Dễ nhiễm, khó phát hiện, biến chứng nguy hiểm, chính vì vậy nhiễm độc chì ở trẻ em rất đáng sợ.
Trẻ em quanh quẩn khu vực cha mẹ vá lưới (có nhiều hạt chì) cũng có nguy cơ bị nhiễm độc chì - Ảnh: N.C.T. |
Để phòng ngừa hiệu quả nhiễm độc chì chỉ riêng nỗ lực cá nhân không đủ. Cần phải có sự hành động của các cấp chính quyền, ngành y tế, cũng như các cơ quan bảo vệ môi trường và ý thức của toàn xã hội. |
Các nước phát triển từ lâu đã có chương trình phòng chống nhiễm độc chì. Rất tiếc nước ta chưa có một chương trình như vậy và cũng không có thống kê đủ tin cậy về tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em. Tuy nhiên, không ai dám đoan chắc tỉ lệ nhiễm độc chì ở trẻ em VN là thấp.
Nhiễm độc chì xảy ra khi chì tích tụ trong cơ thể, thường là trong một thời gian từ vài tháng đến vài năm. Ngay cả một lượng chì rất nhỏ cũng có thể gây nên những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ngộ độc chì với một lượng lớn có thể gây tử vong. Trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì gây ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển thể chất và tâm thần.
Không có biểu hiện rõ ràng
Nhiễm độc chì rất khó phát hiện, ngay cả những người có nồng độ chì trong máu cao cũng có biểu hiện bình thường. Biểu hiện chỉ rõ ràng khi lượng chì trong máu đã tích lũy đến mức độ nguy hiểm. Mặc dù chì có thể ảnh hưởng xấu đến tất cả bộ phận của cơ thể nhưng đích tác động đầu tiên của nó là hemoglobin - một protein vận chuyển oxy trong máu. Đặc biệt nguy hiểm là trong quá trình tiến triển, hệ thần kinh của nạn nhân có thể bị tấn công.
Trẻ em ngộ độc chì có thể trở nên bị kích thích, khó chịu, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi chậm chạp, đau bụng, nôn mửa, xanh xao do thiếu máu, học hành giảm sút.
Biến chứng nguy hiểm
Một lượng chì trong máu dù ở mức độ rất thấp (100 microgam/lít máu) sau một thời gian cũng có thể gây hại, đặc biệt ở trẻ em. Nguy cơ lớn nhất là đối với não vì nhiễm độc chì có thể gây những tổn thương sớm và không thể hồi phục. Với nồng độ cao hơn (250 microgam/lít máu) nhiễm độc chì có thể gây phá hủy thận và hệ thần kinh của cả trẻ em lẫn người lớn. Ở mức cao hơn nữa, nhiễm độc chì có thể gây co giật, hôn mê và tử vong.
Những biến chứng lâu dài ở trẻ em có thể bao gồm thiếu máu, chậm phát triển cơ xương, tổn thương thính giác, học tập giảm sút, tổn thương thận và hệ thần kinh, rối loạn phối hợp vận động cơ, rối loạn ngôn ngữ và hành vi.
Về điều trị, với những trường hợp nhẹ chỉ cần tránh tiếp xúc với nguồn chì. Trường hợp nặng cần phải sử dụng liệu pháp tạo vòng càng cua (chelation therapy) tức là sử dụng một loại thuốc kết hợp với chì để thải ra theo đường tiểu. Tuy nhiên những tổn thương thực thể đã có, đặc biệt là ở não, không thể hồi phục bằng điều trị.
Phòng ngừa
Trước tiên, nếu nghi ngờ những vật dụng trong nhà có chứa nguồn chì có thể gây nhiễm độc thì cần phải loại bỏ. Nếu sống trong những khu vực có nguy cơ nhiễm chì, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
- Rửa tay cho trẻ sau khi chơi ngoài trời, trước khi ăn và trước khi đi ngủ sẽ làm giảm lượng chì qua đường tiêu hóa.
- Lau sàn nhà bằng dụng cụ thấm nước (hạn chế quét), lau bàn ghế, cửa, tủ và các bề mặt phủ bụi khác bằng vải ẩm.
- Nếu hệ thống ống dẫn nước cũ, nghi ngờ có chứa chì thì khi mở vòi nước không nên dùng ngay mà phải để nước chảy ít nhất một phút.
- Vứt bỏ tất cả những đồ chơi có sơn không rõ nguồn gốc vì không thể chắc chắn loại sơn được dùng có chì hay không.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp từ các nước không có chế độ kiểm soát an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Những nguồn có thể gây nhiễm độc chì Trước những năm 1960, các trường hợp ngộ độc chì thường do nguyên nhân sơn nhà chứa nhiều chì, các nắm cửa làm bằng chì và bụi có chì. Các nguồn gây nhiễm độc chì khác có thể là không khí bị ô nhiễm, nước nhiễm chì từ các khu công nghiệp, đất, một số đồ chơi và đồ trang sức. Đất có các hạt chì từ xăng và sơn có thể gây nhiễm độc trong nhiều năm. Đất nhiễm chì vẫn là một vấn đề lớn ở những vùng dân cư ven các tuyến đường có mật độ giao thông cao và ở những khu công nghiệp, đô thị. Nước uống từ các ống dẫn nước chứa chì hoặc từ các ống đồng nhưng được hàn bằng chì có thể chứa một lượng chì gây nguy hiểm cho sức khỏe. Các đồ gốm sứ cũng có thể chứa một lượng chì nào đó và có thể nhiễm vào thực phẩm. Một số đồ chơi cho trẻ em và các vật dụng khác như pin cũng có thể chứa chì. Một số đồ hộp ở một số nước, nơi mà vấn đề an toàn thực phẩm chưa được chú trọng đúng mức, cũng có thể gây nguy hại do các mối hàn chứa chì. Một số sản phẩm chì kẻ mắt cũng chứa một lượng chì rất cao. Ngay cả hỗn hợp trám răng amalgam cũng chứa chì. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét