Sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn bị cách ly tại Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Yêu cầu Sở Y tế TP.HCM báo cáo vụ đội giá Tamiflu Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường cho biết đã có văn bản gửi Thanh tra Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở Y tế TP.HCM báo cáo vụ việc phát hiện một số nhà thuốc tại thành phố đội giá bán Tamiflu lên gấp 3, từ khoảng 450.000 đồng do nhà cung cấp cam kết bán ra tại toàn thị trường VN lên 1,4- 1,5 triệu đồng/hộp 10 viên. Theo ông Cường, VN không thiếu Tamiflu, riêng một nhà nhập khẩu là Công ty Vimedimex đã nhập khoảng 20.000 hộp Tamiflu từ đầu 2009 tới nay, gấp 20 lần so với tổng số bệnh nhân A/H1N1 từ đầu vụ dịch đến nay ở VN, trong tháng 9 Vimedimex dự kiến nhập thêm trên 4.000 hộp và hiện còn tồn kho trên 2.000 hộp. LAN ANH |
Ngày 3-8, bệnh nhân T.T.B. sốt cao liên tục, ho khạc đàm trắng, tiêu lỏng vài lần kèm theo ói. Bà B. đã đến khám tại Bệnh viện Q.10, tự uống thuốc ba ngày tại nhà nhưng không bớt. Thấy vậy, gia đình đã đưa bà đến nhập viện tại Bệnh viện Q.10.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 10g25 ngày 6-8 với chẩn đoán viêm phổi. Tại bệnh viện này, bệnh nhân được truyền dịch, xét nghiệm và chụp X-quang phổi. Tuy nhiên, chẩn đoán ban đầu chỉ là theo dõi sốc sốt xuất huyết - viêm phổi.
Sau ba ngày điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, tình trạng của bệnh nhân B. vẫn không cải thiện nên bệnh viện đã hội chẩn với các khoa tim mạch, nội nhiễm, sau đó mời Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đến hội chẩn và lấy mẫu xét nghiệm cúm A/H1N1 vào ngày 9-8.
Ngày 10-8, kết quả xét nghiệm PCR của bệnh nhân này tại labo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho thấy đã dương tính với cúm A/H1N1. 20g ngày 10-8, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi nặng không loại trừ do virus - bội nhiễm phổi - hội chứng suy hô hấp cấp tính. Bệnh nhân được thở máy và tiếp tục được điều trị thuốc vận mạch của Bệnh viện Nhân dân 115. Dù đã được các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh của bệnh nhân diễn tiến càng xấu dần. Lúc 22g25 ngày 10-8, bà B. đã tử vong.
9g30 ngày 11-8, Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lấy mẫu bệnh phẩm tử thi để làm lại xét nghiệm PCR cho bệnh nhân B.. Kết quả PCR dương tính với cúm A/H1N1 đã được kiểm chứng lần 2 tại labo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM. Sở Y tế TP.HCM cho biết nguyên nhân gây tử vong cho ca bệnh này là do hội chứng suy hô hấp tiến triển - suy đa tạng trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 có mắc hội chứng Down.
Theo ông Lý Ngọc Kính - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, tối 11-8 cục đã nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về bệnh nhân A/H1N1 tử vong tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Theo ông Kính, tỉ lệ tử vong bệnh nhân nhiễm A/H1N1 nói chung khoảng 0,3-0,5%, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có bệnh mãn tính (như bệnh nhân kể trên), béo phì, phụ nữ có thai, người già… Ông Kính cũng cho rằng bệnh nhân B. đã bị ốm một số ngày trước khi đến bệnh viện, do đó khả năng tử vong cao hơn.
Như vậy, đây là bệnh nhân tử vong thứ hai do cúm A/H1N1 tại VN. Trước đó ngày 3-8, bệnh nhân T.T.K.L., 29 tuổi, bị nhiễm cúm A/H1N1, đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Theo ông Nguyễn Văn Châu - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Bệnh viện Q.10, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiến hành khử trùng môi trường, giữ thi thể bệnh nhân tại nhà đại thể Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để phòng chống lây lan. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã thông báo cho UBND Q.10 và các ban ngành đoàn thể của Q.10 tiếp tục hỗ trợ gia đình trong thời gian mai táng tại địa phương. Sở cũng sẽ tiến hành điều tra dịch tễ các ca tiếp xúc để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Ngày 11-8, Bộ Y tế xác nhận có thêm 33 bệnh nhân cúm A/H1N1 dương tính trong ngày, nâng tổng số bệnh nhân đến nay là 1.211 người. 883 bệnh nhân trong số này đã được điều trị khỏi và được ra viện, hai người tử vong, số còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện.
T.DƯƠNG
Cách ly 185 giáo viên, sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân - trưởng khoa cúm A - thăm các bệnh nhân đang cách ly tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM sáng 11-8 - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Hàng loạt vấn đề bức xúc xảy ra với đoàn khách du lịch gồm 185 người là cán bộ, giáo viên và sinh viên Trường CĐ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, đi du lịch Sa Pa từ ngày 6 đến 8-8, sáng 8-8 có đi thăm Hà Khẩu (Trung Quốc), đến đêm 8-8 có hơn 10 thành viên trong đoàn bị sốt. Sở Y tế Lào Cai đã cử ba nhóm cán bộ tới khám tổng thể và xét nghiệm khẩn trương, phát hiện 21/185 người trong đoàn bị sốt. 21 người này cùng hai giáo viên đã được cách ly tại Lào Cai, đến nay đã xác định 5/23 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.
Theo ông Trần Tịnh Nguyên - giáo viên của trường đi theo đoàn, ngày 10-8 khi về Hà Nội có thêm năm thành viên trong đoàn bị sốt, qua xét nghiệm tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia, có thêm hai người dương tính với cúm A/H1N1. Hai bệnh nhân này đang được cách ly điều trị tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia. 160 người còn lại đang được cách ly tại Trường cán bộ Hội Nông dân VN ở đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến Trường cán bộ Hội Nông dân VN gặp đoàn khách du lịch kể trên, một số cán bộ, sinh viên bị cách ly vẫn có thể ra vào trường bình thường.
Tối cùng ngày, có thêm tám sinh viên trong đoàn bị sốt, nhưng phòng cách ly tám sinh viên vẫn ở sát các phòng ở bình thường khác. Ông Nguyên cho hay có 160 người bị cách ly, nhưng cơ quan y tế chỉ cấp cho đoàn... sáu chai nước súc miệng, tám hộp Tamiflu để giáo viên cho sinh viên bị sốt uống, 3 giờ/lần, các giáo viên và học sinh tổ chức cặp nhiệt độ cho nhau, ai sốt tiếp tục được điều phối vào phòng cách ly và uống Tamiflu!
“Tôi mong số sinh viên còn lại được xét nghiệm và khám sức khỏe tổng thể, bởi chúng tôi đang rất lo cả đoàn trở thành bệnh nhân cúm A/H1N1 do tiếp xúc gần với bảy người đã mắc bệnh trong suốt hành trình từ TP.HCM đi Sa Pa, Hà Khẩu, về Hà Nội... Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng nhưng chưa có kết quả, họ chỉ đến để hỏi chúng tôi nhiều lần về lịch trình, số thành viên. Việc cách ly theo tôi hiện nay là... cách ly cho có” - ông Nguyên bức xúc cho biết.
Cũng theo ông Nguyên và một số cán bộ đi cùng đoàn, mặc dù Chính phủ đã có quy định miễn chi phí điều trị và xét nghiệm cho bệnh nhân cúm A/H1N1, nhưng tối 10-8, khi đến một số cơ sở y tế trung ương ở Hà Nội, năm giáo viên và sinh viên của trường đã được yêu cầu đóng 225.000 đồng/người mới được xét nghiệm.
Do cạn kiệt tài chính, họ đề nghị được đóng trước 900.000 đồng (đủ xét nghiệm cho bốn người theo yêu cầu) và xin nợ lại chi phí của một người, đoàn sẽ đóng chi phí sau nhưng không được đồng ý. Hai sinh viên được xác định nhiễm cúm cũng được yêu cầu nộp tiền ứng trước mới được điều trị. Do chưa có đủ tiền ứng trước cho bệnh viện, hai sinh viên này đã phải ngồi đợi nhiều giờ trước khi được nhập viện vào đêm 10-8.
LAN ANH-TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét