Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

Những người có nỗi ám ảnh kỳ quặc

Cửa khóa chưa? Lò tắt chưa? Để chuông báo thức chưa? Đa số chúng ta vẫn tự hỏi mình như vậy. Và khi đã kiểm tra lại, những thắc mắc này sẽ chấm dứt. Nhưng với người bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức, các câu hỏi ấy hành hạ họ ngày đêm.

Đôi khi, sự ám ảnh đẩy họ đến những nghi thức kỳ quái, và chúng bắt đầu kiểm soát cuộc đời họ.

Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD) không những bị tra tấn bởi sự ám ảnh và các nghi thức lặp đi lặp lại, mà còn bởi các hình ảnh và suy nghĩ không mong muốn tái xuất dai dẳng trong đầu. Bệnh nhân thường bị người khác hiểu nhầm.

Dưới đây là câu chuyện về những đứa trẻ đang vật lộn để chống chọi với rối loạn này.

Cô bé không thể thôi sợ bẩn

Có vẻ ngoài giống như bao thiếu nữ tuổi teen khác, song bên trong, cô bé 15 tuổi Bridget (từ bang New Jersey, Mỹ), đang vật lộn để thoát khỏi cảm giác sợ hãi không thể chịu đựng nổi rằng nhà mình bị bẩn và có thể gây bệnh cho cô.

Chị Karen và con gái Bridget, trong thời gian đầu trị liệu của cô bé 15 tuổi. Bridget tin rằng mẹ bẩn, và bằng cách nào đó sẽ lây bẩn sang cho mình. Ảnh: ABC News.

Với cô bé, luôn có thứ gì đó trong nhà không sạch sẽ, và khi vật khác chạm vào nó cũng bẩn theo. Ngoài hội chứng này, Bridget là một học sinh giỏi ở trường, yêu bơi lội và thích thú với cuộc sống trong gia đình, cô là niềm tự hào của cha mẹ.

Những dấu hiệu của rối loạn xuất hiện ở tuổi 11, mà theo mô tả của người mẹ là nhu cầu được hoàn hảo ở trường.

"Mọi môn học đều phải được điểm tối đa, hoặc con bé phải viết đúng chính tả của tất cả các từ. Sau đó, đột nhiên con bé bắt đầu nhận ra rằng sách của nó phải được đặt ở một vị trí nhất định, và nó không muốn vài vật nào đó chạm đến", Karen, mẹ em, kể lại.

Khi Bridget lên trung học, căn bệnh trở nên nặng hơn. Cô bé sợ người nhà bẩn, và không cho phép cha mẹ chạm tay vào người. Nếu “bị” ngồi cùng ghế với mẹ, cô sẽ hét lên vì sợ. Tháng 9/2008, ám ảnh rằng gia đình sẽ hủy hoại mình, Bridget rời khỏi nhà đến sống với bà ngoại, ở cách đó vài chục km.

Karen đổi bác sĩ cho con gái, tại đó, người ta cho bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với nỗi sợ để sau đó nó không còn là nỗi ám ảnh nữa. Nhờ thế, Bridget đã đấu tranh để ở gần mẹ mình, như ngồi cùng ghế hoặc bơi cùng nhau.

Giống như Karen, nhiều ông bố bà mẹ có con mắc bệnh tương tự cũng tự hỏi: Tôi đã làm gì vậy? Tại sao lại là con mình?

"Thật khó khăn cho các bậc cha mẹ hiểu rằng con họ đã mắc những dạng sợ hãi kỳ cục này", các chuyên gia thừa nhận.

Diane LeClair cũng từng tự hỏi mình câu hỏi tương tự khi cô con gái 13 tuổi, Michelle, bị chẩn đoán mắc chứng OCD tháng 9 năm ngoái. Michelle sợ các bạn cùng lớp bị bẩn, khiến cô không dám đến trường hoặc bất kỳ nơi công cộng nào có mặt các bạn.

Michelle LeClair sợ rằng những đứa trẻ khác trong trường học bị bẩn, và sẽ lây cho cô bé. Chứng rối loạn ám ảnh OCD buộc cô bé phải rời khỏi trường và về học tại nhà. Ảnh: ABC.

“Tất cả các cửa hàng đều bẩn bởi bọn trẻ cùng trường con có mặt ở đó”, Michelle từng nói. Nỗi sợ méo mó này khiến cô bé bị cách ly ở nhà. Vào thời điểm tồi tệ nhất, trong mùa thu và đông năm 2008, đồ của Michelle còn phải được giặt riêng với gia đình. Một lần giặt không đủ thuyết phục cô bé rằng quần áo đã sạch. Thậm chí cái máy rửa bát cũng phải được cọ rửa.

Nỗi ám ảnh thường trực khiến cô bé thường xuyên tắm nước nóng, và hiếm khi người nhà kéo được cô ra khỏi buồng tắm, nếu cô bé chưa muốn. Càng ngày, nỗi ám ảnh bị bẩn khiến cô bé trầm cảm nặng, không dám động vào bất cứ thứ gì, không thích thú gì, và cũng không có mục đích sống.

Giờ đây, cô cũng đang phải theo một khóa trị liệu đặc biệt để kiểm soát nỗi sợ của mình.

Rocco, cậu con trai 8 tuổi của John và Margaret Decorso còn bi đát hơn bởi cậu bị chứng OCD kết hợp với rối loạn Tourette. Trong đầu cậu luôn là những ám ảnh "nếu", từ việc sợ nếu ốm, cho đến việc sợ điều gì có thể xảy ra khi cậu rời trường học.

Dấu hiệu bệnh xuất hiện khi Rocco lên 5 tuổi, cậu bé đã nói về việc muốn chết. "Con không thể sống thế này được. Con muốn sống với Chúa trời", cậu nói. "Đừng lo, cha mẹ, con sẽ luôn trông chừng cha mẹ mà", người bố kể lại, cố kìm nước mắt.

OCD là một rối loạn kinh niên, sẽ tồn tại mãi mãi trong người bệnh. Mặc dù không có cách chữa, song các chuyên gia cho biết có thể kiềm chế nó nếu bạn biết cách. Việc chữa trị chứng OCD rất đắt đỏ, và cũng không phải trung tâm trị liệu nào cũng làm được việc này. Vì thế, căn bệnh là sự thử thách lòng kiên nhẫn với các bậc cha mẹ.

VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét