Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009

Y tế Việt Nam vượt thách thức đi lên

2008 đã đi qua để lại nhiều lo lắng. Bão lớn, động đất và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng lúc mang lại nhiều thiệt hại và đầy rẫy nguy cơ cho nhân loại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn không ngừng phát triển và ngành y cũng thể hiện bản lĩnh của mình để bước vào một năm mới - 2009.

Đương đầu với thách thức

Dường như minh chứng cho thông điệp của Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2008 "Y tế là một trong số những lĩnh vực mà biến đổi khí hậu gây tác động nhiều nhất và hiện nay đang bị tác động", năm 2008 chứa đựng đầy những thiên tai. Mở đầu là một đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong lịch sử - 35 ngày liên tục miền Bắc luôn ở dưới mức 15oC, thậm chí dưới 10oC. Cái rét không chỉ làm thiệt hại của cải, vật chất mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đợt mưa lũ kéo dài ở các tỉnh phía Bắc, trận mưa lụt lịch sử ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận một lần nữa đặt ngành y tế trước những khó khăn. Số người bệnh phải nhập viện tăng đột biến đã đưa các bệnh viện vốn hằng ngày đã quá tải lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng. Không chỉ thiên tai, thảm họa cũng là một thách thức lớn với cộng đồng. Vụ nổ khí metan ở mỏ than Khe Chàm, Quảng Ninh vẫn còn làm nhiều người kinh hoàng... 

Những công việc vốn rất bình thường của các thầy thuốc như lắp đặt lò sưởi, quạt sưởi, lồng ấp... trong những ngày giá rét trở nên đầy ý nghĩa. Bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh vượt qua thời điểm khó khăn bởi bàn tay, nỗ lực, tâm huyết của các bác sĩ, y tá gồng mình giúp dân chống trả và phòng tránh dịch bệnh. 

Sự cộng hưởng của các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm đưa ngành y tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn hơn nhiều. Sự trở lại của các vi khuẩn như tả, lao cùng sự gia tăng số lượng người mắc ung thư, tiểu đường, các bệnh tự miễn đã đòi hỏi các thầy thuốc phải đương đầu cùng lúc nhiều tác nhân mà không phân biệt cái khó, cái dễ.

 Tuyên truyền cách phòng bệnh cho đồng bào vùng cao.

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam ngày một nâng cao đòi hỏi những nỗ lực, đầu tư phù hợp của ngành y tế. Thực tế lại không đáp ứng được như vậy, ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho y tế có hạn, mức sống của phần lớn người dân vẫn còn thấp làm hạn chế khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế. Tỷ lệ chi NSNN cho y tế trong tổng chi NSNN tăng không đáng kể qua nhiều năm và vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực và so với kiến nghị của WHO. Nếu như tỷ lệ mong đợi được cho là khoảng 10% thì thực tế NSNN mới đáp ứng được 6,1%. Bên cạnh đó, diện bao phủ BHYT vẫn còn thấp, mức đóng BHYT... cũng thấp so với chi phí dịch vụ nhưng lại khá cao so với khả năng đóng góp của người dân, một số chính sách tài chính cho y tế đã dần trở thành lạc hậu như: chính sách viện phí, cơ chế phân bổ NSNN... Hơn bao giờ, tài chính cho y tế luôn là nguyên nhân làm đau đầu các nhà quản lý.

Không chỉ là những biến động về khí hậu, cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu có những tác động không nhỏ tới ngành y tế nói chung và ngành dược nói riêng. Giá đồng euro, đồng đô-la biến động, lạm phát tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp dược lao đao. Mua không dám mua mà bán cũng phải... dè dặt. Không hoạt động thì lo sập tiệm mà càng hoạt động thì càng lỗ vốn. Thế nhưng thuốc vẫn không được thiếu, giá không được tăng đột biến bởi bệnh tật không vì khủng hoảng mà ngừng lại, người dân không vì biến động kinh tế mà phải chịu ốm đau. Một loạt các động tác ở tầm vĩ mô đã kiềm chế thành công mức tăng giá thuốc và dịch vụ y tế. Nhìn trên biểu đồ biến động của chỉ số giá tiêu dùng mà Tổng cục Thống kê đưa ra, đường biểu thị diễn biến giá dược phẩm và dịch vụ y tế luôn đi ở phía dưới đường chỉ số CPI (CPI tháng 12/2008 là 127,97 thì chỉ số của nhóm lương thực là 149,16; nhóm thực phẩm là 132,36; nhóm dược phẩm và dịch vụ y tế là 108,87). Trong tình hình biến động kinh tế, điều hành để đủ thuốc cho dân, để không làm dân kiệt quệ vì tiền thuốc chữa bệnh quả thực là một thành tích không thể không tôn vinh. 

Hệ lụy khó tránh của phát triển xã hội là khoảng cách ngày càng xa giữa giàu - nghèo, giữa nông thôn - thành thị dẫn đến sự khác biệt về tình trạng sức khỏe của người dân. Thách thức này không phải là mới mẻ nhưng lại đang có xu hướng gia tăng và làm các nhà quản lý đau đáu nghĩ suy. Làm cách nào để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, tỷ suất chết mẹ - những chỉ tiêu sức khỏe cơ bản vẫn còn cao ở những vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa? Để trẻ em, phụ nữ, người già ở vùng nghèo được khỏe mạnh hơn, được chăm sóc chu đáo hơn? 

Khó khăn dồn lên những khó khăn. Song người cán bộ y tế đã không nao núng bởi trong trái tim và khối óc của họ có kiến thức, có kỹ năng và có lương tâm nghề nghiệp và nữa, họ còn được tiếp sức bởi sự nhiệt huyết và tâm trí từ vị Bộ trưởng của mình. Hình ảnh ông Bộ trưởng lặn lội xuống thực địa, đến với từng trạm y tế ở Tây Nguyên - vùng đất nghèo nhất, khó khăn nhất của cả ba miền khó khăn để tìm cách tháo gỡ, để có phương án đầu tư hiệu quả cho y tế cơ sở, để (nói như ông Bộ trưởng) người dân Tây Nguyên "không bị thiệt thòi". Hay lúc ông đến các bệnh viện giữa những ngày mưa ngập nước ngang người để cùng với nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân. Và trong tâm trí người lính Quảng Trị năm xưa luôn trăn trở những nghĩ suy. Từ việc làm sao để 10 năm nữa có đủ 11.600 bác sĩ cho vùng sâu, vùng xa? Làm cách nào để các bệnh viện dần bớt quá tải?... Đến cách làm thế nào để ngày một nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân? Những trăn trở đó đã trở thành Đề án 1816, thành hành động cụ thể và được ý chí hóa bởi sự đồng tâm, đồng lòng của lớp lớp các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến TW, bệnh viện loại 1 khi họ thay nhau về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hỗ trợ, đào tạo cho cán bộ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Xã hội hóa y tế - chìa khóa của thành công

Xã hội hóa là một trong những chìa khóa đi đến thành công của ngành y tế Việt Nam và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2008 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện xã hội hóa trong hoàn cảnh nền kinh tế đang phát triển mạnh đã khiến không ít cơ sở y tế có xu hướng lạm dụng dịch vụ để tăng nguồn thu làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo - nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong xã hội Việt Nam ngày nay. Đây là một thách thức lớn đối với ngành y tế trong việc muốn tăng cường huy động được nguồn tài chính cho y tế nhưng vẫn phải bảo đảm được tính công bằng trong CSSK. Tuy vậy, trong nhiều nhận định đánh giá ở nhiều góc độ, ngành y tế được cho là có công tác xã hội hóa tốt nhất, hiệu quả nhất. Có thể đánh giá đó không chỉ căn cứ vào con số 74 bệnh viện ngoài công lập với 5.600 giường bệnh hay trên 30.000 phòng khám tư hay trên 21.000 quầy thuốc tư... mà vào tỷ lệ người dân đã sử dụng khu vực dịch vụ này cũng như tiếng nói của các cơ sở y tế này trong ngành.

Đánh giá những thành tựu của một hệ thống y tế, người ta thường dựa vào những cải thiện sức khỏe người dân cho dù đó không phải cơ sở duy nhất. Và chỉ tiêu có giá trị quốc tế nhất phải nói đến là tỷ lệ tử vong trẻ em. Nếu như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc là những quốc gia có thu nhập bình quân cao hơn Việt Nam nhiều thì trong nhiều năm qua, mức giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi của Việt Nam lại đứng đầu.

Về lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá: "Thành công của Việt Nam trong lĩnh vực y tế là điều nhiều người biết đến. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi xấp xỉ với tỷ lệ ở nhiều nước khác có thu nhập cao hơn nhiều". Chỉ số HDI - chỉ số phát triển con người trong vài năm gần đây của Việt Nam cũng ngừng được nâng cao. Riêng năm 2007/2008 chúng ta đã vượt 4 bậc để đứng thứ 105 trên thế giới. Nói một cách không chủ quan, so với các nước có cùng thu nhập, y tế của Việt Nam đã vượt xa. Thế giới đã công nhận: xét về kinh tế, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, nhưng nền y tế thì tương đương một nước trung bình. Điều đó có nghĩa là người dân chúng ta đang được thụ hưởng một nền y tế tiến bộ hơn so với khả năng kinh tế hiện có.

Để có được những thành tựu đó, mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp đóng một vai trò quan trọng. Tính đến nay, 100% các xã phường có cán bộ y tế hoạt động; 65,1% trong số đó có bác sĩ; 93,3% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 86,8% có cán bộ y tế thôn bản; 55% đạt tiêu chuẩn quốc gia về trạm y tế xã; 97% phụ nữ có thai được chăm sóc thai sản; 65% thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT... Những con số khô khan mang lại những hiệu quả to lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân bởi đó chính là cánh tay y tế nối dài xuống đến từng thôn bản làm những hạt nhân triển khai các chương trình y tế và chăm sóc cho từng người dân nghèo. Các chuyên gia y tế thế giới đã thực sự ngưỡng mộ hệ thống này của chúng ta "Cần phải công nhận những thành công của hệ thống cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam. Cơ cấu nhiều tầng xuống đến tận xã, phường đã giúp cho các can thiệp dự phòng đạt được mức bao phủ rộng và bảo đảm cho phần lớn dân cư tiếp cận được các can thiệp cơ bản" (Báo cáo của WB).

Hướng về phía trước

Năm 2009 là một năm đặc biệt đối với đất nước, với dân tộc - Năm thực sự hội nhập - Năm thực sự hòa đồng cùng thế giới - Năm bắt đầu thực hiện những cam kết với thế giới về các chính sách kinh tế. Đó là mở cửa, là thuế, là cạnh tranh, là thách thức và phát triển. Và cho dù thách thức có khó khăn cỡ nào, cho dù cơ hội có khó nắm bắt đến đâu, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vẫn là trách nhiệm, là nghĩa vụ là tâm niệm của những người đeo đuổi nghề y. Và đương nhiên, để thuốc không thiếu một viên, dân không thiếu người khám chữa bệnh trong hoàn cảnh kinh tế biến động này, những nỗ lực của ngành y tế cần được phát huy cao hơn bao giờ hết. Và cũng hơn bao giờ, con người đã, đang và mãi là mối quan tâm chung, là cái đích của sự hy sinh, cống hiến, của mỗi thầy thuốc cũng như bất cứ mối quan hệ nào. Đó chính là cốt lõi, là nét nhân văn của nền y tế nước nhà. Như ai đó đã từng nói: "Hệ thống chăm sóc y tế phải như một tấm vải dệt từ rất nhiều sợi" - thế nghĩa là phải có một sự đồng bộ, thống nhất.

http://suckhoegiadinh.org theoSuckhoedoisong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét