoàng hậu nhưng không làm cách nào để phân biệt được đâu là sọ vua, nên đành cho lập đền thờ chung và ban lệnh cho bàn dân từ nay muốn đốt lửa bắt kiềng phải dùng ba hòn đá chụm lại, tựa như ba cái đầu của ba người đã chết thiêu chung vậy. Ðó chính là sự tích táo quân.

Nguồn Vndoc.tk sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét