Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

Phong tỏa một thị trấn Trung Quốc vì dịch hạch chết người

Ba người chết, một người đang thập tử nhất sinh và một người bị ốm nặng sau khi dịch hạch thể phổi - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất - xuất hiện tại thị trấn Ziketan, ở tỉnh Thanh Hải.

Bệnh bùng phát hôm 30/7 và khiến 12 người dân thị trấn Ziketan, hạt tự trị dân tộc Tây Tạng Hainan, bị ốm. Đến lúc này, 7 người còn lại đang ở khu vực cách ly và trong tình trạng ổn định.

Các nhân viên y tế đã tẩy trùng khu vực có người nhiễm bệnh và theo dõi những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân dịch hạch.

Quan chức chính quyền đã phong tỏa toàn thị trấn (trải rộng 3.000 km2, có dân số 10.000 người) và những vùng phụ cận. Khu vực này đã được cung cấp đầy đủ thực phẩm dự trữ, và việc cách ly không làm xáo trộn cuộc sống của dân địa phương.

Trung Quốc đã phong tỏa thị trấn Ziketan, ở tỉnh Thanh Hải, phía tây nước này, sau khi dịch hạch thể phổi xuất hiện tại đây. Ảnh: PressTV.

Tổ chức Y tế thế giới cho biết dịch hạch thể phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới, bệnh nhân có thể chết trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm.

Người bệnh hít phải vi khuẩn hạch thể phổi khi chúng phát tán trong không khí, hoặc do mổ xẻ, ăn phải động vật nhiễm bệnh (thường là chuột), sau đó có thể truyền sang người khác khi ho mà không cần vật trung gian.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh tật Mỹ, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 4 ngày, người nhiễm bệnh thường có triệu chứng sốt, đau đầu, suy nhược cơ thể, sau đó chuyển sang ho, đau ngực, khó thở, đôi khi ho ra máu.

Dịch hạch thể phổi là một trong 3 loại chính của dịch hạch, được chia theo loại nội tạng mà bệnh tấn công (gồm dịch hạch thể phổi, dịch hạch thể hạch bạch huyết - loại thường gặp nhất và dịch hạch thể nhiễm trùng máu), đều do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Nhưng dịch hạch thể phổi hiếm gặp nhất và cũng nguy hiểm hơn cả bởi nó có thể lây từ người sang người.

Từ năm 2001 tới nay, WHO ghi nhận 6 trận dịch hạch thể phổi, chủ yếu ở những vùng xa xôi.

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam những năm trước chủ yếu là dịch hạch thể hạch bạch huyết. Tuy nhiên, kể từ ca bệnh cuối cùng năm 2003 tại Tây Nguyên, đến nay qua giám sát chưa ghi nhận ca mới nào.

“Dù phía tây Trung Quốc rất xa Việt Nam, nhiều năm nay nước ta không ghi nhận ca bệnh, nhưng các cửa khẩu vẫn được chỉ đạo giám sát chặt chẽ, nhất là những chuyến tàu xe chở hàng hóa, vì chuột mang vi khuẩn dịch hạch có thể theo hàng hóa vào Việt Nam”, ông Nga cho biết.

Dịch hạch thường lây lan qua tác nhân truyền bệnh là bọ chét, có thể chữa trị được bằng kháng sinh nếu phát hiện sớm. Tỷ lệ tử vong là 60% nếu không được chữa trị.

Ông Nga đặc biệt lưu ý nếu khu vực sinh sống có bọ chét, chuột, nhất là khi phát hiện có chuột chết, sau đó người bị sốt, nổi hạch... thì cần nhanh chóng đi khám bệnh. Với những người hay làm thịt chuột cũng cần hết sức lưu ý, vì nếu tay có vết xước, vi khuẩn gây bệnh hạch có thể xâm nhập qua vết hở vào máu và gây bệnh.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét