Sau bốn ngày ho sốt, bé Hải (3 tuổi) nhà ở Đồng Nai đột nhiên khó thở. Nghi cúm H1N1, các bác sĩ làm xét nghiệm, tuy nhiên kết quả sau đó cho thấy, bệnh nhi bị viêm phổi cấp do nhiễm một loại vi khuẩn thông thường.
Nhiều trẻ bị suy hô hấp cấp, thậm chí tử vong chỉ vì viêm phổi. Ảnh: Thiên Chương. |
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, bé Hải mê man và không thể tự thở, các bác sĩ cấp cứu tích cực nhưng phải đến sau 7 ngày nằm viện, bệnh nhi mới bắt đầu bình phục. Các bác sĩ nhận định, loại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây bệnh cho Hải vốn tồn tại trong cộng đồng và nguy hiểm không kém H1N1 nếu người bệnh chủ quan.
Cũng ho, sốt, khạc đàm, sau 4 ngày phát bệnh, ông Hòa, 52 tuổi ngụ tại quận Tân Phú, TP HCM, vào bệnh viện trong tình trạng khó thở do suy hô hấp. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy phổi của bệnh nhân trắng xóa do tổn thương. Nghi cúm H1N1, bệnh viện lập tức được cách ly để điều trị cúm, tuy nhiên kết quả sau đó cho thấy, người bệnh chỉ bị viêm phổi do vi khuẩn thông thường.
Giải thích các trường hợp trên, các bác sĩ chuyên khoa hô hấp cho biết, thực tế cho thấy, từ khi chưa có dịch H1N1, những trường hợp viêm phổi trong cộng đồng tương tự đã xảy ra và nếu chủ quan không điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong còn cao hơn cúm H1N1.
Thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cho thấy, hiện tượng nhiễm khuẩn hô hấp rất thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm, một trẻ có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp từ 3 đến 5 lần. Nếu chủ quan không điều trị, bệnh có thể nặng và gây viêm phổi.
Tiến sĩ Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hội hô hấp TP HCM, cho hay, “biến chứng viêm phổi thường khiến màng phổi có mủ, xơ phổi, dãn phế quản. Nặng hơn bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm trùng cơ quan ngòai phổi như gan, thận, lách, suy hô hấp và tử vong”.
Cũng theo ông Ngọc, với viêm phổi do vi khuẩn (tức không phải do virus H1N1 hay H5N1 gây ra), người bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên nếu tự điều trị, điều trị không đúng thuốc sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả vẫn là việc người bệnh chủ quan chủ quan trước các triệu chứng ho sốt kéo dài. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh viêm phổi do vi khuẩn thông thường trở nên nguy hiểm là do các biểu hiện lâm sàng không quá rõ ràng.
Để phòng bệnh viêm phổi, tiến sĩ Ngọc, việc giữ gìn sức khỏe tốt, uống vitamin C, ăn uống đủ chất là rất cần thiết bởi sẽ tạo cho cơ thể sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Còn theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, kiểm tra nhịp thở tại nhà có thể phát hiện chứng viêm phổi ở trẻ. Trẻ viêm phổi sẽ có nhịp thở nhanh hơn trẻ bình thường. Nhịp thở nhanh được tính như sau: Với trẻ dưới 2 tháng tuổi là 60 lần trên phút; từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 đến 11 tháng và 40 lần/phút trở lên ở trẻ 12 tháng - 5 tuổi. “Dấu hiệu thở co lõm lồng ngực cho thấy bệnh đã nặng, cần nhập viện ngay để điều trị ngay” bác sĩ Tuấn nói.
Riêng việc điều trị, để tránh biến chứng, theo các bác sĩ, phụ huynh cho trẻ uống kháng sinh thích hợp đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Với người lớn, nhất là người cao tuổi, khi thấy triệu chứng ho, sốt kéo dài, khó thở thì nên đi khám tại các cơ sở y tế.
VNE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét