Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

“Ca đầu tiên tử vong do cúm” là tin vịt

Chưa có bệnh nhân nào tử vong vì cúm A/H1N1. Chiều 1-8, bác sĩ Phan Văn Nghiệm - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM - khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ. Trước đó có một “thông báo khẩn” được lan truyền trên mạng và blog là “sinh viên N.T.H., Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bị tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1”.

Bác sĩ Nghiệm khẳng định đến nay không có ca dương tính nào có biến chứng nặng. Những bệnh nhân còn đang nằm viện điều trị sức khỏe đều rất ổn định. Nếu có ca tử vong vì cúm A/H1N1 cũng như tình hình dịch có những diễn biến lạ, bất thường thì ngay lập tức Sở Y tế TP sẽ họp báo để công bố thông tin. Vì thế, người dân không nên lo lắng, tin theo và phát tán những tin đồn thất thiệt như thế này.

* Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Văn Bình - cục phó Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - đã có cuộc họp với Sở Y tế TP.HCM về tình hình phòng chống cúm tại TP và bàn các giải pháp cho thời gian tới. Cục Y tế dự phòng và môi trường đánh giá việc thành lập “bệnh viện dã chiến” ở trường học để kịp thời cách ly, điều trị, giám sát, ngăn chặn dịch lây lan là mô hình hay sẽ được cục báo cáo, đề xuất với Bộ Y tế và Chính phủ để nhân rộng đến các tỉnh, thành khi dịch lây lan rộng trong trường học, cơ quan, xí nghiệp...

* Ngày 1-8, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe (T4G) TP.HCM cho biết số điện thoại 1089 (dịch vụ miễn phí giải đáp thắc mắc về cúm A/H1N1 do T4G phụ trách) sẽ tăng giờ tham vấn qua điện thoại lên tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Giờ trực cũng thực hiện liên tục từ 7g30-22g.

* Chiều 1-8, ông Tấn Quốc Tần, chủ tịch UBND xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước - cho hay sau bảy ngày tạm ngưng, chợ Thuận Phú đã hoạt động trở lại từ trưa 1-8 sau khi ngành y tế phun thuốc khử trùng toàn bộ chợ, các khu vực lân cận lần hai và địa phương không phát hiện thêm trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.

Ngày 1-8 chỉ thêm 18 ca nhiễm cúm A/H1N1

Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường - cho biết ngày 1-8, cả nước ghi nhận thêm 18 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam 4 ca, miền Bắc 8, miền Trung 4, Tây nguyên 2).

Tính đến ngày 1-8, cả nước có 868 ca nhiễm cúm A/H1N1 và không có trường hợp tử vong. Đã có 454 người khỏi bệnh và xuất viện, 414 trường hợp đang được cách ly, điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

* Sở Y tế TP.HCM cho biết trong ngày 1-8, tại TP có thêm hai ca mới dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số ca mắc lên 614 trường hợp. Tại một số ổ dịch cũ như Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm (Q.9) và Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến đã gần một tuần qua không có thêm ca mắc mới tại trường và cộng đồng. Tại Trường ĐH RMIT (Q.7), hai ngày nay cũng không ghi nhận ca mắc mới. Riêng bốn ổ dịch nhỏ khác với vài ca mắc lẻ tẻ đều đã được giám sát chặt chẽ, tổ chức cách ly, giám sát các trường hợp tiếp xúc.

* Theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), đến ngày 1-8 toàn thế giới đã ghi nhận 183.326 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 1.148 trường hợp tử vong.

L.TH.HÀ - A.THOA - T.LIÊM - L.TRƯỜNG - TTXVN

__________________

Thường thức về cúm A/H1N1:

Trời mưa giúp giảm lây nhiễm cúm A/H1N1?

TS.BS Trần Tịnh Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - trả lời một số thắc mắc của bạn đọc về việc lây nhiễm cúm khi mưa xuống. Ông Hiền cho biết:

- Virus cúm A nói chung và H1N1/09 lây lan qua các giọt chất tiết từ đường hô hấp. Những giọt này được bắn ra khi ho, nhảy mũi... và chỉ đi xa khoảng 1m. Do đó, đeo khẩu trang là nhằm để tránh những giọt bắn này. Virus cúm không tồn tại lâu trong không khí. Tuy nhiên, nếu khẩu trang ướt thì phải thay ngay vì sẽ làm virus xâm nhập dễ hơn. Nếu sử dụng các loại khẩu trang có lớp ngoài cùng chống thấm nước, dầu... mà bị mưa ướt thì cũng hết tác dụng vì virus có thể thấm theo nước vào đường hô hấp.

* Hiện nay có thuốc ngừa cúm A/H1N1 không?

- Hiện chưa có văcxin cho cúm A/H1N1/09 mà chỉ có văcxin phòng bệnh cúm mùa. Văcxin này gồm phối hợp ba chủng cúm lưu hành nhiều nhất trong năm dựa trên thông báo của Tổ chức Y tế thế giới gồm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.

* Ở VN hiện có bao nhiêu bệnh viện có thể xét nghiệm được cúm A/H1N1?

- Những nơi thực hiện được xét nghiệm RTY-PCR để tìm virus cúm H1N1/09 là: Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội, Viện Các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới quốc gia, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Tây nguyên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Nếu bệnh nhân có chỉ định xét nghiệm thì không phải trả tiền. Chi phí mỗi xét nghiệm khoảng 1,5-2 triệu đồng.

L.TH.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét